Giới nghiên cứu Trung Quốc: Tê tê có thể là vật chủ trung gian cho coronavirus
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa có kết luận nghiên cứu rằng, tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền coronavirus mới, Nhân dân Nhật báo đưa tin sáng 7/2.
Nghiên cứu mới nhất của Trung Quốc về coronavirus mới do Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ nông nghiệp hiện đại Lĩnh Nam tỉnh Quảng Đông, Viện nghiên cứu quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc và Cơ quan nghiên cứu động vật thành phố Quảng Châu thực hiện.
Theo kết quả nghiên cứu này (với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia nổi tiếng như Shen Yongyi, Xiao Lihua, Yang Ruiyu, Chen Wu…), tê tê, loài động vật hoang dã hiện bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới, có khả năng là vật chủ trung gian của coronavirus mới.
“Phát hiện mới nhất này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh”, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam tuyên bố trên website của trường.
Ngày 26/1, giới chức Trung Quốc thông báo cấm mọi hoạt động mua bán động vật hoang dã để ngăn coronavirus mới lây từ động vật sang người. Dịch coronavirus mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán hồi tháng 12 năm ngoái được cho rằng khởi nguồn từ một chợ hải sản và động vật hoang dã.
Cho đến khi dịch được khống chế hoàn toàn, các trang trại nuôi động vật hoang dã khắp Trung Quốc bị cách ly, việc mua bán động vật hoang dã ở siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn bị cấm, Nhân dân Nhật báo đưa tin. Lệnh cấm được ban hành và thực thi bởi các cơ quan quản lý thị trường, lâm nghiệp và nông thôn.
Tổng quan về tê tê
Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia, tê tê hay còn gọi là trút, xuyên sơn, là các loài động vật có vú thuộc Bộ Tê tê (Pholidota). Bộ Tê tê hiện nay chỉ còn một họ Manidae, có ba chi Manis, Phataginus và Smutsia.
Thân tê tê có vảy lớn và cứng. Chúng là loài thú ăn kiến sinh sống ở miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Phần lớn các loại tê tê sinh hoạt vào ban đêm, dùng khứu giác rất thính để tìm côn trùng. Ban ngày thì cuộn tròn như quả bóng để ngủ.
Toàn thân tê tê có lớp vảy cứng bao bọc, chỉ chừa phần phía bụng. Mép vảy sắc và nhọn để giúp việc phòng thủ. Vảy cấu tạo bằng chất keratin giống như móng vuốt, sừng, và lông các động vật có vú khác. Khi mới sinh ra, vảy tê tê mềm nhưng rồi cứng dần với thời gian. Chúng còn tự vệ bằng cách xịt dung dịch axit hôi từ tuyến gần hậu môn.
Tê tê có móng dài và cứng; móng hai chân trước được dùng để phá tổ côn trùng tìm thức ăn. Vì móng dài nên chúng không đi bằng cách đạp chân xuống đất mà ngược lại, tê tê di chuyển bằng cách co hai chân trước lại và giẫm lên mu bàn chân. Miệng chúng không có răng; thức ăn chủ yếu là kiến và mối. Chúng dùng lưỡi dài (đến 40 cm) với nước dãi rất dính để bắt mồi. Cuống lưỡi nằm sâu trong lồng bụng. Phần đuôi tê tê có khả năng cầm nắm, để giúp vin vào cành cây khi leo trèo.
Các loài tê tê đo được từ 30 đến 100 cm. Con cái thường nhỏ hơn con đực. Chúng làm ổ trong những hốc cây rỗng hay đào hang sâu dưới đất.
Tê tê mang thai khoảng 120-150 ngày, đẻ lứa từ một (tê tê châu Phi) đến ba con (tê tê châu Á). Thường đẻ một con, ít khi hai. Tê tê con cân từ 80-450 gram. Chúng bám vào đuôi mẹ, khi gặp nguy hiểm mẹ dấu con dưới bụng và cuộn tròn người lại, nhưng cũng có loài tê tê ẩn trong hang đến 2-4 tuần thì mới ra ngoài. Chúng thôi sữa ở khoảng ba tháng và đến hai tuổi thì trưởng thành, có thể sinh sản được.
Các loài tê tê ở cả châu Phi lẫn châu Á đều bị con người săn bắn lấy thịt. Tại Trung Quốc, thịt tê tê được coi là cao lương bổ ích trong Đông y, giúp điều hòa lưu huyết và tăng lượng sữa cho sản phụ nên bán rất được giá. Chúng cũng được dùng như một chất khử trùng và có thể được sử dụng cho bệnh sốt và bệnh ngoài da, hoặc dùng bên ngoài chà lên da bị trầy xước của bệnh nhân, hoặc nghiền nát và tiêu hóa.
Việc buôn lậu tê tê cùng với nạn phá rừng, phá hoại môi trường sống của chúng đã làm giảm số tê tê, nhất là loài Manis gigantea. Hiện nay, tất cả các loài tê tê đều được liệt kê trong danh sách cấm theo Công ước CITES. Từ năm 2000 là "không hạn định số lượng" (cấm tuyệt đối), có nghĩa là cấm bất kỳ thương mại quốc tế về tê tê hoặc các bộ phận cơ thể của chúng.
Tháng 11/2010, tê tê được thêm vào danh sách các động vật có vú khác biệt về mặt di truyền và có nguy cơ tuyệt chủng của Hiệp hội Động vật học London. IUCN cũng đã liệt kê một số loài tê tê, như tê tê Java (Manis javanica), tê tê vàng (Manis pentadactyla) vào danh sách nguy cấp.