Giới khoa học kêu gọi hành động khẩn cấp để tránh thảm họa về khí hậu
Khi đưa ra lời cảnh báo về thảm họa khí hậu mà nhân loại phải đối mặt, giới khoa học cho rằng, cơ hội để tránh điều tồi tệ nhất vẫn còn đó - tuy nhiên, điều này đòi hỏi các biện pháp ở tầm quốc tế để nhanh chóng giảm khí thải, chứ không phải là những lời hứa suông khi nhân loại tiếp tục tăng lượng khí thải.
Theo Nature, một nhóm nghiên cứu gồm 7 nhà khoa học (Timothy M. Lenton, Johan Rockström, Owen Gaffney, Stefan Rahmstorf, Kinda Richardson, Will Steffen, và Hans Joachim Schellnhuber) đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của những thay đổi khí hậu đột ngột và không thể đảo ngược nổi, bắt buộc toàn thế giới phải có những hành động về mặt chính trị và kinh tế nhằm hạn chế khí thải.
Nhiệt độ tăng chỉ một độ dẫn đến sự tan chảy nhanh chóng của băng và băng vĩnh cửu, sự chậm lại của dòng hải lưu và các vấn đề trong hệ sinh thái rừng. Mỗi sự kiện này có thể gây ra hiệu ứng domino với những hậu quả khó lường.
Khi hành tinh nóng lên do khí thải nhà kính, nguy cơ vượt qua các điểm tới hạn (tipping points) của khí hậu không có điểm lùi, có thể dẫn đến một hiệu ứng domino thảm khốc.
Cho đến nay, người ta tin rằng chỉ đến điểm tới hạn đó sau khi tăng nhiệt độ 5°C. Tuy nhiên, tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều. Theo các nhà khoa học, nhiều điểm tới hạn ở giữa khoảng cách nhiệt độ 1°C và 2°C. Vì nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn 1°C so với mức tiền công nghiệp và tiếp tục tăng, nhân loại đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng.
Theo một số báo cáo, 9 điểm tới hạn của khí hậu gồm :
1. Sự tan chảy của dải băng Tây Nam Cực
2.Sự tan chảy của một số sông băng lớn ở Đông Nam Cực
3. Sự tan chảy của dải băng Greenland
4. Sự tan lớp băng vĩnh cửu
5. Giảm diện tích băng biển ở Bắc Cực
6. Dòng hải lưu Gulf Stream bị chảy chậm lại
7. Sự phá hủy 17% diện tích rừng Amazon kể từ năm 1970
8. Các cánh rừng phương Bắc thường xuyên bị cháy và bùng phát dịch bệnh
9. Cái chết hàng loạt của các rạn san hô
Hầu như tất cả các sự kiện này đều liên quan ở một mức độ nhất định đến tình trạng nóng lên toàn cầu và đều có thể tự động đẩy nhanh hơn nữa tình trạng đó. Ví dụ, lớp băng vĩnh cửu giải phóng metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh vào khí quyển và sự biến mất của băng biển và băng trên đất liền làm tăng cường sự nóng lên của đại dương và đất liền.
Các vấn đề ở rừng nhiệt đới và ôn đới có thể biến chúng từ việc lưu trữ carbon trong khí quyển thành nguồn phát thải carbon. Theo các nhà khoa học, cơ hội để tránh điều tồi tệ nhất vẫn còn đó - tuy nhiên, điều này đòi hỏi các biện pháp ở tầm quốc tế để nhanh chóng giảm khí thải, chứ không phải là những lời hứa suông khi nhân loại tiếp tục tăng lượng khí thải.
Theo Tổ chức khí tượng thế giới, mức kỷ lục mới về nồng độ CO2 đã đạt được vào năm 2018. Năm nay vẫn có khả năng tiếp tục xu hướng đáng buồn này.