Giới nhà giàu Việt bạo chi mua hải sản Na Uy
Mặc dù cua hoàng đế Na Uy tăng giá từng ngày, có thời điểm lên đến 3,2 triệu/kg, nhưng sức mua của người dân không hề giảm. Công ty Arctic Seafood Norway AS, một doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Na Uy, ước tính Hà Nội có thể tiêu thụ 1 tấn cua hoàng đế mỗi tuần.
Sau cơn sốt cá hồi Na Uy nhiều năm trước, cua hoàng đế Na Uy đang là mặt hàng “vua” tại thị trường hải sản cao cấp phục vụ các thượng đế Việt. Giới nhà giàu không ngại chi bạc triệu cho một con cua hoàng đế tươi sống đến từ Na Uy, không chỉ vì hương vị ngon ngọt độc đáo mà còn vì ham muốn thưởng thức một câu chuyện ly kỳ từ lúc con cua được vớt lên khỏi biển cả đến khi lên tới bàn ăn.
Mỗi con cua hoàng đế Na Uy như một công dân cao cấp được cấp “thẻ căn cước” với đầy đủ thông tin chi tiết: kích thước, trọng lượng, chủng loại, thời gian được đánh bắt, tàu đánh bắt, tên của ngư dân đánh bắt… Hơn thế nữa, sau khi mã QR được nhập lên phần mềm, hành trình của mỗi con cua cũng được ghi lại, bao gồm cả tên người dùng cuối (end user).
Quá trình vận chuyển cua hoàng đế từ biển khơi lên bàn tiệc là một quy trình chuẩn 5 sao. Trong đó, cua được sống trọn vẹn thời gian như một quý ông với điều kiện sống giả lập như môi trường 300m dưới mặt nước biển. Quyền lợi đặc biệt dành cho cua hoàng đế Na Uy đảm bảo rằng nó không bị stress, ngăn ngừa việc cơ thể cua tiết ra độc tố do sự căng thẳng gây nên. Tại sân bay Oslo, cua hoàng đế được ở trong các phòng chờ VIP trước khi lên những chuyến bay hạng sang để đi khắp thế giới. Nó thậm chí còn được đo “nhịp tim” mỗi giờ để kiểm tra tình trạng tâm lý.
Bởi những lẽ trên, cua hoàng đế Na Uy nhập khẩu sống về Việt Nam có mức giá không hề “dễ chịu”. Được săn lùng nhiều nhất là cua hoàng đế đỏ, cũng là loại cua hoàng đế đắt nhất hiện nay vì độ tinh khiết của thịt cua và hương vị đặc trưng khó có loại hải sản nào sánh được. Giá cua hoàng đế đỏ dao động từng ngày và từng mùa, nằm trong khoảng 1,8 - 3,2 triệu đồng/kg. Cua càng to thì giá càng cao. Những con cua tầm 3-4kg luôn được thực khách tìm mua nhiều nhất.
Ở phân khúc bình dân hơn là cua hoàng đế xanh và cua hoàng đế vàng. Hương vị không chênh lệch quá nhiều song hai loại này có mức giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng cho 1kg cua tươi sống, 1-1,5 triệu đồng cho 1kg cua ngộp (loại cua đã yếu song vẫn còn nguyên giá trị dinh dưỡng).
Hàng hiếm và thường chỉ dành cho các khách đặc biệt thuộc giới siêu giàu là cua hoàng đế Scarlet (màu đỏ thắm trong tiếng Anh). Đây là một loại cua hoàng đế đỏ rất hiếm gặp trong tự nhiên nên mức giá chỉ có đại lý và người mua cuối cùng mới biết được.
Không đắt đỏ như cua hoàng đế song được săn lùng nồng nhiệt không kém là cua tuyết Na Uy. Lý do đơn giản là hiếm và ngon. Cua tuyết Na Uy được giới sành ăn và nhiều tiền ở Việt Nam đánh giá là hơn cua hoàng đế một bậc về hương vị. Đặc biệt phần thịt chân cua trắng tinh khiết, dai chắc và mềm ẩm, ngọt đậm đà. Ở Na Uy, cua tuyết được gọi bằng cái tên khác là cua Nữ hoàng. Hiện loài cua này được nhập khẩu về Việt Nam rất ít, chỉ mới có hàng đông lạnh. Giá không dưới 2 triệu đồng/kg.
Xếp hạng sau cua hoàng đế và cua tuyết là cua nâu. Loài cua có mức giá mềm, phù hợp với túi tiền của đa số cư dân thành thị này là hải sản bản địa của Na Uy, khác với hai loài nhập cư kể trên. Cũng vì thế mà giá cua nâu Na Uy giá rẻ hơn dù hương vị là độc nhất vô nhị.
Mức tiêu thụ cua nâu tại các đại lý hải sản ở Hà Nội ước tính lên đến 4 tấn/tuần, giá dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/kg. Các đại lý thường không còn hàng để bán sau 4 tiếng nhập về. Với cua nâu, thực khách chỉ cần một ít chanh, muối, tiêu là có thể thưởng thức được trọn vẹn hương vị hải sản vùng biển lạnh dai mềm tự nhiên. Sẽ tuyệt vời hơn nếu nhâm nhi kèm một ly vang trắng.
Một “gương mặt” mới nhưng đang tạo cơn sốt khan hàng trong giới nghiền hải sản Na Uy là tôm hùm càng đỏ. Loại tôm này tại thị trường Việt Nam hiện mới chỉ có hàng đông lạnh. Giá tôm hùm càng đỏ Na Uy dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg và rất ít nơi bán.
Tôm hùm càng đỏ Na Uy có hương vị độc đáo. Phần thịt vô cùng chắc, dai nhẹ, và ngọt đậm. Giới nhà giàu mua tôm hùm càng đỏ một phần để thưởng thức, một phần để tẩm bổ vì loài này chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Trong 100g tôm càng đỏ Na Uy có đến 200mg canxi, phù hợp với trẻ đang tuổi dậy thì hay người già, người trung niên có bệnh về xương khớp.
Tôm hùm phải được giết đúng cách trước khi nấu để tránh gây đau đớn cho con vật. Cách dễ nhất để làm điều đó là tách đầu bằng dao. Đặt con dao ở phần giao nhau của đầu tôm hùm và cắt dứt khoát. Sau đó, bạn đánh vào đầu mối của các dây thần kinh trung ương để con tôm hùm chết ngay lập tức.
Khi nấu xong tôm hùm đỏ, đặt nó nằm ngửa trên đá lạnh hoặc ngâm trong nước đá. Điều này được thực hiện để tránh nó bị chín quá và khô. Bằng cách đặt nó nằm ngửa, bạn đảm bảo rằng nước thịt ngon không bị chảy ra ngoài và làm cho tôm hùm thêm ngon ngọt. Kể cả khi lấy tôm ra khỏi nước đá để phục vụ bữa ăn bạn cũng để tôm hùm nằm ngửa trên đĩa.
Cách ăn tôm hùm đỏ đơn giản nhất - nhưng không kém vị so với cách nấu cầu kỳ - là ăn kèm chanh và kem mayonnaise.
Nhiều người lùng sục tôm hùm càng đỏ Na Uy tươi sống theo đường xách tay, song chất lượng của những sản phẩm vận chuyển xách tay không đảm bảo được như tôm đông lạnh bằng quy trình chuẩn mà Na Uy áp dụng cho ngành hải sản của nước này.
Sắp tới đây, tôm hùm Na Uy tươi sống cùng với các loại tôm nước lạnh Na Uy khác có thể được xuất khẩu chính ngạch vào Việt Nam thông qua Công ty Arctic Seafood Norway AS và các đối tác tại Việt Nam, giải tỏa cơn khát tôm Na Uy của giới sành ăn giàu có. Điều này có được nhờ Na Uy tăng hạn ngạch khai thác tôm nước lạnh và đưa mặt hàng này trở thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn trong thời gian tới.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gioi-nha-giau-viet-bao-chi-mua-hai-san-na-uy-post1495383.tpo