Giới siêu giàu châu Á trước 'bài toán' chuyển giao 2,5 nghìn tỷ USD cho thế hệ kế cận

Giữa các thế hệ gia đình siêu giàu châu Á đang tồn tại nhiều xung đột về cách quản lý, đầu tư tài sản, cũng như cách thức điều hành doanh nghiệp…

Gia đình Mukesh giàu nhất Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Gia đình Mukesh giàu nhất Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Nirvana Chaudhary, con cả trong gia đình giàu nhất Nepal, là người điều hành hoạt động hàng ngày của “đế chế” kinh doanh khổng lồ của gia đình, trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ dịch vụ tài chính, đóng gói và truyền thông. Tuy nhiên, trước những quyết định lớn, anh phải tìm tới hội đồng đầu tư của gia đình.

“Có những lúc tôi muốn làm rất nhiều thứ, nhưng hội đồng đầu tư không đồng ý, và tôi phải tôn trọng điều đó”, Chaudhary nói. “Việc này là nguyên tắc và chúng tôi tin tưởng vào các quy định, các hội đồng cũng như các quy trình hoạt động cơ bản”.

Cũng giống nhiều gia đình giàu có bậc nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, gia tộc Chaudhary biết rõ giá trị của việc có tổ chức và quy định, nhằm gìn giữ và sinh sôi tài sản gia tộc qua nhiều thế hệ.

Việc tham vấn giữa hội đồng đầu tư và các thành viên trong gia đình Chaudhary giúp đảm bảo triết lý kinh doanh của gia tộc và doanh nghiệp do ông Binod Chaudhary, người sáng lập tập đoàn Chaudhary Group, lập ra được tuân thủ qua các thế hệ. Ông Binod Chaudhary, 68 tuổi, là tỷ phú đầu tiên và duy nhất của Nepal.

Những điều này tác động tới việc điều hành tập đoàn đóng góp 10% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nepal, trong đó có việc mở rộng đầu tư sang các quốc gia mới nổi ở châu Á và châu Phi, cũng như ở Mỹ và châu Âu.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cơ cấu tổ chức như vậy đang trở thành tâm điểm của thập niên chuyển giao tài sản giữa các thể hệ của những gia đình giàu có nhất ở châu Á, khi mà thế hệ đầu tiên bắt đầu bước sang tuổi xế chiều và kế hoạch kế nhiệm đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

THỜI ĐIỂM QUAN TRỌNG CẬN KỀ

Bà Lee Wong, giám đốc phụ trách dịch vụ gia đình châu Á tại ngân hàng Thụy Sỹ Lombard Odier, cho rằng thời điểm chuyển giao của các gia đình siêu giàu châu Á đang cận kề.

“Quá trình chuyển giao đang rất gần rồi. Khối tài sản cần chuyển giao ở thời điểm này tương đối lớn”, bà nhận xét.

Điều này khiến các luật sư và chuyên gia quản lý tài sản ở châu Á đứng trước nhiều năm bận rộn với việc điều chỉnh cơ cấu tài sản phức tạp, khi thế hệ sau của các gia tộc bắt đầu thừa kế tài sản và bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực mới. Số lượng các công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân trong khu vực đang tăng lên nhanh chóng.

Theo tổ chức nghiên cứu tài sản Wealth-X và nhiều khảo sát ở khu vực châu Á, tới năm 2030, khối tài sản chuyển giao giữa các thế hệ gia đình siêu giàu châu Á lên tới 2,5 nghìn tỷ USD. Đây là một phần trong tổng tài sản 18,3 nghìn tỷ USD càn chuyển giao của các gia đình siêu giàu toàn cầu.

Một báo cáo năm 2023 của công ty tư vấn tài sản Campden Wealth và Raffles Family Office của Singapore cho thấy khoảng 47% các gia đình giàu nhất châu Á-Thái Bình Dương có kế hoạch chuyển giao các cấu phần quan trọng trong “đế chế” kinh doanh của gia đình cho thế hệ sau từ nay tới cuối thập kỷ.

Kế hoạch này cũng được đẩy nhanh hơn do đại dịch Covid-19 do các thành viên gia đình siêu giàu trên khắp thế giới gặp khó khăn trong việc kết nối với nhau hoặc đối mặt những tổn thương tâm lý.

“Theo quan sát của chúng tôi, nhiều khách hàng cảm thấy dễ bị tổn thương hơn sau đại dịch. Họ biết nhiều người qua đời trong thời gian đó. Điều này khiến họ cảm thấy lo lắng hơn về cái chết và cần kế hoạch dự phòng", bà Wong cho biết.

Ông Nikki Koh, CEO tại Singapore của công ty môi giới bảo hiểm nhân thọ Charles Monat, cho biết đại dịch cũng khiến giới giàu nâng cao cảnh giác về những rủi ro đối với khối tài sản của mình và tìm cách bảo vệ.

THẾ HỆ MỚI, HÀNH VI MỚI

Tuy nhiên, sự xung đột giữa các thế hệ về cách quản lý và đầu tư tiền bạc, cũng như cách điều hành doanh nghiệp là một rào cản cho quá trình chuyển giao tài sản.

Dù các thế hệ nhà siêu giàu có chung niềm khát khao làm giàu, nhưng nghiên cứu cho thấy những người thừa kế trẻ tuổi muốn đầu tư tài sản của gia đình vào các lĩnh vực mới như tăng trưởng bền vững hoặc các startup tiềm năng.

Theo ông Wouter Kneepkens của công ty tư vấn quản lý tài sản Blauwpark Partners (Singapore), dù mỗi trường hợp khác nhau, nhưng xu hướng chung là các thế hệ trẻ có xu hướng không quan tâm tới việc điều hành cơ nghiệp của gia đình.

“Thế hệ đầu tiên đã xây dựng và tích lũy tài sản, thế hệ thứ hai tiếp tục bồi đắp khối tài sản, nhưng thế hệ thứ ba – những người được học hành nhiều nhất – thường thích theo đuổi sự nghiệp riêng hoặc tập trung vào việc đầu tư hơn”, vị chuyên gia cho biết.

Một điểm khác nữa liên quan tới việc đầu tư là thế hệ đầu tiên thường đầu tư phần lớn tiền bạc của mình vào công ty gia đình. Còn thế hệ thứ hai thường phụ thuộc vào các ngân hàng tư nhân. Trong khi đó, thế hệ thứ ba có xu hướng lập ra chiến lược đầu tư phức tạp hơn, nhưng lại thiếu quyền hạn để tạo ra sự thay đổi bởi các thế hệ trước vẫn nắm quyền kiểm soát cơ nghiệp của gia đình.

Ở châu Á, thế hệ trẻ nhà giàu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn bởi họ tự tin vào tình trạng tài chính của bản thân - Ảnh: Getty Images

Ở châu Á, thế hệ trẻ nhà giàu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn bởi họ tự tin vào tình trạng tài chính của bản thân - Ảnh: Getty Images

“Các thế hệ sau thường ít được tự do khám phá các cơ hội mới và họ thường đợi cho các thế hệ trước chuyển giao tài sản hoặc từ bỏ hẳn việc đó”, ông Kneepkens nói và cho biết đôi khi những người thừa kế bị cha ông phản đối bởi thế hệ trước thường muốn duy trì cách làm cũ dù lỗi thời.

Một điểm khác biệt giữa các thế hệ nhà giàu nữa là thế hệ sau có xu hướng thích mạo hiểm hơn.

“Gần 50% thế hệ trẻ nhà giàu châu Á chấp nhận rủi ro cao hơn so với thế hệ trước, đồng thời đam mê sử dụng công nghệ cũng như thông tin trực tiếp để ra quyết định nhanh hơn”, ông Christos Anagnostopoulos, giám đốc Singapore tại công ty quản lý dịch vụ quản lý tài sản gia đình Julius Baer’s, cho biết.

Thế hệ trẻ cũng có cái nhìn thiện cảm với các công cụ tài chính hiện đại hoặc kênh đầu tư mới.

Một khảo sát của ngân hàng Lombard Odier cho thấy thế hệ người thừa kế trẻ không chỉ quan tâm tới các loại tài sản số mà còn cân nhắc đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết – bao gồm các startup – thay vì các công ty niêm yết.

Một khảo sát của ngân hàng Bank of America năm 2022 cho thấy 75% các nhà đầu tư cá nhân lớn trong độ tuổi 21-42 nhận định khó thu về lợi nhuận trên mức bình quân khi đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu truyền thống. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 32% nhà đầu tư trên 43 tuổi.

Thay vào đó, nhóm nhà đầu tư trẻ có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế như quỹ đầu cơ, vốn cổ phần tư nhân hay các loại tài sản mới như tiền ảo – một xu hướng khác biệt so với thế hệ trước, theo một phân tích của công ty quản lý tài sản RBC Wealth Management.

Một điểm khác biệt nữa là, thế hệ người thừa kế trẻ có xu hướng thận trọng hơn trong việc thuê người cố vấn bên ngoài. Thay vào đó, họ đề cao danh tiếng và xem xét các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, cố vấn một cách kỹ lưỡng. Họ muốn quan hệ tốt với nhà cố vấn, mức phí thấp, giao dịch trực tuyến và yêu cầu cập nhật thông tin tài chính theo thời gian thực.

“Cha mẹ họ thường tin tưởng chúng tôi hoàn toàn và gần như không đặt câu hỏi về mọi thứ. Nhưng thế hệ trẻ lại muốn kiểm tra và đảm bảo được biết gần như mọi việc chúng tôi làm”, bà Ai Ling Toh, quản lý quan hệ khách hàng tại Singapore của RBC Wealth Management, cho biết trong một phân tích năm ngoái. “Điều này rất khác với thế hệ trước. Cha mẹ và ông bà họ thường yêu cầu tôi nghiên cứu tài liệu cho họ, nhưng thế hệ trẻ thường tìm đến tôi với tài liệu trong tay”.

Theo bà Toh, một điểm khác nữa là thế hệ trước thường tập trung hoàn toàn vào doanh nghiệp của họ và tích lũy tài sản, còn thế hệ sau quan tâm hơn tới bản thân và mục đích sống của mình.

Một công trình của các nhà nghiên cứu tại Đại học Pepperdine (Mỹ) cho thấy, trong khi những người trẻ làm giàu tự thân có xu hướng “mơ lớn” và cạnh tranh nhiều hơn, những người thừa kế nhận thức rõ đặc quyền về tiền bạc của mình và thấy rằng không cần cạnh tranh nhiều.

Ở châu Á, thế hệ trẻ nhà giàu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn bởi họ tự tin vào tình trạng tài chính của bản thân.

“Họ biết rằng mình có khối tài sản tiết kiệm của cha mẹ để chi tiêu”, bà Gina Chong, một quản lý quan hệ khách hàng khác của RBC Wealth Management, cho biết.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gioi-sieu-giau-chau-a-truoc-bai-toan-chuyen-giao-2-5-nghin-ty-usd-cho-the-he-ke-can.htm