Giới trẻ khoe bánh chưng tự gói ngày Tết

Ngày cận Tết, nhiều bạn trẻ quây quần gói bánh chưng cùng gia đình để chào đón năm mới.

 Nhiều bạn trẻ trổ tài gói bánh chưng mỗi dịp Tết về. Ảnh: Lee Hoa.

Nhiều bạn trẻ trổ tài gói bánh chưng mỗi dịp Tết về. Ảnh: Lee Hoa.

Bánh chưng là món mỹ vị không thể thiếu trên mâm cỗ Tết truyền thống. Dù bận rộn đến mấy, nhiều gian bếp vẫn đỏ lửa nấu bánh vào ngày 29, 30 tháng Chạp.

Hình ảnh những chiếc bánh chưng tự gói của nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội góp phần lan tỏa không khí náo nức, hân hoan của những ngày Tết.

Gói bánh chưng mỗi năm

Năm nay, Nguyễn Đình Tuấn Anh (23 tuổi, làm công việc về truyền thông) ở lại TP.HCM, thay vì về Thanh Hóa đón Tết như mọi năm. Chiều 29 tháng Chạp, gia đình vẫn họp mặt ở khoảng sân trước nhà, cùng nhau gói bánh chưng để cảm nhận "mùi vị" của Tết.

"Gia đình tôi giữ nếp gói bánh chưng hơn 20 năm qua. Những năm trước, tôi đều gói cùng ông bà, cô chú ở Thanh Hóa. Năm nay ngoại lệ, cả nhà dậy sớm đi chợ mua lá dong, đỗ xanh, thịt lợn và một số gia vị cần thiết", Tuấn Anh cho biết.

Gia đình Tuấn Anh vẫn giữ nếp gói bánh chưng dâng lên tổ tiên mỗi dịp Tết về. Ảnh: Nguyễn Đình Tuấn Anh.

Gia đình Tuấn Anh vẫn giữ nếp gói bánh chưng dâng lên tổ tiên mỗi dịp Tết về. Ảnh: Nguyễn Đình Tuấn Anh.

Độ ngon của vỏ bánh đến từ loại nếp. Theo Tuấn Anh, nếp phải có màu trắng đục, hạt tròn đều, bóng mẩy, thơm mùi lúa nếp mới. Để đảm bảo bánh chưng đúng vị truyền thống, bạn trẻ này đã đặt nếp cái hoa vàng ở Thanh Hóa chuyển vào từ ngày 15 tháng Chạp.

Tuấn Anh chia sẻ: "Nếp đem vo 3-4 lần cho sạch, ngâm nước lạnh xâm xấp khoảng 6 tiếng. Sau đó, trút hết nước và xóc đều với muối hạt. Đây là bí quyết giữ bánh không bị chua khi để lâu. Ở TP.HCM không tìm được lá riềng, tôi thay bằng lá nếp giã lấy nước để tạo màu xanh tự nhiên. Làm cách này khi luộc bánh thơm hơn và có màu xanh từ trong ra ngoài".

Với kinh nghiệm nhiều năm, bạn trẻ này gói bánh không cần khuôn. Chỉ xếp một chiếc lá dọc, đặt lên trên một chiếc lá ngang, mỗi bánh cần tối thiểu 4-6 lá. Sau đó, vừa gói vừa siết tay để bánh ra hình dáng vuông vắn.

"Ở các góc nên lót thêm lá vào phần thừa để khi luộc hay ép bánh không bị phòi ra, đảm bảo tính thẩm mỹ", Tuấn Anh nói.

Nhiều bạn trẻ khoe bánh chưng tự tay gói trên mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Kim Lan, Mai San, Đinh Thúy, Lee Hoa.

Nhiều bạn trẻ khoe bánh chưng tự tay gói trên mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Kim Lan, Mai San, Đinh Thúy, Lee Hoa.

Tương tự, Nguyễn Kim Lan (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng tự tay gói bánh chưng biếu ông bà dịp Tết theo công thức truyền lại từ mẹ. Bạn trẻ này cho biết một số khu vực ở Thanh Hóa không ngâm nếp trong nhiều giờ.

"Mỗi vùng miền có cách gói khác nhau. Chỗ tôi nếp chỉ đãi sạch, chờ qua đêm cho thật khô. Khi trộn cùng lá riềng, nếp sẽ ăn màu vì có tính háo nước. Chưa kể, gói bằng gạo không quá ướt bánh sẽ lâu chua, luộc xong có độ mềm dẻo vừa phải", Lan thông tin.

Nhân bánh cũng được bạn trẻ chuẩn bị kĩ càng. Đậu xanh ngâm trong 6 tiếng, trộn với muối cho đậm vị. Phần thịt phải chọn miếng dính nạc hoặc thịt ba chỉ nhiều mỡ để bánh không bị khô. Không nên ướp thịt với nước mắm, hành khô vì nước mắm dễ làm bánh bị chua, hành khô sẽ lấn át vị thanh ngọt của đậu xanh.

Tuy thời gian ít ỏi, Kim Lan vẫn muốn luộc bánh chậm 8-10 giờ bằng củi và thức đêm canh lửa. Tiếng sôi lục bục từ nồi bánh, tiếng nổ lách tách từ bếp cho thấy Tết đã đến.

Lần đầu trổ tài

Bên cạnh những chiếc bánh chưng vuông vức và xanh mướt, không ít bạn trẻ lần đầu trải nghiệm nấu bánh cho ra thành phẩm "dở khóc dở cười".

 Bánh gói không chặt tay khi luộc sẽ dễ bung dây hoặc nhân. Ảnh: Thu Hồng.

Bánh gói không chặt tay khi luộc sẽ dễ bung dây hoặc nhân. Ảnh: Thu Hồng.

Nguyễn Thị Thu Hồng (20 tuổi, sống tại Nghệ An) học theo cách gói bánh chưng không cần khuôn từ một video trên mạng xã hội. Thoạt nhìn, ngoại hình của chiếc bánh vẫn khá ổn. Thế nhưng, "thảm họa" lại ập đến khi luộc chín.

"Tôi làm đúng theo video, xếp lá qua lại đến khi bánh kín rồi buộc lại bằng dây lạc. Tuy nhiên, gói theo cách này bánh không vuông, nhìn ọp ẹp. Khi luộc lên, bánh bị phòi ra 4 góc, dây lạc cũng bung. Nếu tôi không mở vung giữa chừng để kiểm tra, chắc đã thành món cháo bánh chưng", bạn trẻ này kể lại.

Tự nhận bản thân không quá khéo, Thu Hồng xem đây là kinh nghiệm rút ra sau lần đầu nấu bánh để năm sau thành phẩm sẽ đẹp hơn.

Bên cạnh những siêu phẩm là loạt bánh chưng "vụng về". Ảnh: Ngọc Lan, Yêu Bếp.

Bên cạnh những siêu phẩm là loạt bánh chưng "vụng về". Ảnh: Ngọc Lan, Yêu Bếp.

Không khá khẩm hơn, Ngọc Lan (sống tại Hà Nội) cũng gặp khó khăn ở công đoạn gói bánh. Bạn trẻ này cho biết đã cố gắng hết mình nhưng chiếc bánh vẫn khá lỏng lẻo, dây lạc buộc lộn xộn. Khi luộc, nếp đầu đầu nở to, phần lá gói bị rách khiến bánh phòi ra ngoài.

Bánh chưng không dễ gói, đặc biệt là những người mới làm lần đầu. Mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo và kinh nghiệm nhiều năm để xử lý lỗi. Nếu gói không chặt tay sẽ hỏng hết mẻ bánh, còn luộc không đủ thời gian, bánh chín không đều và không bảo quản được lâu.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-tre-khoe-banh-chung-tu-goi-ngay-tet-post1459657.html