Giới đầu tư ồ ạt xả hàng do lo ngại xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga
Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu (11/2), khi lo ngại xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga gia tăng đã khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Áp lực bán ồ ạt xuất hiện, sau khi Washington cảnh báo rằng, Nga đã điều đủ quân số đến gần biên giới Ukraine để tiến hành một cuộc tấn công quân sự và điều này có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Phiên này, 9 trong số 11 chỉ số ngành chính của S&P 500 giảm điểm, dẫn đầu là nhóm công nghệ, giảm 3% với Nvidia Corp giảm 7,3%, Amazon giảm 3,6%, Apple và Microsoft đều mất hơn 2%.
Nhóm cổ phiếu ngành du lịch cũng rớt mạnh, với cổ phiếu của American Airlines sụt gần 6%. Cổ phiếu Expedia giảm hơn 2%.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh sau tin tức về Ukraina. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm về khoảng 1,92% sau khi lần đầu tiên vượt mức 2% kể từ năm 2019 trong ngày thứ Năm. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá trái phiếu.
Trái lại, một số cổ phiếu mang tính phòng thủ tăng mạnh với Northrop Grumman tăng 4,5%, Lockheed Martin tăng 2,8%.
Lo ngại về chiến tranh cũng đã khiến chỉ số ngành năng lượng tăng 2,8% do giá dầu đạt mức cao nhất trong 7 năm, với hợp đồng dầu tương lai WTI tại Mỹ tăng 4%, với Diamondback Energy tăng gần 4%, Devon Energy tăng 3,6%, Exxon Mobil và ConocoPhillips lần lượt tăng 2,5% và 2,3%.
Trong tuần qua, Nasdaq giảm mạnh nhất với mức giảm 2,2%, S&P 500 giảm 1,8% và chỉ số Dow Jones giảm 1%.
Kết thúc phiên 11/2, chỉ số Dow Jones giảm 503,53 điểm (-1,43%), xuống 34.738,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 85,44 điểm (-1,90%), xuống 4.418,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 394,49 điểm (-2,78%), xuống 13.791,15 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm trong phiên thứ Sáu, theo xu hướng chung của nhiều thị trường khác trên toàn cầu, sau khi dữ liệu lạm phát cao Mỹ thúc đẩy việc Fed sớm tăng lãi suất, mặc dù nhận xét ôn hòa từ Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giúp hãm bớt đà rơi.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,59% xuống 469,59 điểm, nhưng tăng 1,6% trong tuần này, mức tốt nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chịu áp lực lớn nhất khi giảm 2,2% do áp lực về lãi suất gia tăng.
Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô tại Equiti Capital, cho biết: “Mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ ở châu Âu có thể làm giảm tình trạng bán tháo trên thị trường, nhưng cho đến khi lo ngại về phản ứng tích cực hơn từ Fed thì áp lực vẫn còn nguyên".
Lợi suất trái phiếu châu Âu giảm sau khi tăng mạnh vào phiên trước đó. Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho biết, việc tăng lãi suất chính của ECB bây giờ sẽ không thể khiến lạm phát của khu vực đồng euro giảm và trái lại, sẽ chỉ gây tổn hại hơn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại của Đức hôm thứ Sáu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu xuống 3% từ mức 3,6% mà họ đã dự đoán vào tháng 10/2021 do giá năng lượng tăng, thiếu nguyên liệu thô và thiếu lao động có tay nghề cao.
Kết thúc phiên 11/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 11,38 điểm (-0,15%) xuống 7.661,02 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 65,32 điểm (-0,42%), xuống 15.425,12 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 89,95 điểm (-1,27%), xuống 7.011,60 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Quốc khánh.
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, dù dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng nhanh hơn trong tháng Giêng không thể thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư, trong khi lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất mạnh hơn sau khi dữ liệu lạm cũng đè nặng tâm lý thị trường.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các gã khổng lồ công nghệ kéo lùi, bởi lo ngại Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn sau dữ liệu lạm phát mới được công bố.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, sau khi lạm phát Mỹ tăng vọt làm dấy lên lo ngại về việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn.
Kết thúc phiên 11/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,96 điểm (-0,66%), xuống 3.462,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,69 điểm (-0,07%), xuống 24.906,66 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 24,22 điểm (-0,87%), xuống 2.747,71 điểm.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tăng vọt khi tính trú ẩn của kim loại quý trước các sự kiện rủi ro địa chính trị được đẩy lên cao, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cảnh báo, Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào và sẽ bắt đầu bằng một cuộc không kích.
Kết thúc phiên 11/2, giá vàng giao ngay tăng 32,4 USD lên 1.859 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng hơn 23 USD lên 1.860,6 USD/ounce.
Giá dầu thế giới cũng nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, do lo sợ xung đột tại Ukraine sẽ đe dọa nguồn cung nhiên liệu, một phần do các lệnh trừng phạt, bởi Nga hiện là nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai trên thế giới.
Kết thúc phiên 11/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 3,22 USD (+3,46%), lên 93,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,03 USD (+3,21%), lên 94,44 USD/thùng.