Giới thiệu các tiện ích tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam
Sáng 25/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giới thiệu các tiện ích điều hành thông minh tại Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Hà Nam. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Sáng 25/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giới thiệu các tiện ích điều hành thông minh tại Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Hà Nam. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2020 và được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cũng như xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam do Tập đoàn VNPT thiết kế, xây dựng, tích hợp và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Đến nay, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành về trung tâm điều hành. Cụ thể, các phần mềm ứng dụng tích hợp online như: y tế, giáo dục, giao thông, cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh, quản lý văn bản và điều hành, giám sát môi trường, camera thông minh tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố Phủ Lý, phần mềm cập nhật offline báo cáo kinh tế - xã hội…
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã giới thiệu các tiện ích điều hành thông minh và chức năng trọng tâm của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự cộng đồng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch; giám sát thông tin trên internet…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích và làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai vận hành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam. Từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất, giải pháp cụ thể để Trung tâm điều hành thông minh hoạt động có hiệu quả: Thành lập các tổ tham mưu, phân tích dữ liệu, họp định kỳ để đánh giá và yêu cầu cập nhật dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Xây dựng dòng chảy dữ liệu trên cơ sở tăng cường tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng chuyên ngành; Tăng cường sự tham gia của Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành để xây dựng bộ chỉ số điều hành, khai thác và cập nhật dữ liệu; Triển khai nhân rộng các giải pháp AI camera, ứng dụng công dân số để tăng cường tương tác và tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp; Triển khai hệ thống IOC cấp huyện…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam là mô hình tiên tiến đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó góp phần xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam, xây dựng thành phố thông minh tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh cũng bộc lộ một số tồn tại hạn chế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục bổ sung về cơ sở vật chất, chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn xây dựng các đề án có lộ trình cụ thể, trong đó có việc bố trí kinh phí, con người để vận hành có hiệu quả IOC. Khẩn trương sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để về làm việc tại IOC cũng như hướng dẫn các nhân viên làm việc có hiệu quả.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo từng lĩnh vực của mình để thực hiện có hiệu quả trong việc gửi dữ liệu thường xuyên, liên tục về IOC. Quán triệt cụ thể chỉ đạo của tỉnh về việc chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn để chuyển đổi về nhận thức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, qua đó góp phần đưa Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh hoạt động hiệu quả, chính xác, minh bạch, phục vụ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.