Giới khoa học trở về giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ động vật

Sau hai năm đại dịch càn quét trên toàn thế giới, nguồn gốc của Covid-19 vẫn gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Đến nay, hầu hết nhà khoa học cho rằng Covid-19 xuất hiện trong tự nhiên và truyền trực tiếp từ dơi sang người, hoặc gián tiếp qua một động vật khác. Một số ý kiến khác, bao gồm các cơ quan tình báo Mỹ, không loại trừ khả năng virus bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Một số nhà khoa học giờ đây lại tập trung vào giải quyết và chứng minh giả thuyết Covid-19 truyền từ động vật sang người, với hy vọng sẽ tìm ra cách giúp loài người chống lại các loại virus và biến thể mới, theo AP.

“Kịch bản virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm nhận được rất nhiều sự chú ý, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy virus này ở trong phòng thí nghiệm”, nhà khoa học Stephen Goldstein của Đại học Utah khẳng định. Ông cùng với 20 người khác công bố một bài báo trên tạp chí Cell hồi tháng 8 nhằm đưa ra bằng chứng về nguồn gốc động vật của Covid-19.

 Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới trong chuyến thăm thực địa đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Động vật Hồ Bắc. Ảnh: AP.

Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới trong chuyến thăm thực địa đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Động vật Hồ Bắc. Ảnh: AP.

Giả thiết phù hợp

Michael Worobey, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Arizona và là người đóng góp cho bài báo trên tạp chí Cell, cho biết ông luôn nghĩ rằng giả thuyết virus truyền từ động vật sang người phù hợp hơn so với ý tưởng về một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Vào đầu năm ngoái, ông và các nhà khoa học khác từng nói rằng cả hai khả năng này đều khả thi.

Tháng trước, Worobey đã công bố những mốc thời gian của Covid-19 liên kết với ca nhiễm đầu tiên tại chợ buôn bán hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc.

“Tôi tự tin vào giả thuyết (virus truyền từ động vật sang người) vì thu được dữ liệu đáng tin cậy. Ý tưởng rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm gây ra sự phân tâm rất lớn, chiếm mất sự tập trung của việc tìm hiểu điều gì đã thực sự xảy ra”, ông nói.

Nhưng nhiều người không chắc chắn như vậy. Vào tháng 8, một bản báo cáo theo lệnh Tổng thống Joe Biden cho thấy bốn cơ quan tình báo Mỹ đánh giá thấp giả thuyết virus truyền từ động vật sang người. Một cơ quan khác có sự tự tin vừa phải vào giả thuyết virus liên quan đến phòng thí nghiệm.

Một số người ủng hộ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm cho rằng các nhà nghiên cứu đã vô tình bị phơi nhiễm vì thực hành không an toàn trong khi làm việc với các mẫu virus từ tự nhiên, hoặc có thể virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Các quan chức tình báo Mỹ bác bỏ nghi ngờ Trung Quốc phát triển virus trở thành vũ khí sinh học.

 Chợ buôn bán hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Chợ buôn bán hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Việc tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho nguồn gốc đại dịch đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ biến nước này thành "vật tế thần" cho đại dịch.

Một số chuyên gia lo ngại rằng sẽ không bao giờ tìm ra nguồn gốc thật sự của Covid-19, khi những cuộc điều tra sâu hơn bị cản trở bởi chính trị của các cường quốc.

Một cuộc điều tra của AP vào năm ngoái cho thấy chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ tất cả các nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19. Thậm chí nước này còn thúc đẩy các giả thuyết bên lề rằng virus có thể đến từ bên ngoài đất nước.

“Yếu tố chính trị xung quanh cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 đã 'đầu độc' sự hợp tác toàn cầu”, Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm Hợp tác của WHO về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu, cho biết.

Từ dơi đến con người

Trong bài báo trên tạp chí Cell, các nhà khoa học cho biết SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 là loại virus corona thứ chín được ghi nhận lây nhiễm sang người. Tất cả những chủng trước đây đều có nguồn gốc từ động vật, bao gồm virus gây ra dịch SARS năm 2003.

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng động vật hoang dã là vật chủ trung gian của virus và đã tìm kiếm loại virus corona nào ở dơi gây ra đại dịch Covid-19. Vào tháng 9 tại Lào, các nhà khoa học đã xác định ba loại virus ở dơi giống SARS-CoV-2 hơn bất kỳ loại virus nào được biết đến trước đó.

Worobey nghi ngờ lửng chó là vật chủ trung gian. Ông cho biết nhóm động vật giống cáo dễ bị nhiễm virus corona và được bày bán trực tiếp tại chợ Hoa Nam.

 Một nhà nghiên cứu từ Viện Pasteur Campuchia lấy mẫu từ một con dơi. Ảnh: Reuters.

Một nhà nghiên cứu từ Viện Pasteur Campuchia lấy mẫu từ một con dơi. Ảnh: Reuters.

“Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy virus có nguồn gốc từ động vật. Nhưng theo chúng tôi được biết, khu chợ đã bị dọn sạch”, ông nói.

Đầu năm nay, một báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc nhấn mạnh việc lây truyền virus từ dơi sang người thông qua một động vật khác là kịch bản có khả năng nhất. Ngược lại, kịch bản virus rò rỉ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

Nhưng báo cáo trên cũng gây ra nhiều sự nghi ngờ. Trường hợp Covid-19 đầu tiên được biết đến là một kế toán không có mối liên hệ nào với chợ Hoa Nam.

Người đàn ông lần đầu tiên xuất hiện các triệu chứng vào ngày 8/12/2019. Những người ủng hộ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm chỉ ra rằng người này sống gần một cơ sở của Viện Virus học Vũ Hán.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Worobey, người đàn ông cho biết vào ngày 8/12/2019, vấn đề của anh ta chỉ liên quan đến răng miệng. Các triệu chứng Covid-19 bắt đầu xuất hiện sau đó một tuần và được xác nhận trong hồ sơ bệnh viện.

Phân tích của Worobey cũng xác định được trường hợp nhiễm Covid-19 trước đó là một người bán hàng ở chợ Hoa Nam. Người này nhiễm Covid-19 vào ngày 11/12/2019.

Mối đe dọa từ động vật

Các chuyên gia lo ngại việc virus lây truyền từ động vật sang người có thể gây ra các đại dịch mới.

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, nhiều loại động vật đã nhiễm bệnh, bao gồm mèo, chó, động vật trong sở thú và các loài linh trưởng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết hầu hết động vật lây bệnh từ con người. Con người có thể lây bệnh sang động vật khi tiếp xúc gần, nhưng nguy cơ động vật truyền lại sang người là rất thấp.

Tuy nhiên, động vật có thể trở thành nguồn gốc của các biến thể virus mới. Nhiều người tự hỏi liệu biến thể Omicron có bắt đầu theo cách này hay không.

“Trên khắp thế giới, động vật có khả năng ủ bệnh và xuất hiện các biến thể ngay cả khi chúng ta kiểm soát được Covid-19 ở người”, David O'Connor, chuyên gia virus học tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết.

Worobey cho biết ông đang tìm kiếm dấu vết di truyền chứng minh việc liệu biến thể Omicron được tạo ra khi virus truyền từ người sang động vật, đột biến và sau đó truyền ngược trở lại người hay không.

Các nhà nghiên cứu khẳng định cần phải ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để ngăn ngừa bệnh truyền từ động vật sang người.

Và việc không điều tra đầy đủ nguồn gốc của virus sẽ khiến thế giới dễ bị tổn thương trước các đại dịch trong tương lai.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-khoa-hoc-tro-ve-gia-thuyet-covid-19-bat-nguon-tu-dong-vat-post1282758.html