Giới thiệu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội Khóa XV trúng cử lần đầu
Ngày 8/10, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội nghị 'Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho Đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu'. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh đất nước đã trải qua 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Mặc dù được tiến hành trong thời điểm có nhiều khó khăn, thách thức, phải vừa bảo đảm tổ chức thành công, đúng pháp luật, vừa bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân, song dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, các tổ chức phụ trách bầu cử từ trung ương đến địa phương, cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, bảo đảm an toàn và thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước tới nay (99,60%), Quốc hội đã bầu được 499 Đại biệu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu Hội đồng dân nhân 3 cấp, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Có gần 300/499 đại biểu Quốc hội là lần đầu trúng cử, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, việc tổ chức Hội nghị giới thiệu những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhằm cung cấp hành trang ban đầu để đại biểu Quốc hội thực hiện đúng, đủ, tròn, chính xác nhiệm vụ của người đại biểu, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân là việc làm cần thiết.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong những năm qua, Lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đối với hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội. Tại cuộc làm việc với Ban Công tác đại biểu (19/4/2021), Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tổ chức “bồi dưỡng đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu để có thể bắt nhịp được ngay với hoạt động của Quốc hội”.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ hoạt động trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, là nhiệm kỳ Quốc hội khởi đầu của giai đoạn phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Toàn cảnh Hội nghị “Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho Đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu”.
Để thực hiện được đầy đủ, toàn diện vai trò, trách nhiệm Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tập trung một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Thứ hai, có 4 khâu cần được quan tâm, tiếp tục đổi mới đột phá, đó là: Kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề; Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, vai trò, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tôi muốn nhấn mạnh thêm là, tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khóa này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hiện nay, Bộ Chính trị đã triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”, đồng thời giao Đảng đoàn Quốc hội xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và sự mong đợi của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu là yêu cầu quan trọng, thường xuyên, thông qua trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự cố gắng của Ban Công tác đại biểu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương, hoan nghênh các báo cáo viên đã chuẩn bị các bài viết, bài trình bày đáp ứng nhu cầu của đại biểu Quốc hội, đồng thời đề nghị các đại biểu chú ý lắng nghe nội dung các báo cáo viên trình bày và tích cực chia sẻ, thảo luận về các nội dung có liên quan.