Giới nhà giàu không còn khoe tài sản

Vị thế người giàu ngày nay thể hiện thông qua trường học ưu tú và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp, chứ không phải túi xách hay quần áo hàng hiệu.

Đeo một chiếc túi xách Vuitton hay Hermès, đi chiếc xe Bugatti có giá hàng triệu USD từ lâu đã là biểu tượng tiêu chuẩn cho giới thượng lưu.

Thế nhưng người giàu ngày nay có xu hướng đầu tư cho những giá trị vô hình như giáo dục, sức khỏe và hưu trí, chọn phô trương sự giàu có một cách kín đáo, theo SCMP.

Elizabeth Currid-Halkett đã đặt ra thuật ngữ "tiêu dùng kín đáo" trong cuốn sách "Tổng kết những điều nhỏ: Lý thuyết về tầng lớp khát vọng", xuất bản năm 2017. Nó đối lập với “tiêu dùng dễ thấy” - thuật ngữ được Thorstein Veblen, nhà kinh tế học thế kỷ 19, dùng đề cập việc sử dụng các sản phẩm vật chất để thể hiện địa vị xã hội.

"Cụ thể, ở Mỹ, 1% những người giàu có nhất đã chi tiêu ít hơn cho hàng hóa vật chất kể từ năm 2007", Currid-Halkett viết, đồng thời trích dẫn dữ liệu từ Khảo sát Chi tiêu của Người tiêu dùng Mỹ.

 Trước đây, nhiều người chọn khoe xe sang, hàng hiệu để phô trương sự giàu có.

Trước đây, nhiều người chọn khoe xe sang, hàng hiệu để phô trương sự giàu có.

Người giàu khác biệt hóa bản thân

Bà giải thích trong thời đại mà tiêu dùng đại trà đồng nghĩa với việc cả tầng lớp thượng lưu và trung lưu đều có thể sở hữu cùng một thương hiệu xa xỉ. Từ bỏ của cải vật chất để theo đuổi những phương tiện phi vật chất là một cách để người giàu khác biệt hóa bản thân.

"Giới thượng lưu mới này củng cố vị thế của mình thông qua việc đánh giá cao kiến thức và xây dựng vốn văn hóa, chưa kể đến thói quen chi tiêu đi kèm với nó. Thoát khỏi chủ nghĩa vật chất công khai, người giàu đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, hưu trí và sức khỏe - tất cả đều phi vật chất, nhưng có giá cao hơn nhiều lần so với bất kỳ chiếc túi xách nào mà người tiêu dùng có thu nhập trung bình có thể mua".

Theo Currid-Halkett, sự đầu tư kín đáo đó thường không được giới trung lưu chú ý. Những thứ như giáo dục, y tế và chăm sóc trẻ em đều trở nên đắt đỏ hơn kể từ năm 2000.

 Giới siêu giàu đầu tư hơn cho việc học của con cái, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Giới siêu giàu đầu tư hơn cho việc học của con cái, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phí đại học đang trở nên đắt đỏ hơn vì nhiều lý do, bao gồm toàn cầu hóa ngày càng tăng, sự gia tăng hỗ trợ tài chính và các dịch vụ sinh viên đang phát triển mạnh mẽ.

Giới thượng lưu ngày càng khao khát gửi con cái đến các trường mầm non cao cấp và trường cao đẳng thuộc khối Ivy League, chi hàng triệu USD để sống ở những khu vực có dịch vụ công tốt nhất. Họ mua dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho con cái như một cách để biểu thị địa vị, khiến những ngành đó càng trở nên đắt đỏ hơn.

Chi tiêu cho các dịch vụ vô hình là xu hướng đang tăng không chỉ trong giới triệu phú và tỷ phú mà còn với những người có tham vọng cao.

Theo biều đồ lạm phát của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) từng được Bloomberg mệnh danh là “biểu đồ của thế kỷ”, trong lần lặp mới nhất, lạm phát tổng thể là 54,6% trong 21 năm qua.

Trong đó, các dịch vụ bệnh viện, học phí đại học, dịch vụ y tế và chăm sóc trẻ em có mức tăng không tương xứng so với mức lạm phát trung bình. Chi phí dành cho chúng đã vượt xa mức tăng lương trung bình theo giờ, tăng 82,5%, hay hơn 28% so với mức tăng trung bình của giá tiêu dùng.

Trong khi đó, sản xuất hàng loạt đã cho phép hàng hóa được sản xuất trở nên có giá cả phải chăng hơn. Giá các mặt hàng tiêu dùng như ôtô mới, quần áo, phần mềm máy tính, đồ chơi đã trở nên phải chăng hơn.

Như vậy, chi phí của các dịch vụ vô hình đã tăng lên, trong khi chi phí của cải vật chất giảm, phản ánh sự chuyển dịch từ "tiêu dùng dễ thấy" sang "tiêu dùng kín đáo".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-nha-giau-khong-con-khoe-tai-san-post1189450.html