Giới thiệu những người xứng đáng bầu vào cơ quan quyền lực của nhân dân
Hơn 2 tháng nữa, cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền dân chủ trực tiếp đi bỏ lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là cuộc bầu cử 'hai trong một', thể hiện sự đổi mới và niềm tin của cử tri đối với các cơ quan dân cử.
PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Nhân Sâm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh , Phó trưởng Ban chỉ đạo bầu cử Ủy ban MTTQ tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Sau ngày 10/3/2016 sẽ bước vào hội nghị hiệp thương lần thứ 2. Đây là một khâu quan trọng trong công tác bầu cử. Vậy, vai trò của MTTQ thể hiện như thế nào, thưa ông?
Theo quy định, MTTQ có 6 nhiệm vụ trong tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đó là: tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử;
phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; tham gia giám sát việc bầu cử ĐBQH, HĐND; phối hợp tuyên truyền, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Trong công tác hiệp thương, yếu tố lựa chọn đại biểu rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến chất lượng đại biểu. Đại biểu không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, kiến thức, năng lực đạt tiêu chuẩn mà còn có cả yếu tố nhiệt tình, tâm huyết, luôn quan tâm tới quyền lợi của nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân và phải có thời gian thỏa đáng dành cho công việc của một đại biểu dân cử. Vì vậy, MTTQ tỉnh vừa chú trọng bảo đảm yêu cầu về cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, vừa quan tâm giới thiệu những người có tâm, có tầm, có trí tuệ, nhiệt huyết, có niềm tin của người dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, MTTQ dựa vào nhân dân để thanh lọc, giới thiệu. Đối với những trường hợp có đơn thư hoặc đang trong quá trình xử lý kỷ luật, vi phạm Luật Bầu cử về người ứng cử sẽ xem xét đưa ra khỏi danh sách.
- Thưa ông, so với trước đây, cuộc bầu cử sắp tới có những điểm gì mới?
Về cơ cấu, được cơ cấu theo hướng tăng hợp lý đại biểu ở các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức thành viên và tăng đại biểu chuyên trách, giảm một cách hợp lý các đại biểu khối chính quyền và các cơ quan trực thuộc nhà nước. Về tỷ lệ, phải đảm bảo nữ ít nhất từ 35% trở lên.
Điểm mới quan trọng nhất đó là bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp diễn ra trong cùng một ngày; khu vực bỏ phiếu bầu cử ĐBQH đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Số lượng cử tri mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất từ 300-4.000 cử tri. Với biên độ dao động này sẽ bảo đảm thuận lợi cho việc bỏ phiếu của cử tri cũng như việc thành lập các khu vực bỏ phiếu để không gây quá tải cho các tổ bầu cử.
Vấn đề bảo đảm tiêu chuẩn, coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có quan điểm quần chúng, đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, HĐND và mở rộng hơn về thành phần đại biểu cũng là điểm mới. Theo đó, MTTQ triển khai quy trình 5 bước và 3 lần hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Đồng thời, chủ động đề nghị các cấp giới thiệu người ứng cử, tăng số dư người ứng cử ít nhất đạt tỷ lệ gấp 2 lần số đại biểu được bầu trong cơ cấu thành phần có cơ cấu tự ứng cử; thông tin đầy đủ, minh bạch về các ứng cử viên để phục vụ hội nghị hiệp thương.
Để bảo đảm yêu cầu đó, MTTQ tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời, tăng cường kiểm tra nắm bắt tình hình thực hiện tại cơ sở, để kịp thời có sự hướng dẫn. Sau hội nghị hiệp thương lần 2, MTTQ các cấp thực hiện bước 4 quy trình hiệp thương là tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc với người tự ứng cử ĐBQH, HĐND và tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lập danh sách chính thức những người ứng cử. MTTQ cũng sẽ tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để thực hiện quyền vận động bầu cử. Tổ chức cho cử tri ở các khu dân cư nghiên cứu, thảo luận tiểu sử của các ứng cử viên ĐBQH, HĐND các cấp để họ lựa chọn được người xứng đáng.
Để bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn và các ban công tác mặt trận ở cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử; giải thích, hướng dẫn những quy định mới, thông tin về quá trình bầu cử, nhân sự được giới thiệu ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp; tuyên truyền về Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, tạo niềm tin, sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất, tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân để tham gia vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
- Xin cảm ơn ông!
Biện Nhung