Giới trẻ đón Tết 'thời COVID-19' ra sao?
'Ăn ít, chơi ít, chúc Tết online, nghỉ nghơi là chính' – là phương châm của giới trẻ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sau một năm gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.
Tết đến xuân về là dịp để mọi người nghỉ ngơi, chiêu đãi bản thân những món đồ mới đã yêu thích từ lâu sau một năm nỗ lực miệt mài. Bên cạnh đó, việc tặng quà Tết cho cha mẹ, người thương, bạn bè hay đồng nghiệp... cũng được xem là hành động nhiều ý nghĩa dịp năm mới, bày tỏ tình cảm chân thành và sự quan tâm đến những người thân yêu xung quanh. Tuy nhiên, trong thời dịch, xu hướng tiêu dùng và đón Tết của giới trẻ hiện nay đã thay đổi ra sao?
Là một người trẻ thích mua sắm nhưng K.N.Q (29 tuổi, Đống Đa, TP.Hà Nội) lại tỏ ra không mặn mà với việc mua sắm quần áo mới cho Tết. “Năm nay, công việc của công ty khó khăn, thu nhập bị giảm, hiện chưa biết thưởng Tết bao nhiêu nên tôi khá đắn đo cho việc mua sắm Tết. Nếu mọi năm, thời điểm này tôi đã mua được kha khá đồ cho gia đình và sắm quần áo, mỹ phẩm cho các nhân, nhưng năm nay tôi quyết định sẽ cắt giảm bớt và sẽ chỉ mua những thứ thật sự cần thiết” – Q cho hay.
Tương tự, bạn Thu Hương ( 27 tuổi, Liên Bảo,Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: “Thời điểm hiện tại, có rất nhiều cửa hàng giảm giá sâu dịp cuối năm nhưng năm nay tôi sẽ thắt chặt chi tiêu, không mua sắm gì mới cho mình”.
Hương mới lập gia đình, hiện đang ở nhà chăm con nhỏ, mọi khoản chi tiêu trong nhà đều dựa vào chồng nên Hương quyết định sẽ không mua sắm bất kỳ thứ gì.
“Dịch bệnh, cả nhà chông vào lương chồng, hơn nữa lại có con nhỏ nên việc mua sắm với tôi cần phải cân đo đong đếm từng thứ một. Tết tới, còn nội ngoại hai bên, nên tôi đặt ưu tiên cho việc mua sắm lễ Tết cho gia đình hơn. Các món quà lễ Tết cũng sẽ tối giản, tôi thường mua tại siêu thị và lựa chọn hàng Việt” – Hương nói.
Khác với K.N.Q và Thu Hương, Vân là giáo viên dạy cấp 1 (30 tuổi, Hòa Loan, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, Vân đã lên danh sách mua sắm Tết nhưng do cả gia đình vừa mới đi cách ly về do không may mắc COVID-19 nên hầu như mọi món đồ Vân đều lựa chọn mua sắm online.
Chia sẻ thêm về việc mua sắm Tết, Vân cho biết, cô lựa chọn các cửa hàng uy tín, các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng và chủ yếu là các mặt hàng nội địa, các món đồ lễ Tết chủ yếu là các món đặc sản trong nước như: điều rang muối Bình Phước, hạt macca Đắc Lắc, khô trâu gác bếp Tây Bắc, lạp xưởng,…
“Vì không có thời gian nên tôi mua sắm chủ yếu qua mạng, nhưng mua gì tôi cũng tìm hiểu kỹ, xem cửa hàng đó có uy tín không, sản phẩm nguồn gốc như thế nào,hạn sử dụng ra sao?,... Quan điểm của tôi là bản thân và gia đình đón Tết không cần quá cầu kỳ nhưng cũng cần những gì ngon và tốt nhất để mọi ngườibổ sung dinh dưỡngsau chuỗi ngày vật lộn với Covid-19.” – Vân chia sẻ.
Còn chị Phương Nhàn (36 tuổi, là người làm nghề tự do, Việt Trì, Phú Thọ) cho rằng, trải qua một năm vất vả vì dịch, cuối năm có rất nhiều các nhãn hàng giảm giá sâu nên chị đã tranh thủ sắm đồ cho cả gia đình. Theo chị Nhàn, thời điểm này mua đồ vừa được đồ tốt giá lại hời. Tuy nhiên, chị cũng lên danh sách và tính toán chi phí kỹ lưỡng cho từng món đồ cần mua để tránh lạc vào “ma trận” giảm giá trong mùa Tết.
“Hiện nay, các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh, nhưng tôi vẫn thích trực tiếp mua tại cửa hàng hơn vì có thể xem hàng trực tiếp và thử trực tiếp. Tôi mua sắm từ đầu tháng 12 theo các đợt giảm giá chứ không để tới sát Tết mới mua một lần nên chọn được rất nhiều món đồ ưng ý cho cả gia đình” – chị Nhàn nói.
Cách đây ít ngày, chị Nhàn cũng tranh thủ đi làm đẹp để mong có một diện mạo mới chuẩn bị cho một năm đầy hứng khởi và tốt đẹp hơn.
Chia sẻ về xu hướng đón Tết Nguyên đán năm nay, hầu hết các bạn trẻ đều cho biết, sẽ sum vầy bên gia đình với phương châm “Ăn ít, chơi ít, chúc Tết online, nghỉ nghơi là chính”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được về nhà ăn Tết đoàn viên. Năm mới đã cận kề, song do bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước khuyến nghị người dân hạn chế về quê, đặt mục tiêu “ăn Tết an toàn” lên trên hết. Có không ít các bạn trẻ xa nhà chỉ có thể chúc Tết cha mẹ qua màn hình của smartphone.
Nguyễn Đức Ngọ (32 tuổi, quê Vĩnh Phúc hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM) cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh nên anh lựa chọn ở lại TP.HCM đón Tết. “Thời đại khác nhau, tình cảm cũng được bày tỏ theo một cách khác. Với cái nhìn lạc quan trong thời đại công nghệ, dù xa quê tôi vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm tình nhà và gửi gắm được yêu thương về với quê nhà và bố mẹ. Chờ dịch qua đi, tôi có thể trở về thăm gia đình, không chỉ có mỗi dịp Tết”, anh Ngọ nói.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/gioi-tre-don-tet-thoi-covid-19-ra-sao-post432236.html