Giới trẻ dịch chuyển từ chỉ sống một lần sang chỉ cần một thứ

Sự dịch chuyển dần từ lối sống YOLO (You only live once-Bạn chỉ sống một lần) sang YONO (You only need one-Bạn chỉ cần một thứ) ở giới trẻ cho thấy tín hiệu tích cực khi họ tiêu dùng có ý thức hơn thay vì sẵn sàng chi tiêu theo kiểu chiều chuộng những sở thích ngắn hạn.

Khởi đầu, YOLO là triết lý sống tích cực, sống hết mình, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo của thế hệ trẻ, bởi ta chỉ có một cuộc đời để sống. Song, khi bị hiểu và vận dụng sai, một bộ phận đã biến YOLO thành lối sống hưởng thụ, tiêu xài phung phí, chuộng hình thức bề ngoài và dễ dàng chiều theo những cảm xúc nhất thời của bản thân.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Lướt mạng xã hội, không ít lần ta chứng kiến một số bạn trẻ đua nhau khoe đồ hiệu, tiệc tùng, du lịch sang chảnh. Chuyện học sinh mang giày dép, áo khoác xa xỉ giá vài triệu đồng/món dù hoàn cảnh kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình là không hiếm gặp.

Có gia đình người quen của người viết bài này đã “bật ngửa” vì các khoản nợ phát sinh của con em mình do vay mượn, mua sắm nhằm thỏa mãn nhu cầu vượt quá khả năng chi trả. Đây là điều không lạ khi vô số pa nô và phương tiện truyền thông khuếch đại chủ nghĩa tiêu dùng như một xu hướng thời thượng.

Nói về lối sống này, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nhận định: “YOLO khiến những người trẻ sống thực dụng hơn, không còn tính kiên nhẫn, cái gì cũng muốn “luôn và ngay”.

Có thể nói YOLO đang vắt kiệt sức sống của tuổi trẻ vào những thứ vô bổ, nguy hiểm, rủi ro cao. YOLO khiến cho những người trẻ chưa giàu đã già. Các bạn trẻ cần hiểu rằng “Bạn chỉ sống một lần”, nhưng bạn phải sống “đúng” thì sống một lần mới có ý nghĩa”.

Nhận thức được điều này nên một lối sống mới hình thành có tên YONO, bắt đầu từ người trẻ Hàn Quốc, Trung Quốc. Thuật ngữ mô tả kiểu tiêu dùng hạn chế, tiết giảm những thứ không cần thiết, gần giống với quan niệm sống tối giản của người Nhật. Không ít video chia sẻ trên mạng xã hội có lượt view khủng với nội dung hướng dẫn cách tiết kiệm tiền, sử dụng hiệu quả vật dụng hiện có và chỉ mua sắm những gì thực sự cần.

Từ lối sống đơn giản và tiêu dùng có ý thức hơn, nhiều người sáng tạo nội dung số khẳng định họ không ngại sử dụng cùng đôi giày hay chiếc túi xách trong nhiều dịp khác nhau. Phong trào này là sự ứng phó của người trẻ trong bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia.

Mới đây, một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Mibrand đã gây nhiều bất ngờ khi công bố, nhóm khách hàng có thu nhập thấp và trung bình đang là động lực chính thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển.

Cụ thể, nhóm có mức lương 5-10 triệu đồng/tháng và nhóm thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng là những khách hàng thường xuyên nhất, với tần suất ghé quán cà phê 1-3 lần/tuần. Phần lớn khách hàng trong 2 nhóm này là giới trẻ.

Cũng theo báo cáo trên, dù có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho mỗi lần đi cà phê (mức trung bình 80 ngàn đồng) song họ lại khá dè dặt với các món đặc biệt đắt tiền. Ngoài ra, hơn 50% người trẻ trong cả 2 nhóm thu nhập trên đều chuộng quán cà phê nhỏ thay vì check-in ở các quán hạng sang với mức giá ngất ngưởng.

Khảo sát của Công ty Mibrand cho thấy, giới trẻ đang cố gắng tối ưu hóa chi phí trong khả năng tài chính cho phép và ngày càng chú trọng đến mục đích chi tiêu. Xu hướng tiêu dùng mới này không nằm ngoài triết lý YONO.

Tại Pleiku, sự đìu hiu của một số thương hiệu ẩm thực lớn, nơi trước kia giới trẻ thích đến “sống ảo” để khoe sự sành điệu cũng cho thấy sự dịch chuyển trong tâm lý tiêu dùng hiện nay. Tâm lý “biết đủ” không mới, song chỉ khi trải nghiệm và thực hành, giới trẻ càng hiểu thêm rằng, giá trị bản thân không quá phụ thuộc vào những thứ bên ngoài.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gioi-tre-dich-chuyen-tu-chi-song-mot-lan-sang-chi-can-mot-thu-post289934.html