Giới đầu tư tranh mua các cổ phiếu vừa và nhỏ

Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên thứ Ba (16/8), với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhạy cảm với lãi suất dẫn đầu, sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ không làm giảm hy vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Một báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy doanh số bán lẻ không thay đổi trong tháng 6 so với tháng trước đó, trong khi dự báo là giảm 0,3%. Tuy nhiên, ngay kể cả khi dữ liệu bán lẻ không hạ nhiệt, giới phân tích vẫn tiếp tục đặt cược khả năng cao vào việc Fed giảm lãi suất vào tháng 9 ở mức 93%, theo công cụ FedWatch của CME.

Điều đó đã giúp thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng tiền từ các cổ phiếu công nghệ megacap sang các lĩnh vực khác - vốn đã không theo kịp với mức tăng của các chỉ số chính, với chỉ số Russell 2000 tăng 3,5% lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2022.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ có thông tin về kết quả kinh doanh, Bank of America tăng 5,3% sau khi dự báo thu nhập lãi thuần lạc quan và lợi nhuận quý II tốt hơn dự kiến.

Tập đoàn UnitedHealth tăng 4% khi công bố EPS quý vừa qua được điều ở mức 6,8 USD/cổ phiếu, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích ở mức 6,6 USD/cổ phiếu, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng trong đơn vị dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cổ phiếu này là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên Dow Jones và nâng đỡ chỉ số phụ ngành chăm sóc sức khỏe thuộc S&P 500 lên mức cao nhất mọi thời đại.

Kết thúc phiên 16/7: Chỉ số Dow Jones tăng 742,76 điểm (+1,85%), lên 40.954,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,98 điểm (+0,64%), lên 5.667,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 36,77 điểm (+0,20%), lên 18.509,34 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi các cổ phiếu tài nguyên suy yếu và các thương hiệu xa xỉ tiếp tục thêm một phiên lao dốc sau dự báo ảm đạm của Hugo Boss.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,28% xuống 517.30 điểm, với chỉ số ngành tài nguyên cơ bản dẫn đầu đà đi xuống khi để mất 1,7%.

Cổ phiếu của Hugo Boss giảm 7,5% sau khi công ty xa xỉ của Đức này cắt giảm dự báo doanh số và lợi nhuận trong năm nay, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc và Anh.

Những cổ phiếu xa xỉ khác trong khu vực cũng chịu áp lực với thước đo mười cổ phiếu xa xỉ hàng đầu châu Âu giảm hơn 1%, sau khi giảm 3% trong phiên vừa qua.

Thông tin được quan tâm hiện tại là cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tuần này với dự báo lãi suất chính sách sẽ được giữ không đổi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào nhận xét từ các nhà hoạch định chính sách để xác định thời điểm cắt giảm lãi suất trong tương lai.

Trọng tâm thị trường cũng tiếp tục tập trung vào chủ đề chính trị tại Mỹ, sau vụ ám sát hụt ông Trump hôm thứ Bảy tuần trước, khi đề cử J.D. Vance làm phó tổng thống tranh cử vào thứ Hai.

Kết thúc phiên 16/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 18,06 điểm (-0,22%), xuống 8.164,90 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 72,86 điểm (-0,39%), xuống 18.518,03 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 52,68 điểm (-0,69%), xuống 7.580,03 điểm.

Lo ngại nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu là yếu tố chính đẩy giá dầu liên tục lao dốc những ngày qua.

Kết thúc phiên 16/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,15 USD (-1,40%), xuống 80,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,12 USD (-1,30%), xuống 83,73 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-tranh-mua-cac-co-phieu-vua-va-nho-post349551.html