Giới trẻ sẵn sàng trả giá cao cho thiết kế local brand Việt là để cổ vũ sáng tạo
Từ cách lựa chọn hành xử của founder D.J về vụ bị tố đạo nhái, người Việt trẻ đã có một bài học đắt giá về chuyện cẩn thận phát ngôn, bởi vì tất cả những gì bạn nói đại diện cho điều mà bạn tin tưởng, lý tưởng bản thân.
Về mặt kinh doanh, ngành công nghiệp thời trang tồn tại rất nhiều vấn đề không thể giải quyết triệt để. Ai cũng biết các nhà mốt không thể kiện các thương hiệu thời trang nhanh khi copy các thiết kế để nhân rộng hàng loạt. Thậm chí, giờ đây cuộc chiến bảo vệ chất xám sáng tạo và lợi ích thương mại lại càng mong manh hơn khi chính các nhà mốt lớn cũng đang “học hỏi” lẫn nhau.
Tuy nhiên, sự việc ồn ào giữa Dear José - thương hiệu local brand nổi tiếng ở Việt Nam và thương hiệu thời trang quốc tế Christina Blum Studio lại là một câu chuyện khác hẳn, bởi vì...
Ủng hộ local brand không chỉ là mua quần áo chức năng,
mà là lựa chọn cổ vũ sự sáng tạo
Nói về khái niệm thời trang, người ta có nhiều lựa chọn, nhiều quan niệm. Có người chỉ xem quần áo đóng vai trò như một vật dụng, nhưng có người xem đó là phong cách, ý niệm. Vì vậy, mỗi nhãn hàng thời trang lại lựa chọn con đường mà mình hướng tới, và để thu được lợi nhuận cao, cái nhãn hàng cung cấp không chỉ là vật dụng che thân, mà còn là phong cách, tư duy thẩm mỹ, văn hóa...
Lý do khách hàng chấp nhận mua sáng tạo của NTK trẻ, local brand với giá cao, thậm chí trở thành xu hướng như hiện nay chính là dòng chảy tự nhiên ủng hộ cho sức trẻ, sự sáng tạo. Những gì không thể “xử” bằng luật vốn đã được người tiêu dùng tự “điều tiết công bằng” bằng cách mua hàng ủng hộ cho local brand, ủng hộ NTK trẻ như một cách cổ vũ cho sự sáng tạo và quan điểm thẩm mỹ, văn hóa tiến bộ.
Hiện tại, giữa muôn ngàn sự lựa chọn thời trang, nếu không kể thời trang từ các nhà mốt cao cấp thì local brand Việt đang được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình dù có mức giá khá cao so với các lựa chọn khác đến từ các hãng street wear bình dân như Zara, H&M, Pull&Bear, Stradivarius... hay thậm chí các lựa chọn rẻ hơn nữa từ hàng Taobao, hàng may mặc tự phát trong nước được bán qua livestream.
Giá váy của Dear José đang được bán dao động từ 1,1 triệu đến 4,1 triệu đồng. Mức giá này vẫn được giới trẻ nhiệt tình ủng hộ là do chất lượng chất liệu, form dáng và tất nhiên là cả tính sáng tạo, độc đáo, phong cách hiện đại nữa.
Như vậy, local brand được chấp nhận giá trị không phải vì lịch sử thương hiệu, mà là vì thông điệp mà nó đại diện:
“Sức sáng tạo trẻ, thời trang văn minh
và niềm hy vọng tương lai”
Từ cách lựa chọn hành xử của founder Dear José, người Việt trẻ có một bài học đắt giá trong chuyện phát ngôn, bởi vì tất cả những gì bạn nói đại diện cho điều mà bạn tin tưởng, lý tưởng bản thân.
Về mặt pháp lý, có thể Dear José sẽ không gặp rắc rối, nhưng khi tự so sánh mình tốt hơn các đối thủ sẵn sàng "copy 1:1" thì nhà sáng lập thương hiệu đã chọn sai “cây thước” mất rồi. Bởi vì những gì anh từng bỏ ra để xây dựng thương hiệu được mọi người đánh giá cao như hiện nay rõ ràng phải tốt hơn thế. Chiếc váy bị tố này không nên là một sai lầm đánh đổi rất nhiều thời gian và công sức, tâm huyết mà Dear José đã thật sự bỏ ra trong việc xây lòng tin ở khách hàng và góp phần tạo nên diện mạo cho local brand Việt.
Hãy cẩn thận khi bạn nhắc đến thông lệ
ở một đất nước, hay châu lục bởi vì…
Con người vốn dễ bị chia rẽ bởi định kiến và lòng nghi ngờ. Một trong những định kiến nặng nề chính là sắc tộc, cho nên khi chính người châu Á muốn dùng cụm từ “Ở châu Á chúng tôi…” để tranh luận thì rất cần phân biệt đâu là bản sắc, riêng đâu là cái lệ đi ngược văn minh vẫn chưa giải quyết được.
Trong khi những hastag như #StopAsianHate đang nỗ lực đấu tranh chống mặc định không tốt về người châu Á thì chính người châu Á lại khẳng định định kiến đó là đúng khi Danny viết trong lập luận của mình: “Là một thương hiệu nổi tiếng ở châu Á, chúng tôi có những đối thủ sẵn sàng copy 1:1…”. Đó không nên là lý do khiến Danny cảm thấy mình bị thiệt thòi khi không "copy 1:1" - đó phải là chuyện hiển nhiên vì anh được thị trường ghi nhận tài năng nhiều hơn thế.
Với những nơi vốn bị mặc định liên tưởng đến “cái nôi của hàng nhái”, việc khẳng định “đó không phải là tất cả” là một khát khao của thế hệ trẻ, và hành trình này chắc chắn không hề đơn giản.
Trong bối cảnh nhà thiết kế Việt đã có những bước chân đầu tiên ra thế giới, đặt nền móng thành công cho thời trang Việt ra thị trường thế giới như Phương My, Công Trí, Trần Hùng, Tuyết Lê... cũng đã có local brand Việt trở thành lựa chọn của khách hàng có tầm ảnh hưởng lớn như nhóm nhạc BLACKPINK. Những niềm tự hào đó cũng góp phần không nhỏ để các local brand Việt nói chung được giới trẻ ủng hộ đông đảo, vì vậy trong một số trường hợp cụ thể, ta lại phải chọn giữa lợi nhuận hay sự tự hào mà không thể có được cả hai.
Mặt tối của ngành thời trang mà Christina Blum
nhắc đến trong bài tố Dear José
“Mặt tối ngành thời trang” mà Christina nhắc tới chính là thế giới này vẫn chưa phân định được triệt để bằng luật đâu là học hỏi ý tưởng, đâu là ăn cắp chất xám. Ranh giới mong manh này đành được cân bằng bởi thái độ và tư duy của mỗi người. Danny hay bất kỳ nhà thiết kế Việt nào khác đều có thể sai lầm, được phép sai lầm.
Một lỗi sai không hề là tất cả về con người bạn, cũng không đại diện cho tất cả local brand Việt, miễn là chúng ta nhìn ra được mấu chốt lỗi sai nằm ở đâu. Điều này sẽ thể hiện ở những bước đi và thái độ sắp tới của Dear José. Thậm chí nếu nhìn thấy được, đây còn là động lực rất lớn để Dear José trả lời bằng con đường của chính mình phía trước.