Giới khoa học gấp rút tìm cách bào chế vaccine chống virus corona

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để phát triển loại vaccine phòng virus corona.

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra vẫn đang tiếp tục lan rộng với số người tử vong, số người mắc tăng rất nhanh. Điều nguy hiểm là những người mang virus corona có thể lây nhiễm cho người khác ngay cả khi chưa xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Trong điều kiện này, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để phát triển loại vaccine phòng virus corona với hy vọng có thể đưa ra mẫu vaccine thử nghiệm trên động vật vào giữa tháng 2/2020.

Ảnh minh họa virus corona. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa virus corona. Nguồn: Internet.

Vào những ngày đầu tháng 1, khi các trường hợp mắc bệnh lạ, giống như viêm phổi được báo cáo ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Maryland đã sẵn sàng nghiên cứu vaccine để ngăn ngừa căn bệnh mới. Họ đã có những thông tin ban đầu về việc một loại virus tương tự như nguyên nhân gây ra dịch SARS năm 2003 và MERS năm 2012, là thủ phạm. Tiến sĩ Barney Graham, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine NIH của Mỹ đã kêu gọi các nhà khoa học ở Trung Quốc chia sẻ cấu trúc di truyền của virus để ông và các cộng sự có thể bắt đầu “cuộc chạy đua phát triển vaccine”. Đến ngày 10/1, các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của virus corona trên trang thông tin dữ liệu công khai.

Giáo sư Robin Shattuck, Khoa Truyền nhiễm Đại học Y Imperial ở Anh đánh giá đây là một bước đi kịp thời: “Một điều may mắn với giới khoa học trong lĩnh vực này là các chuyên gia của Vũ Hán đã cung cấp cấu trúc gen của virus Corona một cách kịp thời, để các nhà khoa học có thể vào cuộc nhanh chóng trong việc tìm kiếm vaccine. Dựa trên thông tin mà các nhà khoa học ở Vũ Hán cung cấp, nhiều phòng thí nghiệm đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine, và nếu thuận lợi thì những mẫu vaccine thử nghiệm trên động vật đầu tiên có thể được đưa ra trong vào giữa tháng sau

Hiện nhiều phòng thí nghiệm công lập và ít nhất 3 công ty dược là Johnson & Johnson, Moderna Therapeutics và Inovio đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine phòng virus Corona, trong bối cảnh bệnh viêm phổi do virus này đã khiến hơn 6.000 người mắc bệnh và hơn 130 người tử vong. Bà Jacqueline Sheam Giám đốc điều hành của Công ty Dược Inovio cho viết công ty đã nhận được khoản tài trợ 9 triệu USD để phát triển vaccine và các chuyên gia của công ty đang làm việc rất khẩn trương.

Điều nguy hiểm trong quá trình ngăn chặn dịch bệnh do virus corona mới gây ra, đó là những người mang virus có thể phát tán virus ngay cả khi họ chưa xuất hiện các triệu chứng bệnh. Vì thế, các nhà khoa học của Trường Y thuộc Đại học Washington ở Mỹ còn tập trung nghiên cứu công cụ chẩn đoán lâm sàng để phát hiện virus ở những người mang mầm bệnh.

Phó giáo sư Alex Greninger cho biết: “Corona là một nhóm virus, một họ virus. Chúng là những virus có bộ gen rất lớn. Chúng có bộ gen RNA lớn nhất so với bất kỳ loại virus nào chúng ta biết trước đây. Loại virus này chủ yếu gây ra bệnh về đường hô hấp ở người. Hiện nay, tất cả các mẫu xét nghiệm chẩn đoán đang được gửi đến các phòng thí nghiệm y tế công cộng của tiểu bang và chúng tôi đang nghiên cứu để có công cụ xét nghiệm sớm trong vòng vài tuần tới”.

Trong lịch sử, vaccine đã chứng tỏ là công cụ y tế công cộng hữu hiệu nhất để phòng ngừa các căn bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng. Với sự phát triển của công nghệ mới và khả năng phối hợp trên toàn cầu, thời gian cho ra đời một loại vaccine mới đã được rút ngắn đáng kể. Dù vậy, đây vẫn là một quá trình tốn kém và có nhiều rủi ro. Để phát triển được một loại vaccine mới, khoảng thời gian cần thiết thường là vài tháng, thậm chí vài năm với các quy trình nghiêm ngặt, từ nghiên cứu tới thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm trên người trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi.

Khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, các nhà nghiên cứu phải mất khoảng 20 tháng kể từ khi phát hiện bộ gen virus mới đưa ra được loại vaccine thử nghiệm ở người. Khi dịch bệnh do virus Zika gây ra bùng phát vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã rút ngắn thời gian xuống còn 6 tháng. Hiện nay, với virus corona, các nhà khoa học hy vọng những nỗ lực ở quy mô toàn cầu sẽ giảm thời gian đó xuống một nửa, nghĩa là sau 3 tháng sẽ có vaccine thử nghiệm ở người./.

Thúy Ngọc/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/gioi-khoa-hoc-gap-rut-tim-cach-bao-che-vaccine-chong-virus-corona-1004604.vov