Giới trẻ có vai trò thiết yếu trong đảm bảo bình đẳng giới
Hoạt động xã hội của giới trẻ ở châu Á - Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu trong đảm bảo bình đẳng giới.
Thông tin từ Plan International - tổ chức phát triển nhân đạo độc lập nhằm thúc đẩy quyền trẻ em, đặc biệt tập trung vào bình đẳng cho trẻ em gái, Báo cáo “Trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2021: Tiếng nói, Lựa chọn và Sức mạnh” nghiên cứu các cơ hội của trẻ em gái và phụ nữ tại 19 nước châu Á và 14 nước Thái Bình Dương.
Chỉ số trẻ em gái lãnh đạo khu vực châu Á được đo lường trên 6 lĩnh vực, bao gồm Giáo dục, Sức khỏe, Cơ hội kinh tế, Bảo vệ, Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị, Luật pháp và Chính sách.
Trong số 19 nước khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 về tổng chỉ số với 0,712 điểm, giảm so với mức điểm 0,721 công bố năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực Luật pháp và Chính sách, đứng thứ 2 trong lĩnh vực Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị.
Lĩnh vực Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị được tính toán dựa trên các chỉ số về tỷ lệ đại diện trong quốc hội, sự bình đẳng khi làm chứng trước tòa, và tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em gái. Ở lĩnh vực này, Việt Nam đạt 0,773 điểm, xếp thứ 2 khu vực châu Á sau Singapore.
Các chỉ số Sức khỏe và Giáo dục của Việt Nam cũng tăng so với chỉ số công bố năm 2020. Trong khi chỉ số về Bảo vệ không thay đổi, chỉ số Cơ hội Kinh tế của trẻ em gái Việt Nam giảm nhẹ, đứng thứ 10 trong khu vực.
Em Minh Anh (14 tuổi) được trao quyền Quản lý chương trình Hướng nghiệp và đào tạo nghề của tổ chức Plan International Việt Nam - Ảnh: BTC
Báo cáo "Trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2021" nhấn mạnh rằng hoạt động xã hội của giới trẻ ở châu Á - Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu trong đảm bảo bình đẳng giới và quyền lãnh đạo của trẻ em gái, qua đó khuyến khích các Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ trẻ em gái, phụ nữ trẻ phát triển và nêu lên tiếng nói của mình.
Theo bà Bhagyashri Dengle (Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức Plan International), chúng ta phải tạo ra một không gian an toàn, toàn diện và cởi mở để các em gái có thể nêu lên tiếng nói của mình, lan tỏa thông điệp về đảm bảo các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người và phát triển sức mạnh tập thể cũng như cá nhân.
Đảm bảo quyền tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm trẻ em gái và phụ nữ trẻ là một ưu tiên trong hoạt động của Plan International tại Việt Nam. Một trong những hoạt động tiêu biểu mà Plan International đã thực hiện là mô hình Hội đồng trẻ em.
Đây là mô hình mà Plan International Việt Nam phối hợp với Hội đồng đội Trung ương thực hiện thí điểm từ năm 2017. Với 5 mô hình thí điểm cấp tỉnh của Trung ương Đoàn, đến nay đã có 14 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và 21 mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện trên cả nước.
Tham gia Hội đồng trẻ em, các em nhỏ được đào tạo kiến thức để không chỉ hiểu biết rõ các quyền của bản thân mà còn được rèn luyện nhiều kĩ năng mềm phục vụ việc thu thập thông tin, tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến và trình bày ý kiến.
Em Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng trẻ em huyện ở Hà Giang cho biết khi tham gia Hội đồng trẻ em huyện, em có dịp đại diện bày tỏ ý kiến của các bạn thiếu niên nhi đồng trong toàn huyện. Chúng em mong rằng các bác lãnh đạo sẽ quan tâm giúp đỡ để chúng em có thể phát triển toàn diện trong môi trường tốt nhất…
Em Nể, dân tộc H’Mông, thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Nhờ tham gia Hội đồng trẻ em, em đã biết được các quyền lợi của trẻ em, trong đó có quyền được chủ động nói lên tiếng nói của mình. Từ đó, chúng em tích cực tuyên truyền cho các bạn cùng trang lứa ở nơi mình sinh sống, giúp các bạn học tập và hiểu thêm về quyền của trẻ em, từ đó dần dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu".