Giới trẻ Hà Nội chờ được ăn sáng phở bò, trà chanh vỉa hè
Sau thời gian dài ở nhà chống dịch, nhiều bạn trẻ đã lên sẵn kế hoạch sẽ làm gì, chơi đâu ngay khi Hà Nội mở cửa trở lại một số dịch vụ.
Mỗi bạn trẻ đều có những dự định riêng sau khi Hà Nội tiến hành nới lỏng một số hoạt động. Có những người muốn ra ngoài hàng quán ăn uống, gặp gỡ bạn bè, một số khác lại mong được trở về nhà, đoàn tụ với người thân.
Zing trò chuyện cùng 9 người trẻ sinh sống và làm việc ở Hà Nội để khám phá xem những kế hoạch, dự định của họ khi cuộc sống dần trở lại bình thường.
Ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng một số dịch vụ, tôi sẽ dậy thật sớm, lên phố và thưởng thức một bát phở bò sốt vang thêm quẩy giòn.
Thực ra, tôi hoàn toàn có thể đến quán mua một suất mang về nhà ăn. Song, vì quá lười đi ra khỏi nhà, tôi đành chịu nhịn cơn thèm. Đặt giao hàng cũng là một cách khả thi, nhưng tôi có cảm giác bát phở bò ship về nhà không ngon bằng thưởng thức trực tiếp ngoài hàng.
Với tôi, không gì sánh được lúc ngồi nhẩn nha ăn bát phở đầu ngày, kèm thêm cốc trà đá mát lạnh và lắng nghe tiếng xì xụp của những thực khách xung quanh.
Chắc chắn việc tôi làm đầu tiên sẽ là đi nhuộm và phục hồi chăm sóc tóc ngay khi các salon mở cửa trở lại.
Trong thời gian ở nhà làm việc, mỗi lần gọi điện video cho đồng nghiệp, tôi thấy mái tóc của mình thật kinh khủng - xơ xác và thiếu sức sống. Với ngoại hình hiện nay, tôi không đành lòng trở lại văn phòng để làm việc.
Thật buồn khi đã 22 mùa trăng trôi qua mà đôi tai của tôi vẫn còn “trinh nguyên”. Tôi từng nhiều lần tự vận động bản thân đi xỏ, song đều thất bại vì sợ đau.
Khi Hà Nội đóng cửa quán xá, tôi dành phần lớn thời gian ngồi nhà và xem lại series phim yêu thích trên Netflix. Vẻ ngoài lộng lẫy của nhân vật nữ chính được tô điểm bởi những đôi bông tai lấp lánh đã thôi thúc tôi thực sự phải “đục lỗ” trên đôi tai trắng trẻo của mình.
Vì vậy, tôi hạ quyết tâm sẽ đặt lịch xỏ khuyên ngay khi thủ đô nới lỏng các dịch vụ. Hy vọng lần này tôi có diện những món trang sức yêu thích.
Hơn cả nỗi nhung nhớ nồi lẩu Thái hay cốc chè sầu, tôi muốn trở lại rạp chiếu phim sau khi Hà Nội mở lại các dịch vụ giải trí.
Khác với hầu hết bạn bè và đồng nghiệp, tôi không phải người thích xem phim ở nhà. Trong khi họ tranh thủ những ngày làm việc tại nhà để cày những bộ phim dài tập, tôi thường dành thời gian lướt web hoặc chơi với mèo.
Tôi nhớ không gian của phòng chiếu và cả mùi hương bỏng ngô ngào ngạt. Tại đây, tôi có thể thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn nhất ở một thế giới rất riêng, nơi tôi được thoát ly khỏi bộn bề công việc thường ngày và chỉ tập trung vào những thước phim sống động trên màn ảnh rộng trước mắt.
Tôi và nhóm bạn thân hẹn sẽ hội ngộ tại quán trà chanh vỉa hè thân quen vào ngày đầu tiên Hà Nội cho mở cửa trở lại một số cơ sở kinh doanh. Khỏi phải nói tôi đã trông chờ ngày đó thế nào.
Với tôi, gọi ship một cốc trà chanh về nhà không phải điều khó thực hiện. Song, tôi lại nhớ những chiều tan học được ngồi tụ tập với mấy cậu bạn thân để "chém gió", bàn luận về đủ thứ chuyện, dù nơi đó chắc chắn nóng nực hơn phòng điều hòa.
Ngay khi Hà Nội mở cửa trở lại các dịch vụ, tôi sẽ lập tức lao vào chuẩn bị các công đoạn cần thiết cho đám cưới sắp tới. Cuối tháng 7 này, tôi sẽ lên xe hoa với tình yêu của mình.
Có rất nhiều việc tôi cần hoàn thành, chẳng hạn đi xem hội trường tổ chức tiệc cưới, lên kịch bản chương trình và ý tưởng trang trí, thử áo dài ăn hỏi và váy cưới… Đặc biệt hơn cả, tôi và chồng tương lai sẽ cùng nhau đi học khiêu vũ để có màn trình diễn trong hôn lễ.
Háo hức là vậy, tôi vẫn có chút lo lắng rằng dịch Covid-19 sẽ tái bùng phát. Tận hơn 4 tuần nữa mới tới hôn lễ, nên tôi chẳng thể lường trước được chuyện gì sẽ diễn ra.
Do đó, hai nhà chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng: sẽ hoãn đám cưới, chỉ tổ chức ăn hỏi và lễ rước dâu với sự góp mặt của vài đại diện ở hai bên gia đình nếu dịch chẳng may quay trở lại bất ngờ.
Cùng thời điểm Hà Nội bùng phát dịch bệnh, thời gian thực tập của tôi tại cơ quan hiện tại kết thúc với kết quả không mấy khả quan.
Từ hôm đó, mỗi ngày tôi thức giấc với áp lực tìm công việc mới để trang trải cuộc sống ở thủ đô. Bởi nếu thất bại, tôi buộc lòng phải chia tay khu trung tâm Hà Nội và trở về sống cùng ông bà nội ở huyện Sóc Sơn như đã “giao hẹn” với gia đình.
Trong những ngày vừa qua, tôi chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ 20 m2 và cố gắng tìm kiếm cơ hội việc làm mới trên các trang web tuyển dụng nhưng chưa tìm được công việc ưng ý. Trước dịch kiếm việc đã khó, giờ tôi lại thấy càng khó hơn. Song, tôi vẫn tin rằng sau khi Hà Nội nới lỏng, tôi sẽ tìm được một vị trí phù hợp.
Tôi thực sự muốn về nhà một chuyến. Từ dịp Tết Nguyên đán tới nay, tôi chưa trở lại Đà Nẵng, một phần vì lo các thủ tục tốt nghiệp đại học ở thủ đô, một phần sợ mang dịch bệnh về nhà. Trong 3-4 tháng vừa qua, Hà Nội liên tiếp trải qua hai đợt bùng phát dịch bất ngờ.
Vì một thân một mình ở lại phòng trọ trong thời gian này, tôi lại càng thấm thía nỗi nhớ nhà hơn. Tôi cũng nghĩ suy nhiều, không biết bản thân quyết định ở lại Hà Nội có đúng không nữa. Mỗi lần gọi điện, lòng tôi nặng trĩu khi thấy ba mẹ già thêm một chút.
“Dịch dã căng quá, chị đừng vào TP.HCM vội nhé”.
Tôi không tránh khỏi buồn lòng khi nhận được dòng tin nhắn này từ bạn gái vào lúc 23h. Dặn lòng là thấu hiểu, thông cảm cho nhau nhưng thú thực, yêu xa thật khó khăn. Chính ra hè này, tôi đã có dự định rời thủ đô để vào TP.HCM với em ấy.
Những ngày dịch bệnh này, hai đứa chúng tôi cũng nhắn tin, video call thường xuyên hơn để động viên nhau giữ sức khỏe, rồi bàn xem là hết dịch sẽ đi đâu, làm gì.
Sắp tới Hà Nội sẽ nới lỏng một số dịch vụ kinh doanh, cuộc sống dần trở lại bình thường nhưng tình hình dịch ở TP.HCM vẫn còn căng thẳng. Tôi chỉ biết dặn bạn gái tự chăm sóc bản thân thật tốt. Hẹn khi dịch thuyên giảm, tôi nhất định sẽ vào đoàn tụ với em ấy.