Giới thiệu sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp tại hội nghị Tòa án: Sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa lớn

Trả lời phỏng vấn Báo Công lý về việc giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp diễn ra ngày 26/2, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa lớn.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học giới thiệu cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học giới thiệu cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị

PV: Thưa ông, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được giới thiệu trực tiếp tại hội nghị cải cách tư pháp của Tòa án. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: Có thể nói rằng, hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức giới thiệu, tìm hiểu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Hội nghị Chánh án 4 cấp của Tòa án được tổ chức và giới thiệu trực tiếp, sâu rộng đến các đồng chí lãnh đạo trong toàn hệ thống về nội dung cuốn sách này là việc làm rất có ý nghĩa. Nội dung cuốn sách đã được quán triệt đến tất cả các đồng chí Chánh án Tòa án 4 cấp và sau đó các đồng chí Chánh án sẽ giới thiệu, phổ biến đến cán bộ, công chức viên chức trong đơn vị mình phụ trách.

Tôi cho rằng từ sự quán triệt này, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng của cuốn sách, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được lan tỏa và thực hiện nghiêm túc trong hệ thống Tòa án.

PV: Cuốn sách của Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Vậy với những người thực thi công lý thì thông điệp mà ông muốn truyền tải đến là gì?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: Để cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được mục tiêu, yêu cầu mà đồng chí Tổng Bí thư đề ra, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong toàn hệ thống Tòa án thật sự trong sạch, liêm chính. Đây là yêu cầu, là sự đòi hỏi của nhân dân cũng như người đứng đầu Đảng ta.

Do vậy, thông qua việc giới thiệu, quán triệt từng nội dung của cuốn sách này, từng cơ quan trong hệ thống Tòa án và mỗi cán bộ, đảng viên của toàn hệ thống sẽ thấm nhuần sâu sắc về trách nhiệm của mình, làm sao tinh thần giữ gìn danh sự, sự liêm khiết của người cán bộ Tòa án sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, và đó cũng là việc làm thiết thực nhất để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Các đại biểu dự Hội nghị cải cách tư pháp

Các đại biểu dự Hội nghị cải cách tư pháp

PV: Thẩm phán là một nghề nguy hiểm, là người nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết liên quan đến sinh mệnh chính trị hay tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức. Thời gian qua, có không ít Thẩm phán, thậm chí cả thân nhân của họ cũng bị đe dọa. Vậy để Thẩm phán đủ bản lĩnh chính trị bảo vệ công lý, phòng, chống tham nhũng thì cần có chính sách gì thưa ông?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: Bên cạnh việc phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong hệ thống Tòa án, thì một cơ chế bảo vệ lực lượng cán bộ thực thi pháp luật, trong đó có cán bộ Tòa án cũng được đặt ra. Cơ chế này thể hiện trong nhiều quy định. Ví dụ như trong Đảng chúng ta đã có rồi, sắp tới Bộ Chính trị cũng có cơ chế riêng để bảo vệ các cơ quan của ngành tư pháp. Luật pháp của chúng ta cũng có những quy định để bảo vệ cán bộ thực thi pháp luật, trong đó có cán bộ Tòa án.

Vấn đề đặt ra là từ những quy định của Đảng và pháp luật, chúng ta đặt ra, quán triệt từng bản thân cán bộ công chức sử dụng cơ chế, sử dụng quyền lực đó để bảo vệ chính mình; bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cán cân công lý.

PV: Thưa ông, thời gian qua, các Tòa án xét xử rất nhiều những vụ án về tham nhũng, ông đánh giá thế nào về vai trò và sự đóng góp của Tòa án trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: Những yêu cầu cải cách tư pháp đang đặt ra hiện nay, vai trò của Tòa án rất lớn, rất quan trọng. Nói đến cải cách tư pháp là nói đến vai trò của hệ thống Tòa án. Lộ trình, bước đi và những nhiệm vụ đặt ra đối với cải cách tư pháp, bản thân mỗi cán bộ Tòa án phải nỗ lực cố gắng. Chúng ta đã đóng góp rất tích cực, quan trọng vào cải cách tư pháp thời gian qua rồi thì trước yêu cầu đòi hỏi của cải cách tư pháp trong thời gian tới hệ thống Tòa án cần phải nỗ lực hơn nữa; cần phải tham mưu, đề xuất để từ đó có cơ chế, các quy định để tiến trình cải cách tư pháp được diễn ra nhanh hơn và mang lại hiệu quả tốt hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân 4 cấp chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân 4 cấp chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Đại tá Phạm Minh Khôi, Chánh án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội: Cần hoàn thiện chính sách để cán bộ không tham nhũng

"Qua tìm hiểu và sự giới thiệu cuốn sách của đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương tại hội nghị, chúng tôi cảm nhận rằng cuốn sách thực sự có ý nghĩa, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp Tòa án.

Nội dung cuốn sách khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng; đồng thời cũng là trách nhiệm của các cơ quan, các cán bộ công chức, viên chức nói chung.

Đại tá Phạm Minh Khôi, Chánh án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội

Đại tá Phạm Minh Khôi, Chánh án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội

Qua sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Thái Học, chúng tôi biết được rằng, những bài viết của Tổng Bí thư là cả một quá trình; có những bài viết từ 50 năm trước và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đúng như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhận định: Nội dung cuốn sách thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư; từ đó góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nội dung cuốn sách đã giúp đội ngũ cán bộ Tòa án suy nghĩ, học hỏi được nhiều điều để tự rèn luyện bản thân, để thực thi nhiệm vụ, công vụ của mình đảm bảo khách quan, vô tư, đảm bảo tinh thần công bộc của dân, phụng sự tổ quốc và nhân dân.

Song song với đó, để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, chúng ta cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ các cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ không để xảy ra tham nhũng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Theo đó, nâng cao đời sống để cán bộ công chức yên tâm công tác, phụng sự Tổ quốc là cần thiết. Sự chuyên tâm sẽ giảm bớt đi nếu như các cán bộ phải lo lắng, xoay sở để lo kinh tế, cuộc sống gia đình hàng ngày.

Ngoài ra, cần có cơ chế bảo vệ lực lượng cán bộ thực thi pháp luật, trong đó có cán bộ Tòa án và những người chống tham nhũng, tiêu cực".

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND TP Phú Quốc-tỉnh Kiên Giang: Cuốn sách tựa như tấm gương để soi chiếu

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

"Nội dung giới thiệu sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp tại hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp Tòa án là sự kiện hết sức có ý nghĩa.

Theo chia sẻ của Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, cuốn sách đã hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Đảng ta và là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nội dung cuốn sách thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, cho thấy tầm nhìn xa của đồng chí về các vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển đất nước, góp phần làm sáng rõ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách thực sự giá trị về lý luận và cả thực tiễn, tựa như một tấm gương soi chiếu để cán bộ, đảng viên tự răn dạy và hoàn thiện bản thân mình, giúp cho việc thực thi công vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/gioi-thieu-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-truc-tiep-tai-hoi-nghi-toa-an-su-kien-dac-biet-co-y-nghia-lon-168827.html