Phát huy vai trò phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Phụ nữ Hà Nội hiện chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh nông sản và quyết định trực tiếp việc tiêu thụ nông sản thực phẩm...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Ngày 16-7, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong tuyên truyền, kết nối sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Hà Nội hiện có gần 30 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, hơn 2.500 cửa hàng tiện ích, 1.414 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 159 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; 56 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá và kinh doanh sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Thời gian qua, sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và bảo đảm sức khỏe nhân dân. Phụ nữ Hà Nội hiện chiếm gần 50% dân số của thành phố, chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh nông sản và quyết định trực tiếp việc tiêu thụ nông sản thực phẩm..

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước, thành phố về kiến thức sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử.

Các đại biểu tham quan sản phẩm nông sản an toàn trưng bày giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Các đại biểu tham quan sản phẩm nông sản an toàn trưng bày giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, trên địa bàn thành phố có 13.739 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 1.609 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản (doanh nghiệp có nữ làm chủ chiếm khoảng 40%).

Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đã được thực hiện đa dạng, nhiều hình thức. Việc giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện trên diện rộng, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở tổ chức thanh, kiểm tra 73 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện 10 cơ sở vi phạm, xử lý hành chính phạt 417 triệu đồng.

Đại biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Đại biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, nâng cao kiến thức về quy định quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm an toàn; chính sách phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng; vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền và tư vấn tiếp cận chính sách; kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại trong kết nối tiêu thụ nông sản an toàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò phụ nữ trong tuyên truyền, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, thực hành bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; vận động hội viên tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội cùng cơ quan quản lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-huy-vai-tro-phu-nu-trong-san-xuat-kinh-doanh-nong-san-an-toan-672182.html