Giới trẻ mời bố mẹ lên thành phố cùng ăn Tết, gọi video hỏi thăm họ hàng
TRUNG QUỐC - Mệt mỏi với các phong tục truyền thống, giới trẻ ở nước này mời bố mẹ lên thành phố ăn Tết, gọi video thăm hỏi họ hàng để có một cái Tết thư giãn và nhẹ nhàng.
Năm nay là lần đầu tiên Huang Xueyan, 26 tuổi, đảm nhận vai trò “đạo diễn” một cái Tết trong gia đình. Những năm trước, bố mẹ cô là người lo toan mọi việc, từ phải làm gì đến thăm hỏi ai.
Các công việc chuẩn bị và những chuyến thăm họ hàng quá dày đặc khiến những cái Tết mọi năm trở nên nhàm chán. Vì vậy, Huang quyết định đơn giản hóa mọi lễ nghĩa trong năm nay, chỉ tập trung vào gia đình 4 người của mình.
Huang không phải là người trẻ Trung Quốc duy nhất muốn thay đổi tết Nguyên đán. Từ việc chụp ảnh gia đình cho đến chuẩn bị trang phục, các món ăn ngày Tết đều đang được giới trẻ Trung Quốc thay đổi theo quan điểm và cá tính riêng.
Xu hướng này đang trở nên phổ biến và đã được báo chí trong nước đề cập đến.
Giới truyền thông cho rằng, người trẻ nước này đang chuyển từ vai trò tham gia thụ động vào lễ Tết, thành những người tổ chức tích cực, từ đó thay đổi cách đón Tết truyền thống của người Trung Quốc.
Một trong những thay đổi lớn mà Huang đã làm cho gia đình mình, là chuyển từ việc đi thăm trực tiếp họ hàng, bạn bè sang thăm hỏi qua video.
Thăm hỏi họ hàng là phong tục truyền thống trong dịp Tết, nhưng nó lại gây khá nhiều căng thẳng cho người trẻ - những người thường bị người lớn tuổi hỏi thăm bằng các câu hỏi riêng tư.
“Cuộc trò chuyện dần dần chuyển sang việc học hành, công việc của con cái và cuối cùng là hôn nhân khi họ không còn chủ đề nào nữa để nói” – Huang kể.
Hình thức thăm hỏi qua video đã mang lại thay đổi đáng ngạc nhiên đối với gia đình và những người thân của cô.
Chia sẻ với tờ Sixth Tone, Huang nói: “Cha mẹ tôi cảm thấy Tết năm nay tương đối dễ dàng và thư giãn”. Họ hàng của cô cũng đánh giá cao việc không phải di chuyển từ khắp nơi trên đất nước về quê vào thời điểm bận rộn nhất trong năm.
Một thay đổi khác mà Huang thực hiện là giảm số lượng món ăn từ hàng chục món xuống chỉ còn 8 món trong tối tất niên.
Giống như hầu hết các gia đình truyền thống Trung Quốc, bữa ăn ngày Tết cực kỳ quan trọng và được coi là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Các bà nội trợ thường phải mất nhiều ngày chuẩn bị trước và cả ngày phải ở trong bếp.
Nhớ lại những năm trước, đôi chân của Huang bị đau nhừ khi phải đứng nhiều giờ. Chính vì thế, cô chọn cách đơn giản hóa bữa ăn trong Tết năm nay, đồng thời hạn chế việc lãng phí đồ ăn.
Thay vì bắt đầu nấu ăn lúc 8h sáng, cô và các phụ nữ trong gia đình có thể bắt đầu nấu ăn lúc 16h và chỉ mất khoảng 2 giờ để nấu xong. “Tối hôm đó chúng tôi đã ăn hết đồ ăn và không bỏ thừa. Tôi cảm thấy rất hài lòng”.
Giống như Huang, Wang Qiling, 25 tuổi, cũng thấy có vấn đề với một số phong tục truyền thống ngày Tết, nhất là khi bị người thân tra hỏi không ngừng mỗi khi cô trở về quê ở tỉnh Giang Tô.
“Tôi không thích những nghĩa vụ xã hội không cần thiết trong dịp tết Nguyên đán, nhưng tôi thấy nhớ khoảnh khắc sum vầy với bố mẹ”.
Vì thế, năm nay cô đã mời bố mẹ đến ăn Tết cùng cô ở Thượng Hải. Đêm giao thừa, họ ăn những món ăn làm sẵn và cùng nhau xem gala Tết. “Mọi thứ thật đơn giản và thư giãn. Tôi rất hạnh phúc và bố mẹ tôi cũng có vẻ vui mừng”.
Wang và cha mẹ cũng thêm các yếu tố mới vào câu đối Tết năm nay, ví dụ như một số từ tiếng Anh, các biểu tượng cảm xúc cũng như nhiều tiếng lóng và meme được sử dụng trên mạng.
Wang chia sẻ: “Mặc dù những câu đối này không mang tính truyền thống nhưng chúng phù hợp với cách giới trẻ ngày nay thể hiện bản thân”.
Huang tin rằng những thay đổi này đối với phong tục Tết là rất quan trọng để duy trì tinh thần của ngày lễ. Đối với cô, cô đã chuyển từ việc không thích tết Nguyên đán sang việc cảm thấy thỏa mãn với nó.
“Tết xưa, mọi người tụ họp chỉ vì quan hệ huyết thống, chứ không thực sự có kết nối. Bây giờ, chúng tôi đến với nhau vì tình yêu thương thực sự” - Huang nói.
Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đi qua. Người Việt lại trở về với bồn bề công việc, học hành. Tuy nhiên, những dư âm của ngày Tết hẳn vẫn còn trong mỗi người.
Hãy chia sẻ với chúng tôi về cái Tết vừa qua của bạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn hoặc bình luận phía cuối bài. Trân trọng!