Giới trẻ mong chờ gì ở thần tượng

Ngoài âm nhạc, người hâm mộ còn kỳ vọng nghệ sĩ họ mến mộ có thái độ sống, tư duy, cách giải quyết scandal… đúng mực. Nếu không, họ sẵn sàng rời đi.

Ngoài âm nhạc, người hâm mộ còn kỳ vọng nghệ sĩ họ mến mộ có thái độ sống, tư duy, cách giải quyết scandal… đúng mực. Nếu không, họ sẵn sàng rời đi.

 Ngày 14/5, Đông Nhi và Ông Cao Thắng cùng lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm về mình trong vụ lùm xùm với cộng đồng người hâm mộ. Ảnh: Đông Nhi.

Ngày 14/5, Đông Nhi và Ông Cao Thắng cùng lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm về mình trong vụ lùm xùm với cộng đồng người hâm mộ. Ảnh: Đông Nhi.

Gần đây, Đông Nhi và khán giả của cô xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Trong khi nữ ca sĩ công khai trách móc fan, người hâm mộ lại tố ê-kíp của cô làm việc thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng khán giả.

Trước làn sóng phản đối dữ dội, thậm chí kêu gọi tẩy chay, giọng ca Bad Boy và chồng Ông Cao Thắng cùng lên tiếng xin lỗi.

Trên thế giới, sự việc như trên không hiếm gặp. Đó là ví dụ của “văn hóa tẩy chay” vốn tồn tại phổ biến trong giới giải trí nói chung và âm nhạc nói riêng.

Theo Goodtoknow, nói một cách đơn giản, “văn hóa tẩy chay” là ngừng ủng hộ một cá nhân vì điều gì đó mà họ phát ngôn hoặc hành động được coi là gây thất vọng, không thể chấp nhận. Đó thường là nhân vật của công chúng có tầm ảnh hưởng đối với lượng lớn khán giả.

Nhiều khán giả coi “văn hóa tẩy chay” là cách hiệu quả để khiến những người có đặc quyền chịu trách nhiệm khi làm sai.

Mong chờ gì ở thần tượng

Đối với người trẻ, thần tượng là người giúp họ xác định giá trị, mục tiêu, niềm tin, phong cách của bản thân và hơn thế nữa, theo Eembarkbh.

Bằng cách yêu mến nhân vật nổi tiếng, thanh thiếu niên có thể cảm thấy mình là một phần của cộng đồng và có thể thiết lập mối quan hệ với những người hâm mộ khác, còn gọi là fandom.

Không giống phương Tây, văn hóa fandom của Hàn Quốc thiên về tiền bạc, nhưng đó không phải là điều xấu, theo Delivered Korea. Người hâm mộ luôn hỗ trợ thần tượng về mặt tài chính thông qua việc mua vé xem concert và các sản phẩm liên quan.

Thành công của một nhóm nhạc thần tượng Kpop chủ yếu dựa vào công sức mà người hâm mộ bỏ ra. Ví dụ điển hình là BTS.

 Sự ủng hộ của người hâm mộ khắp thế giới khiến BTS trở thành nhóm nhạc nam lớn nhất hiện tại. Ảnh: New York Times.

Sự ủng hộ của người hâm mộ khắp thế giới khiến BTS trở thành nhóm nhạc nam lớn nhất hiện tại. Ảnh: New York Times.

Theo Insider, khoảng một năm sau khi BTS ra mắt vào 2013, fandom của họ được thành lập với tên gọi “Army”. Theo Statista, đây hiện là nhóm nhạc nam lớn nhất thế giới và đóng góp tới 0,3% nền kinh tế Hàn Quốc với doanh thu 4,65 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2018.

Ju Oak Kim, Trợ lý Giáo sư Truyền thông tại Đại học Quốc tế Texas A&M (Mỹ), nói: “Một liên minh bền chặt giữa nghệ sĩ và người hâm mộ là phần cơ bản của văn hóa fandom Kpop”.

Thuật ngữ “Fansumer” xuất phát từ 2 từ fan (người hâm mộ) và consumer (người tiêu dùng). Nó mô tả hành vi của người hâm mộ trong việc lập kế hoạch, sản xuất và quảng bá các nhóm thần tượng Kpop yêu thích của họ.

Tương tự, không khó để nhận thấy rằng ngày càng nhiều thần tượng nổi lên ở Trung Quốc chỉ sau một đêm. Thành công chóng vánh này phần lớn là do mạng lưới khổng lồ của các fandom được tổ chức và hoạt động tích cực ở đất nước tỷ dân. Người trưởng nhóm được gọi là “Zhanjie”.

Nhiệm vụ của họ là nắm rõ lịch trình của thần tượng càng nhiều càng tốt và sắp xếp các thành viên trong nhóm có mặt bất cứ lúc nào thần tượng xuất hiện trước công chúng như ở sân bay, sự kiện báo chí, concert.

“Zhanjie” sẽ chụp ảnh thần tượng, chỉnh sửa màu sắc trông thật đẹp sau đó đăng lên mạng xã hội để tăng độ xuất hiện của idol. Họ cũng tổ chức để fan ủng hộ thần tượng trực tuyến, từ thích và đăng lại video trên mạng xã hội hay bình chọn để tăng bậc trong BXH âm nhạc.

Theo Reuters, các fandom đã trở thành hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc. The Paper dự đoán “nền kinh tế thần tượng” của đất nước có thể trị giá 140 tỷ nhân dân tệ (21,59 tỷ USD) vào năm nay.

 “Nền kinh tế thần tượng” ở Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Insider.

“Nền kinh tế thần tượng” ở Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Insider.

Làm hài lòng fan

Thực tế, sự yêu mến cũng đi kèm với những kỳ vọng. Trong âm nhạc nói riêng, ngoài cách làm sản phẩm, người hâm mộ còn mong chờ nghệ sĩ thần tượng của họ có thái độ sống, tư duy, giải quyết scandal… đúng mực.

Nghiên cứu năm 2021 của YPulse cho thấy 73% người 13-39 tuổi ở Mỹ và Canada (trên tổng số 1.450) theo dõi ít nhất một ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sợ tẩy chay thần tượng của mình.

52% đối tượng khảo sát tin rằng “văn hóa tẩy chay” có hiệu quả trong việc tạo ra thay đổi xã hội.

Khi một ngôi sao nổi tiếng bị tẩy chay vì phát ngôn hoặc hành động gây tranh cãi, đa số khán giả cho rằng các nhãn hàng nên cắt hợp đồng quảng cáo với họ. Sự “trừng phạt” tiếp theo là mất lượt theo dõi trên mạng xã hội, thậm chí biến mất trên truyền thông.

Lời xin lỗi ngay lập tức là điều mà khán giả mong muốn nhất từ ngôi sao bị tẩy chay. Họ nên giải thích và hứa không lặp lại sai lầm.

Tuy vậy, theo Vox, trên thực tế, rất ít nghệ sĩ giải trí hoặc nhân vật của công chúng thực sự bị tẩy chay. Họ có thể phải đối mặt với nhiều chỉ trích và lời kêu gọi chịu trách nhiệm về phát ngôn hoặc hành động của mình nhưng ít ai phải chấm dứt sự nghiệp.

 Rapper DaBaby bị tẩy chay vì phát ngôn kỳ thị LGBTQ+ tháng 7/2021. Sau đó, anh bị gạch tên khỏi các lễ hội âm nhạc trên khắp nước Mỹ. Ảnh: People.

Rapper DaBaby bị tẩy chay vì phát ngôn kỳ thị LGBTQ+ tháng 7/2021. Sau đó, anh bị gạch tên khỏi các lễ hội âm nhạc trên khắp nước Mỹ. Ảnh: People.

Điều này lại không xảy ra ở Hàn Quốc. Theo SCMP, sự ủng hộ và tôn thờ của người hâm mộ có thể là con dao hai lưỡi đối với người nổi tiếng. Kết cục mà các ngôi sao xứ kim chi phải đối mặt vì hành vi sai trái hoàn toàn trái ngược với điều xảy ra với những minh tinh Hollywood.

“Những người nổi tiếng nổi bật và thu hút sự chú ý của công chúng. Vì cuộc sống khác biệt, khán giả có xu hướng ít khoan dung hơn đối với bất kỳ hành vi sai trái đạo đức hoặc luân lý nào của họ”, Song Jae-ryong, GS xã hội học tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), cho biết.

Các nghệ sĩ cũng hiểu vị thế của người hâm mộ đối với sự nghiệp của mình nên làm nhiều cách để giữ lượng fan trung thành.

Theo US Magazine, các ngôi sao như Taylor Swift, Nicki Minaj, Adele và Keith Urban luôn yêu quý người hâm mộ và nỗ lực để đảm bảo rằng fan biết rằng họ được đánh giá cao thông qua hành động tử tế.

Sports Khan cũng chỉ ra fan đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của làng nhạc Kpop. Do đó, hiện tại, các công ty giải trí lớn rất chú trọng đến bộ phận quản lý người hâm mộ.

Những người này đóng vai trò như bước đệm giữa ngôi sao và fandom. Nhìn chung, nhiệm vụ của họ đều liên quan đến việc tiếp thị người hâm mộ và phụ trách quảng bá nghệ sĩ thông qua các dịch vụ mạng xã hội (SNS), tổ chức sự kiện.

Hàn Quốc là thị trường âm nhạc mà nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ tích cực, thường xuyên nhất qua các buổi trò chuyện trực tuyến để trả lời hắc mắc, chia sẻ của fan. Ngoài ra, thần tượng Kpop còn tổ chức nhiều concert, fan meeting... để nâng cao cơ hội giao lưu với khán giả yêu mến họ.

Đổi lại, Kpop có văn hóa fandom tận tâm, có tổ chức và thông minh, đặc biệt khó tìm thấy ở nhiều nước khác, theo Yeon Jeong Kim của Twitter.

Đối với nhiều người hâm mộ, đó không chỉ là âm nhạc mà còn là ý thức cộng đồng. Jackie Alvarez, giám đốc tài chính của BTS Army Mỹ, đồng ý.

“Cảm giác giống như một gia đình khổng lồ. Chúng tôi có thể báo đáp thần tượng vì những gì họ mang đến cho fan”, cô nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-mong-cho-gi-o-than-tuong-post1317967.html