Giới manga dùng AI để giảm giờ dựng khung truyện từ một tuần còn 4 giờ

Bản tin từ NHK nêu bật cách AI đang được áp dụng trong ngành anime và manga để giảm bớt khối lượng công việc và giúp nghệ sĩ tập trung vào các khía cạnh sáng tạo hơn.

Bản tin được đăng tải trên kênh YouTube của NHK vào ngày 9/12 có đoạn: "Manga và anime là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi rất nhiều công sức sản xuất. Hiện nay, AI đang đảm nhiệm một số công việc đó để con người có thể tập trung vào khía cạnh sáng tạo".

AI tổng quát giúp phát triển anime

Bản tin của NHK chia sẻ về cách studio K&K Design có trụ sở tại Nagoya, chủ nhân của các tác phẩm đình đám như Napping PrincessAfter School Dice Club đang sử dụng AI để tạo các khung hình hoạt hình xen kẽ.

Theo studio K&K Design, quá trình tạo khung, theo thông lệ mất một đến hai tuần, đã được rút ngắn xuống còn bốn đến năm giờ với sự trợ giúp của AI.

 AI đang được sử dụng trong phác thảo anime và manga. Ảnh: NHK.

AI đang được sử dụng trong phác thảo anime và manga. Ảnh: NHK.

Điều đội ngũ nhân sự hiện tại cần làm là đưa ra yêu cầu cùng việc thiết lập khung hình mở đầu và kết thúc. Phần còn lại sẽ được AI sẽ xử lý toàn bộ.

Tuy nhiên, K&K Design đảm bảo nhân viên kiểm tra và chỉnh sửa mọi tác phẩm do AI tạo ra để duy trì chất lượng.

“Chúng tôi luôn đảm bảo nhân viên kiểm tra, chỉnh sửa hoặc bổ sung nội dung khi cần. Là những người sáng tạo, chúng tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào AI. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng AI có thể tiết kiệm đáng kể thời gian, vì vậy chúng tôi có thể sử dụng thời gian đó cho những phần việc sáng tạo hơn”, Hiroshi Kawakami, Giám đốc của studio cho biết.

Bản tin cũng chia sẻ rằng AI đang được sử dụng để chuyển đổi các chuyển động thực tế thành chuyển động hoạt hình, một tính năng được cho là có nhiều tiềm năng.

Trước đó, một bản tin vào tháng 8 năm 2024 của Nikkei cũng đã tiết lộ thông tin chi tiết về cách K&K Design sử dụng AI. Trong bản tin đó, studio cho biết việc tô màu nền, theo thông lệ mất một tuần, đã được hoàn thành trong năm phút với sự hỗ trợ của AI.

Ông Kawakami giải thích cách tiếp cận của studio là tích cực tích hợp AI để cải thiện môi trường làm việc trong khi vẫn duy trì chất lượng sản xuất.

K&K Design cũng đã áp dụng AI vào phát triển một chuỗi hoạt động trong tập thứ tám của loạt phim Trillion Game vào tháng 9 năm 2023.

Ứng dụng AI trong ngành công nghiệp truyện tranh

Bản tin của NHK cũng có sự góp mặt của tác giả truyện tranh 70 tuổi Yoshimi Kurata, người nổi tiếng với tác phẩm Aji Ichi Monme. Ông đã chia sẻ cách AI đang giúp mở rộng khả năng sáng tác truyện tranh của ông.

Ông Kurata lưu ý rằng tốc độ vẽ của ông đã chậm lại theo tuổi tác, nhưng việc sử dụng AI giúp ông có thể tiếp tục làm việc trong một thập kỷ nữa thay vì chỉ năm năm theo dự tính trước đây.

 Cả giới nghệ sĩ trẻ và cao tuổi đều đang trải nghiệm công nghệ AI. Ảnh: NHK.

Cả giới nghệ sĩ trẻ và cao tuổi đều đang trải nghiệm công nghệ AI. Ảnh: NHK.

AI đang hỗ trợ ông trong các lĩnh vực như hoàn thiện bối cảnh, tô màu và tinh chỉnh các bản phác thảo, từ đó, giúp ông Kurata tập trung vào việc kể chuyện và các yếu tố sáng tạo.

Bản tin của Nikkei tháng 8 năm 2024 cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về một công ty sản xuất truyện tranh kỹ thuật số có trụ sở tại Tokyo là en-dolphin, đơn vị đang phát triển công nghệ AI để hỗ trợ các tác giả truyện tranh.

AI được đào tạo bằng các tác phẩm trước đây của tác giả, từ đó tái tạo hình minh họa và hợp lý hóa quy trình vẽ. Tuy nhiên, en-dolphin nhấn mạnh vào việc quản lý bản quyền chặt chẽ, đảm bảo AI chỉ hỗ trợ các nghệ sĩ khi họ cung cấp sự cho phép rõ ràng.

Trang web en-dolphin tuyên bố rằng "dịch vụ AI sẽ không hoạt động nếu không có sự cho phép của tác giả nắm giữ bản quyền và tác giả có thể kiểm soát mọi kết quả".

En-dolphin đã giới thiệu các ví dụ về hệ thống AI của họ, bao gồm cách AI chuyển đổi các bản phác thảo thô của nhiều họa sĩ như Yoshimi Kurata và Dong-Hwa Kim thành các hình minh họa được tô màu và đánh bóng.

Mặc dù công nghệ này có thể làm giảm nhu cầu sử dụng các trợ lý con người, En-dolphin tuyên bố rằng họ vẫn ưu tiên việc bảo vệ bản quyền và tính nguyên bản của các họa sĩ.

Ngoài việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, AI đang được tận dụng để chống lại các thách thức như vi phạm bản quyền trong ngành công nghiệp anime và manga.

Chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng một chương trình thí điểm trị giá 2 triệu USD để phát triển AI có khả năng phát hiện và báo cáo nội dung vi phạm bản quyền.

Thêm vào đó, các công ty lớn trong ngành đang tìm cách sử dụng AI để mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu của họ. Ví dụ, Sony đang sử dụng AI để nâng cao hiệu quả sản xuất anime, do đó giảm chi phí và tăng sản lượng.

Về mặt dịch thuật, Nhật Bản cũng đang đầu tư mạnh vào một công ty dịch truyện tranh AI nhằm đẩy nhanh quá trình dịch thuật và tăng số lượng tác phẩm được xuất khẩu.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-manga-dung-ai-de-giam-gio-dung-khung-truyen-tu-mot-tuan-con-4-gio-post1520270.html