Giới khoa học cảnh báo các rủi ro khi ông Trump muốn mua Greenland

Tại sao Greenland lại thu hút tổng thống đắc cử Donald Trump? Các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực và cơ hội khai thác tài nguyên có thể là những lý do hấp dẫn, nhưng mỗi miếng mồi thơm đều đi kèm với những thách thức.

Greenland là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch

Greenland là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói một cách đầy tham vọng về việc mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới. Ông viết trên mạng Truth: "Greenland là một nơi tuyệt vời và người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu và khi nó trở thành một phần của đất nước chúng ta".

Bắc Cực vẫn là nơi khắc nghiệt

Những nhận xét này đến một cách bất ngờ đối với nhiều người Mỹ—và theo Kuupik Kleist, cựu thủ tướng Greenland, cả người dân của hòn đảo này cũng bất ngờ không kém. Ông Kleist nói: "Chúng ta thực sự không biết bối cảnh chuyện này là gì". Nhưng giới khoa học đưa ra một số phân tích về động cơ của ông Trump, đặc biệt làm rõ liệu nó có dựa trên khả năng tan băng và các kết quả khác của khí hậu ấm lên hay không. Điều đáng nói, ông Trump từng phủ nhận về biến đổi khí hậu đang xảy ra hoặc có liên quan đến các hoạt động của con người.

Trước hết, ta cần nắm một số thông tin cơ bản: Greenland là nơi sinh sống của chưa đến 58.000 người, khoảng một phần mười dân số của Wyoming, tiểu bang có ít cư dân nhất nước Mỹ. Greenland trước đây là thuộc địa của Đan Mạch, còn hiện là lãnh thổ tự trị nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đan Mạch liên quan đến các vấn đề như chính sách tài chính, đối ngoại và an ninh.

Và những vấn đề đó đang trở nên phức tạp hơn khi biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, khiến Bắc Cực trở thành trung tâm chú ý của toàn cầu. Chuyên gia Melody Brown Burkins, người làm việc về chính sách khoa học và ngoại giao tại Bắc Cực tại Cao đẳng Dartmouth, cho biết Greenland "nằm ở một vị trí rất chiến lược ở Bắc Cực đối với nhiều lợi ích khác nhau".

Có lẽ khía cạnh được trích dẫn nhiều nhất về vị trí chiến lược này đến từ một điều đáng quan ngại: các tuyến vận chuyển quốc tế tại Bắc Cực khi Trái đất nóng lên. Theo lập luận, khi băng ở Bắc Cực tan chảy, khu vực này sẽ trở nên dễ đi lại hơn đối với tàu thuyền, cung cấp các tuyến đường ngắn hơn để vận chuyển hàng hóa giữa các vùng quanh Bắc Cực, chẳng hạn từ Mỹ hay Canada sang Na Uy để xuống châu Âu. Và thực sự, xu hướng đó dường như đang chuyển động: theo Hội đồng Bắc Cực – một tổ chức liên chính phủ, số lượng tàu đi vào Bắc Cực đã tăng 37% từ năm 2013 đến năm 2023.

Nhưng hứa hẹn về các tuyến đường ở Bắc Cực có thể bị thổi phồng quá mức. Chuyên gia Burkins nhận định: "Tôi nghĩ rằng ý tưởng rằng chúng ta sẽ gửi tất cả các tàu đến các tuyến đường mới này để tiết kiệm tiền là hơi kỳ lạ, đặc biệt là khi xét đến điều kiện khắc nghiệt của đại dương vùng cực và tình hình sẽ còn tiếp tục như vậy trong thời gian tới”, đồng thời cảnh báo: "Bạn có thể nói rằng ở đó sẽ có ít băng hơn, nhưng cũng đừng quên là sẽ có nhiều băng trôi hơn dễ đâm thủng tàu".

Vào tháng 9.2023, khi băng biển Bắc Cực ở mức tối thiểu hằng năm, chỉ có chưa đến 1.800 tàu mạo hiểm vào khu vực này. Con số đó chiếm đến 63% lưu lượng tàu Bắc Cực trong cả năm nhưng vẫn ít hơn 2% đội tàu toàn cầu. Hơn nữa, trong suốt cả năm, số tàu đánh cá vượt trội hơn tàu chở hàng hay nói cách khác là số tàu vận tải dùng tuyến đường Bắc Cực vẫn rất ít. Kết hợp lại, những con số đó cho thấy rằng mặc dù vận chuyển ở Bắc Cực gần đây đã tăng trưởng, nhưng vẫn còn hạn chế. Burkins chỉ rõ: “Các mùa trong năm đều không thuận lợi và đây là vùng biển rất khó khai thác”, đồng thời vị chuyên gia về Bắc Cực lưu ý rằng cơ sở hạ tầng cho dịch vụ vận tải, chẳng hạn như sự hiện diện của các cảng, vẫn còn khan hiếm trong khu vực.

Nhưng mỏ khoáng sản thực sự hấp dẫn

Giáo sư quản lý tài nguyên Anne Merrild tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch, người lớn lên ở Greenland, cho biết cơ sở hạ tầng hạn chế đó cũng làm phức tạp thêm câu chuyện thứ hai thường được trích dẫn là lý do khiến người ta quan tâm đến Greenland: khai thác khoáng sản. Các khoáng sản được kỳ vọng rất giàu kim loại đất hiếm và các vật liệu khác có thể đặc biệt hữu ích trong công nghệ năng lượng tái tạo như pin lưu trữ điện và nam châm trong điện gió.

Tuy nhiên, Giáo sư Merrild lưu ý rằng những khoáng sản đó không bị chôn vùi dưới lớp băng của Greenland hay bị đóng băng ngoài tầm với như người ta thường nghĩ. Rất nhiều khoáng sản nằm dọc theo bờ biển không đóng băng dù nằm sâu dưới lòng đất. Tất cả đang chờ đợi cơ sở hạ tầng xuất khẩu, ý chí chính trị của Greenland và các quan hệ đối tác thương mại nước ngoài... chín muồi là có thể khai thác.

Dù thế giới đang đổ dồn vào những phát ngôn của ông Trump, Giáo sư Merrild cho biết nghiên cứu của mình chưa cho thấy nhiều sự quan tâm thương mại của Mỹ đối với các khoáng sản của hòn đảo này. Tuy nhiên, Giáo sư Merrild và cả cựu thủ tướng Kleist đều tin rằng trong những điều kiện phù hợp, người dân Greenland sẽ sẵn sàng cho phép khai thác mỏ như một cách đa dạng hóa nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào nghề đánh bắt.

Nói về triển vọng từ các tuyến đường vận chuyển và khai thác đất hiếm, cũng như ý định của ông Trump trong việc tìm cách đưa Greenland là một phần của nước Mỹ, Burkins nói: “Mỗi điều này đều đầy rẫy rủi ro”. Nếu an ninh quốc gia là mối quan tâm hàng đầu của ông Trump, thì kể từ giữa thế kỷ 20, Mỹ đã có quyền vận hành các căn cứ quân sự ở Greenland. Các tiền đồn như vậy gồm cả căn cứ đặt tên lửa đạn đạo đã bị bỏ hoang vào năm 1966, thải ra hơn 47.000 thùng chất thải phóng xạ và vẫn bị chôn vùi dưới lớp băng. Hiện Mỹ vẫn còn một căn cứ cho Lực lượng Không gian đang hoạt động trên đảo.

Greenland thường không được để ý lắm vì xa xôi và lạnh lẽo nhưng hòn đảo này có mối quan hệ chính trị thực sự với cả Đan Mạch và phần còn lại của châu Âu, cũng như mối liên hệ lịch sử lâu dài với Canada. Merrild suy đoán rằng sự quan tâm rõ ràng của ông Trump đối với hòn đảo này thậm chí có thể mang lại cho người dân Greenland thêm được chú ý trên bản đồ thế giới.

Và trong khi Greenland và Đan Mạch đang trong quá trình thảo luận về khả năng độc lập của hòn đảo, những phát ngôn của ông Trump, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy đa phần người Greenland thích nhập vào Mỹ... càng làm nóng tình hình Bắc Cực.

Hơn một nửa cư dân Greenland ủng hộ việc hòn đảo sáp nhập vào Mỹ, theo một cuộc khảo sát được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 11.1 bởi tổ chức phi chính phủ Patriot Polling có trụ sở tại Mỹ. Phần lớn người tham gia khảo sát (57,3%) đồng tình với ý tưởng Greenland trở thành một phần của Mỹ, trong khi 37,4% phản đối. Còn lại, 5,3% chưa đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò mới của USA Today, ý định "mua lại" đảo Greenland từ Đan Mạch vì mục đích an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như không nhận được sự ủng hộ của công chúng Mỹ. Theo cuộc thăm dò có sự tham gia của 1.000 người được hỏi và được thực hiện từ ngày 7 đến ngày 11.1, chỉ có 11% nói rằng chính quyền Trump sắp tới nên làm mọi cách có thể để chiếm được hòn đảo này. Trong khi đó, 29% cho rằng đó là ý tưởng hay nhưng không thực tế và 53% không ủng hộ việc mua lại Greenland.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gioi-khoa-hoc-canh-bao-cac-rui-ro-khi-ong-trump-muon-mua-greenland-228347.html