Giới khoa học đi tìm lời giải vì sao có người không mắc Covid-19

Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân một số người phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhưng không bị nhiễm Covid-19.

Không mắc Covid-19 dù cố tình phơi nhiễm

Cô Phoebe Garrett (22 tuổi, sống tại Anh) tham gia một dự án nghiên cứu về dịch Covid-19 vào năm 2021 khi các nhà nghiên cứu tìm cách khiến người tham gia nhiễm Covid-19. Những người tham gia thử nghiệm được nhỏ virus sống vào mũi và che kín lỗ mũi trong vài giờ. Kết quả, cô Phoebe không mắc Covid-19.

“Chúng tôi trải qua một số vòng thử nghiệm sử dụng các phương pháp khác nhau như lấy dịch họng, lấy dịch mũi cũng như nhiều hình thức lấy dịch khác và xét nghiệm máu, nhưng tôi không xuất hiện các triệu chứng và không cho kết quả dương tính. Mẹ tôi cũng thường nói là các thành viên gia đình tôi không bao giờ bị cúm và tôi cho rằng có thể có nguyên do nào đó đằng sau việc này”, cô Phoebe nói.

Dù vậy, tới tháng 1, cô Phoebe được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron, biến chủng có khả năng lây nhiễm mạnh hơn và có tính kháng vaccine mạnh hơn các biến chủng virus SARS-CoV-2 khác.

Một số người không mắc Covid-19 dù phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2.

Một số người không mắc Covid-19 dù phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2.

Trong thử nghiệm trên, 16 trong số 34 người thử nghiệm không xuất hiện triệu chứng Covid-19 sau khi được chủ động cho tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Một nửa số người tham gia chỉ có nồng độ virus SARS-CoV-2 thấp trong cơ thể trong một thời gian ngắn.

Giới khoa học tìm cách lý giải

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tại sao một số người không mắc Covid-19 dù cố tình phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 như trong nghiên cứu trên.

Một giả thiết được đưa ra là một số người có thể có gen đề kháng với virus SARS-CoV-2. Những loại gen có tính đề kháng này từng được ghi nhận ở một số người đối với các loại bệnh khác như HIV hay sốt rét.

Giáo sư Christopher Chiu, Đại học Hoàng gia London, người đứng đầu nghiên cứu trên, đưa ra giả thiết hệ thống miễn dịch của một số người có khả năng ngăn chặn lây nhiễm ngay từ đầu.

“Trong những nghiên cứu trước đó với các loại virus khác, chúng tôi phát hiện phản ứng sớm của hệ miễn dịch tại mũi có liên quan với khả năng ngăn chặn lây nhiễm”, giáo sư Christopher Chiu cho biết.

Một giả thiết khác là cơ thể một số người có khả năng loại bỏ virus SARS-CoV-2 trước khi virus tồn tại lâu trong cơ thể.

Tiến sĩ Leo Swadling, Đại học College London, theo dõi một nhóm bác sĩ thường xuyên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nhưng không cho kết quả dương tính hoặc xuất hiện kháng thể. Kết quả xét nghiệm máu của các nhân viên y tế này cho thấy 15% trong số họ có tế bào T có khả năng phản ứng với virus SARS-CoV-2.

Nếu tìm được lời giải chính xác, đây sẽ là yếu tố quan trọng, có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong đại dịch hiện nay vì qua đây các nhà khoa học có thể xác định cơ chế ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, từ đó phát triển các loại thuốc không chỉ nhằm bảo vệ con người nhiễm bệnh mà còn ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Hoàng Anh (Theo Sputnik)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gioi-khoa-hoc-di-tim-loi-giai-vi-sao-co-nguoi-khong-mac-covid-19-d544568.html