Giới phân tích: Nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần hơn tới suy thoái
Nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần hơn tới suy thoái, giữa bối cảnh các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt, trong khi các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất để đẩy lùi đà tăng cao của lạm phát.
Một điểm tích cực là hầu hết các nền kinh tế lớn đang trong thời kỳ suy thoái hoặc đang tiến vào một cuộc suy thoái đều bắt đầu với tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các đợt suy thoái trước đó. Cuộc thăm dò mới nhất ước tính khoảng cách giữa tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp của các nền kinh tế đang ở mức nhỏ nhất trong ít nhất bốn thập kỷ.
Mặc dù điều đó có thể làm giảm cường độ suy thoái và hầu hết những người được hỏi đều nói rằng đợt suy thoái tới tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây tổn thương quá sâu, song nó cũng có thể khiến lạm phát tăng cao lâu hơn so với dự kiến.
Phần lớn các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới đã thực hiện hơn 2/3 chặng đường nâng lãi suất để hướng tới mức lãi suất kỳ vọng, nhưng với lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu, nguy cơ hiện hữu là các mức lãi suất kỳ vọng vẫn còn quá thấp.
Sau khi chậm trễ trong việc khống chế lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã dành phần lớn thời gian trong năm nay để tăng lãi suất nhằm hạn chế đà leo thang của lạm phát. Hầu hết các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đều cho rằng sẽ còn rất ít việc cần phải làm trong năm tới.
Michael Every, chiến lược gia toàn cầu tại ngân hàng Rabobank, cho biết “nguy cơ suy thoái toàn cầu" là những gì mọi người đang quan ngại và đã trở thành xu hướng chủ đạo trong các dự báo. Theo ông Every, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng là một vấn đề, bởi vì nó như một chỉ báo “trì trệ”, và nếu tỷ lệ này càng duy trì lâu, các ngân hàng trung ương sẽ càng cảm thấy cần tiếp tục tăng lãi suất".
Trong số 22 ngân hàng trung ương được Reuters thăm dò ý kiến lần này, chỉ có sáu ngân hàng dự kiến đạt mục tiêu lạm phát vào cuối năm 2023. Đó là sự thụt lùi so với các cuộc khảo sát vào tháng 7 năm nay, khi mà 2/3 trong số 18 ngân hàng tham gia khảo sát dự kiến sẽ đạt được các mục tiêu lạm phát của họ vào cuối năm sau.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu đang gặp khó khăn, còn đồng USD đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trên thị trường ngoại hối do kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Phần lớn (70%) các nhà kinh tế tham gia khảo sát, tương đương 179 trong số 257 nhà kinh tế, cho biết khả năng tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong năm tới là thấp đến rất thấp, nhấn mạnh quan điểm phổ biến rằng đây sẽ không phải là một cuộc suy thoái nặng nề.
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại mức 2,3% vào năm 2023, từ mức dự báo trước đó là 2,9%, trước khi phục hồi lên 3% vào năm 2024.
Đa số các nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở các nền kinh tế lớn sẽ tồi tệ hơn trong sáu tháng tới, chỉ có số ít những người còn lại dự kiến tình hình sẽ được cải thiện.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất 75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp vào ngày 2/11 và các nhà kinh tế cho rằng Fed sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát giảm xuống khoảng một nửa mức hiện tại.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% và cũng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Nền kinh tế Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng trưởng dưới mức mục tiêu trong hai năm tới với mức trung bình 6,9% trong năm tài chính 2022 - 2023 (kết thúc ngày 31/3/2023) và 6,1% trong năm tài khóa tới.
Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, nhưng đi ngang vào năm 2023, trước khi tăng trưởng 1,5% vào năm 2024.