Giới tài phiệt tại thung lũng Silicon phân vân chọn ủng hộ ông Trump hay bà Harris

Giới đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon đang có những quan điểm trái ngược về việc ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump…

Là những người quyết định tương lai của các start-up, giới đầu tư mạo hiểm (venture capitalists) thường được coi là đối tượng tiên phong cho làn sóng công nghệ đổi mới. Khi một số tên tuổi lớn trong ngành công khai ủng hộ ông Donald Trump và ứng viên phó tổng thống JD Vance, điều này đã thu hút sự chú ý từ dư luận.

Nhưng sau đó, hàng trăm nhà đầu tư mạo hiểm khác – bao gồm cả những người nổi tiếng và ít được biết đến hơn – đã đứng về phía Phó Tổng thống Kamala Harris, phản ánh những quan điểm đối lập về việc ứng viên nào sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho hoạt động đổi mới công nghệ và điều kiện cần thiết để các start-up phát triển.

Theo AP News, Thung lũng Silicon từ lâu đã nổi tiếng với quan điểm chính trị tự do. Nhà đầu tư mạo hiểm và người ủng hộ bà Kamala Harris, Stephen DeBerry từng cho biết một số người bạn thân của ông lại nghiêng về phía Donald Trump. “Chúng tôi cùng nhau đi trượt tuyết, gia đình các bên rất thân thiết. Chỉ là chúng tôi có quan điểm khác nhau về các vấn đề chính sách”, ông DeBerry - người điều hành Bronze Venture Fund chia sẻ.

David Cowan, nhà đầu tư tại Bessemer Venture Partners cho rằng có nhiều lý do thực tiễn để các nhà đầu tư ủng hộ Donald Trump, điển hình là các chính sách thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bản thân ông Cowan lại lựa chọn bà Harris vì ông lo ngại rằng chính quyền Trump có khiến tình hình bất bình đẳng thu nhập, biến đổi khí hậu cũng như chiến tranh trở nên trầm trọng hơn. Đây sẽ không phải là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Trong nhiều năm, các cuộc thảo luận chính trị tại Thung lũng Silicon thường diễn ra khá kín đáo. Giờ đây, nó được công khai trên các podcast, mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến.

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng đã lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump trên nền tảng X (Twitter cũ). Hồ sơ công khai cho thấy họ cũng hào phóng quyên góp hàng triệu USD cho ủy ban hành động chính trị của Đảng Cộng hòa mang tên America PAC. Sự ủng hộ dành cho ông Trump còn đến từ các cam kết của ông về tiền điện tử và lời hứa chấm dứt các biện pháp quản lý nghiêm ngặt đối với ngành này.

Trong khi đó, dù cho một số chính sách từ chính quyền Joe Biden khiến giới đầu tư quan ngại, nhưng chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris lại khơi dậy mối quan tâm từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Nhiều người đánh giá cao mối quan hệ từ thời bà còn là Tổng chưởng lý California. Leslie Feinzaig, người sáng lập chiến dịch “VCs for Kamala”, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Đằng nào thì cũng đầu tư mạo hiểm đúng không? Vậy nên chúng tôi cố gắng chọn loại mạo hiểm đúng đắn”. Bởi theo bà Feinzaig, rất khó để các công ty có thể phát triển và mở rộng quy mô hoạt động trong môi trường thể chế nhiều bất ổn.

Ngay cả trong một tập thể doanh nghiệp cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau, điển hình như tại công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz. Mặc dù hai nhà sáng lập Marc Andreessen và Ben Horowitz ủng hộ ông Trump, nhưng một trong những đối tác chính của công ty là John O’Farrell lại tuyên bố theo phe bà Kamala Harris.

Tương tự, ông Doug Leone - đối tác quản lý của Sequoia Capital đã công khai ủng hộ ông Trump vào tháng 6 trên X, còn người bạn đối tác lâu năm cũng tại Sequoia, Michael Moritz, lại bình luận trên Financial Times rằng những nhà lãnh đạo công nghệ ủng hộ Trump đang mắc phải một sai lầm lớn.

Phần lớn các cuộc tranh luận của giới đầu tư mạo hiểm về cuộc bầu cử tổng thống được “khơi mào” từ một podcast hồi tháng 7, trong đó Marc Andreessen và Ben Horowitz bày tỏ sự tin tưởng đối với ông Donald Trump và trình bày tầm nhìn của họ về một “Chương trình Công nghệ Nhỏ” (Little Tech Agenda), điều được cho là đối lập với các chính sách của Big Tech.

Hai nhà đầu tư cáo buộc chính phủ Mỹ ngày càng có động thái thù địch với các công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm tài trợ cho họ, viện dẫn đề xuất đánh thuế cao hơn của chính quyền Joe Biden đối với giới kinh doanh. Thêm vào đó là những quy định gây cản trở ngành công nghiệp mới nổi liên quan đến blockchain và trí tuệ nhân tạo.

Khi được hỏi về vấn đề này, Stephen DeBerry nói rằng ông không phản đối tất cả những gì mà hai nhà sáng lập Andreessen Horowitz đưa ra. Nhưng ông không đồng tình với cách họ gọi "công nghệ nhỏ” khi đến từ một công ty đầu tư có giá trị hàng tỷ USD, bởi nó khó có thể là tiếng nói đại diện cho người yếu thế hơn trong ngành.

Đối với Stephen DeBerry, ông tập trung vào tác động xã hội nhiều hơn, do đó lựa chọn không nằm giữa công nghệ lớn hay công nghệ nhỏ mà là vào sự hỗn loạn hay ổn định. Và bà Kamala Harris, theo ông, là đại diện cho sự ổn định.

Dân biểu Mỹ Ro Khanna, một thành viên Đảng Dân chủ, cho rằng những nhóm ủng hộ ông Trump chỉ là thiểu số trong ngành công nghệ, chiếm khoảng một phần ba hoặc ít hơn trong cộng đồng khu vực.

Nhưng nhìn nhận một cách thực tế, ông Ro Khanna nhận định rằng Đảng Dân chủ cần cố gắng hơn trong việc thể hiện sự quan tâm đối với tài sản kỹ thuật số. “Tôi nghĩ nếu không chấp nhận Bitcoin và blockchain, Đảng Dân chủ sẽ mất đi thiện cảm trong mắt thế hệ trẻ và các doanh nhân trẻ”, ông Khanna lưu ý.

An Duy

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/gioi-tai-phiet-tai-thung-lung-silicon-phan-van-chon-ung-ho-ong-trump-hay-ba-harris-post554677.html