Giới hạn nào cho các cường quốc tại biển Đông?

Hải quân các nước bên ngoài Asean như Mỹ, Úc đang tham gia những hoạt động khẳng định tự do hàng hải trên biển Đông. Nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay là sự tham gia đó ở mức độ và thời điểm nào là hợp lý. Asean cần làm rõ mình muốn cái gì từ các nước ngoài khu vực.

TS Andrew Chubb (Trường quan hệ Công và quốc tế Woodrow Wilson, ĐH Princeton, Mỹ), đưa ra ý kiến như vậy tại Đối thoại biển lần thứ 5 về chủ đề “Hợp tác Asean trong vấn đề biển Đông”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông, ĐSQ Úc tại Việt Nam và quỹ KAS tổ chức sáng 18/6 tại Hà Nội.

Theo TS Chubb, Asean cần tạo cho các nước bên ngoài một diễn đàn để trình bày các ý tưởng và kế hoạch của họ. Trong bối cảnh hải quân nhiều quốc gia bên ngoài đang gia tăng hiện diện ở biển Đông, các hoạt động này cần được bàn thảo một cách cẩn thận giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là trên các diễn đàn của Asean. Các quốc gia Asean ủng hộ quan điểm về tự do hàng hải. Câu hỏi đặt ra hiện nay là mức độ và thời điểm tham gia của hải quân của các quốc gia ngoài khu vực như thế nào là hợp lý. Điều này vẫn chưa được bàn đến.

Năm ngoái, khi xảy ra vụ suýt va chạm giữa một tàu chiến Mỹ với tàu Trung Quốc trên biển Đông, lãnh đạo một số nước thành viên Asean bày tỏ quan ngại rằng va chạm nếu xảy ra có thể đẩy khu vực vào vòng xoáy của bất ổn và hỗn loạn. Câu chuyện này cho thấy sự hiện diện của các quốc gia ngoài khu vực có tác động tích cực, nhưng cũng cần thận trọng trong việc giới hạn phạm vi để ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột, gây hấn và khiêu khích.

Hiện nay chúng ta vẫn chưa biết mức độ như thế nào là phù hợp và loại hình tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải nên như thế nào. Còn nhiều khó khăn trong việc định hình các vấn đề đó. Các nước bên ngoài như Mỹ và Úc cũng chưa có cách tiếp cận nhất quán. TS Chubb cho rằng cần thảo luận chủ đề này một cách kỹ lưỡng.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, câu hỏi về vai trò của Asean trong bối cảnh mới khi đối đầu Mỹ - Trung leo thang liên quan đến nhiều vấn đề chính trị phức tạp toàn cầu. Một trong những câu hỏi chính mà Asean quan tâm là các nước trung bình và nhỏ nên làm thế nào trong cuộc đối đầu đó.

TS Chubb cho rằng Mỹ - Trung vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhau về kinh tế, nhưng nay Washington đang thay đổi theo hướng ít phụ thuộc vào nhau hơn, tạo ra không gian để chấp nhận va chạm, vì thế có thể khiến tình hình biển Đông căng thẳng hơn khi 2 quốc gia đều có lợi ích từ việc tăng cường hiện diện ở khu vực. Ông cho rằng Asean có thể điều hòa quan hệ giữa 2 cường quốc đó, nhưng cần xác định chiến lược để có thể đóng vai trò kiểm soát lớn hơn trong tình hình hiện tại.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/gioi-han-nao-cho-cac-cuong-quoc-tai-bien-dong-1430135.tpo