Giới trẻ 'quay cuồng' tìm cách tiết kiệm chi phí giữa thời 'bão giá'

Nhằm thích ứng với tình hình mới, nhiều bạn trẻ đang phải tìm mọi cách áp dụng các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' để chi tiêu một cách tiết kiệm, đảm bảo trang trải cuộc sống ở đô thị đầy cạnh tranh.

Để đối phó với 'cơn bão giá', nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đã chọn cách mua thực phẩm về để tự nấu ăn cho tiết kiệm. (Ảnh: Ngọc Anh/Vietnam+)

Để đối phó với 'cơn bão giá', nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đã chọn cách mua thực phẩm về để tự nấu ăn cho tiết kiệm. (Ảnh: Ngọc Anh/Vietnam+)

Mặc dù giá xăng đã được điều chỉnh giảm xuống dưới 30.000 đồng trong kỳ điều hành mới nhất ngày 11/7, song so với cùng kỳ năm trước, giá xăng vẫn đang “vênh” gần 10.000 đồng/lít.

Nỗi lo chi phí đi lại tăng cao cùng với giá cả sinh hoạt ngày một đắt đỏ khiến nhiều bạn trẻ đang “bám trụ” tại Thủ đô phải thắt chặt chi tiêu, tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.

Chi phí đội giá, sinh hoạt khó khăn

Với nhiều bạn trẻ, mọi giá cả đều tăng chóng mặt trong khi đồng lương thì vẫn “dậm chân tại chỗ”. Có lẽ, chưa khi nào thế hệ trẻ cảm nhận thấy rõ sự mệt mỏi và khó khăn nhiều như bây giờ. Tuy nhiên, tất cả dường như mới chỉ là khởi đầu.

“Với quãng đường từ nhà đến trường khoảng 10 km, trước kia tôi đổ xăng đầy bình khoảng 5 lần mỗi tháng, trung bình một lần hết 70.000 đồng. Bây giờ, chi phí đã tăng gấp đôi, vào khoảng 150.000 đồng/lần, khiến khoản chi cho đi lại bị đội lên khoảng 400.000 đồng/tháng,” anh Dũng, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Mở (Hà Nội) chia sẻ.

Theo anh Dũng, không chỉ xăng mà lương thực, thực phẩm, thuốc men... cũng đều tăng giá. Anh Dũng cho biết trước đây, mỗi lần đi chợ thường chỉ mua từ 5.000 đến 10.000 đồng tiền rau là đủ ăn một ngày. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chi phí này đã lên mức 15.000 đến 20.000 đồng/ngày, ngay cả các loại gia vị như gừng, sả... cũng tăng chóng mặt.

“Với khoản tiền trợ cấp 3 triệu đồng/tháng từ gia đình, tôi phải tính toán rất kỹ càng để bảo đảm sinh hoạt hàng ngày. Ngay cả khi mua rau, tôi cũng cân nhắc xem loại nào giá hợp lí mà vẫn cung cấp đủ vitamin cần thiết,” anh Dũng tâm sự.

Với một vài bạn trẻ, việc lựa chọn những công việc tự do hoặc làm việc online tại nhà khiến nhóm đối tượng này không quá quan tâm đến vấn đề chi phí đi lại. Tuy nhiên, áp lực giá xăng lại ảnh hưởng đến những khía cạnh khác, như giá thực phẩm hay cước phí dịch vụ giao hàng ăn.

“Nếu ngày trước, chi phí mỗi đơn hàng vào khoảng 50.000 đến 60.000 đồng, thì nay đã tăng lên mức 70.000 đồng, tuy giá không chênh lệch nhiều nhưng nếu đặt hàng ngày thì chi phí tính ra vẫn khá tốn kém,” chị Phương Anh, chủ shop quần áo Phương Anh Boutique (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Chật vật để cắt giảm chi tiêu

Vừa “chân ướt, chân ráo” lên Hà Nội để nhập học năm đầu tiên tại trường Đại học Giao thông Vận tải, sinh viên Nguyễn Quang Đạt chưa thể tìm kiếm ngay một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Chiếc xe máy mà Đạt mang theo lên Hà Nội đã mấy tuần nay vẫn xếp gọn trong góc nhà khi giá xăng vẫn đang leo thang.

Nhiều sinh viên tại Thủ đô nhận công việc làm tài xế xe công nghệ nhằm cải thiện thu nhập trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay. (Ảnh: Ngọc Anh/Vietnam+)

Nhiều sinh viên tại Thủ đô nhận công việc làm tài xế xe công nghệ nhằm cải thiện thu nhập trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay. (Ảnh: Ngọc Anh/Vietnam+)

“Tiền trợ cấp của tôi là 3.000.000 đồng/tháng, chi phí thuê trọ là 1.500.000 đồng, số tiền còn lại dành cho chi tiêu ăn uống hàng ngày. Trước đây mỗi bữa ăn tôi tiêu hết 25.000 đồng nhưng thời điểm này đã tăng lên 35.000 đồng. Tôi dự định sẽ chuyển sang căn trọ khác để giảm bớt tiền thuê đồng thời đi nhờ xe bạn bè để tiết kiệm chi phí,” Đạt chia sẻ.

Quãng đường từ nhà đến trường của Đỗ Quang Duy, sinh viên trường Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) là 25 km. So với con số 240.000 đồng/tuần tiền đổ xăng vào thời điểm đầu năm 2022, nay số tiền mà Duy phải chi trả đã lên mức gần 300.000 đồng/tuần.

Để tiết kiệm, anh Duy đang tính đến khả năng di chuyển bằng phương tiện công cộng. Theo đó, vé xe buýt tháng dành cho sinh viên có giá là 250.000 đồng/tháng. So với số tiền đổ đầy bình xăng hết khoảng 300.000 đồng/tuần, nếu chuyển sang đi xe buýt thì mỗi tháng anh Duy có thể tiết kiệm được gần một triệu đồng - một mức chi phí đáng kể.

Trong bối cảnh nhiều bạn trẻ phải thắt chặt chi tiêu, xu hướng tìm thêm việc làm ngoài giờ đang dần trở nên phổ biến. “Tôi lên Hà Nội học tập đã được 5 năm. Thời gian trước tôi có làm phục vụ ở quán cà phê, nhưng hiện nay giá cả leo thang nên tôi làm cả công việc giao hàng để kiếm thêm thu nhập,” anh Hoàng (quê ở Hải Dương) cho biết.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể tìm được việc làm thêm như mong muốn. Anh Lãm, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Mở (Hà Nội) cho biết: “Sinh viên vừa ra trường rất khó kiếm việc làm. Với việc làm thêm hiện tại, trung bình mỗi tháng tôi được trả từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Ngày trước tôi còn hay gọi giao đồ ăn đến, tuy nhiên bây giờ sáng nào tôi cũng dậy sớm, tự chuẩn bị đồ ăn để giảm bớt chi phí.”

Trong giai đoạn kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, “cơn bão giá” do ảnh hưởng của giá xăng dầu càng khiến cho đời sống người dân thêm nhiều khó khăn. Nhằm thích ứng với tình hình mới, nhiều bạn trẻ đang phải tìm mọi cách áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để chi tiêu một cách tiết kiệm nhất, đảm bảo trang trải cuộc sống ở đô thị vốn rất nhiều cạnh tranh./.

Ngọc Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gioi-tre-quay-cuong-tim-cach-tiet-kiem-chi-phi-giua-thoi-bao-gia/805837.vnp