Giới trẻ Singapore 'phơi nhiễm' với nội dung nhạy cảm trực tuyến
Theo một nghiên cứu mới về mối nguy hiểm trực tuyến đối với sức khỏe, 6/10 người trẻ đã tiếp xúc với nội dung nhạy cảm trực tuyến dù không chủ động tìm kiếm, theo Straits Times.
Đây là kết quả từ nghiên cứu chung của tổ chức phi lợi nhuận SG Her Empowerment (SHE) và Global Shapers Singapore Hub, một mạng lưới các nhà lãnh đạo thanh niên dưới 30 tuổi. Tổng cộng có 500 công dân Singapore và thường trú nhân từ 16 đến 35 tuổi tại nước này tham gia khảo sát.
Những dạng nội dung nhạy cảm được đề cập bao gồm các nội dung liên quan đến hình ảnh cơ thể, hình ảnh bạo lực, ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục, hành vi ăn uống không lành mạnh cũng như nội dung gây hận thù hoặc xúc phạm giới tính.
'Bị ép' tiếp xúc nội dung nhạy cảm
Trong số những người cho biết đã nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm trên mạng dù họ không tìm kiếm, 68% cho biết họ cảm thấy khó chịu. Và có tới một nửa nhóm này duy trì sự không thoải mái trong ít nhất vài giờ sau đó.
Một thanh niên đã chia sẻ cảm xúc sau khi tình cờ phải xem một buổi phát trực tiếp hai cậu bé ở Trung Quốc bị chặt đứt tay xuất hiện trên trang mạng xã hội của mình: “Tôi không bao giờ xem nội dung bạo lực trên các nền tảng này vì tôi chủ yếu theo dõi các chủ đề hài hước. Và khi video bạo lực này xuất hiện, tôi cảm thấy khá kinh hoàng”.
Tuy nhiên, dù gặp phải tình trạng này, 1/3 số người tham gia khảo sát không thực hiện bất kỳ hành động nào để ngăn chặn, ví dụ chặn hoặc báo cáo tài khoản cung cấp các nội dung không phù hợp như vậy. Khoảng 2/3 còn lại cho biết họ đã tìm cách giải quyết bằng cách chặn hoặc hạn chế tài khoản đã chia sẻ nội dung nhạy cảm, hoặc báo cáo hành vi vi phạm của nội dung/tài khoản đó cho nền tảng liên quan.
Tuy nhiên, Priyanka Bhalla, quản lý chính sách an toàn của Meta nói rằng các tiêu chuẩn cộng đồng giúp xác định nội dung trên nền tảng là không cố định.
“Rất khó để tìm ra sự cân bằng đối với chúng tôi vì toàn cầu có những tiêu chuẩn riêng. Và cũng vì chúng tôi muốn đảm bảo rằng giới trẻ có quyền tự do ngôn luận, nhưng đồng thời, chúng tôi cũng muốn duy trì các hành vi trực tuyến an toàn và tôn trọng. Ngoài ra, cũng phải tính đến bối cảnh và sắc thái văn hóa”, bà Bhalla nói.
Bà bày tỏ thêm rằng Meta, công ty sở hữu và điều hành Facebook và Instagram, cũng theo dõi các vi phạm trên nền tảng của họ, thông qua báo cáo của người dùng và khoảng 40.000 nhân viên phụ trách đánh giá các hành động vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Công ty cũng sử dụng máy học để phát hiện những hình ảnh có hại trước khi người dùng nhìn thấy chúng.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ giới trẻ
Về vấn đề giới trẻ tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trên mạng dù họ không chủ động tìm kiếm, ông Eric Chua - Thư ký Quốc hội cấp cao, Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, kiêm Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore, cho rằng tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại, vì độ tuổi trung bình trẻ em ở Singapore bắt đầu có thiết bị kết nối Internet là 8 tuổi, sớm hơn so với mức trung bình toàn cầu là 10 tuổi.
“Những đứa trẻ của chúng ta bắt đầu lang thang trên thế giới trực tuyến khi còn nhỏ và dù các em không tìm kiếm (những nội dung nhạy cảm), các em vẫn có khả năng bắt gặp chúng”, ông Chua cho hay.
Tuy nhiên, quan chức này cũng lưu ý rằng mạng xã hội và công nghệ về bản chất không phải là xấu và điều quan trọng là “chúng ta hướng tới hiểu rõ những thách thức cũng như điểm mạnh của chúng và sau đó thực hiện hành động để ứng phó”.
Những tác hại của không gian trực tuyến đã nhận được nhiều sự chú ý tại Singapore sau khi chính quyền nước này tìm cách ngăn chặn chúng. Singapore đã công bố Đạo luật An toàn Trực tuyến (có sửa đổi), có hiệu lực vào tháng 2 năm 2023, và trao cho chính quyền quyền yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội có hoạt động tại nước này xóa những nội dung nhạy cảm như các bài đăng ủng hộ việc tự tử, bóc lột tình dục trẻ em hay khủng bố.
Đạo luật Bảo vệ trước các Hành vi Quấy rối cũng đã được điều chỉnh để xem xét cả các vụ việc công bố trái phép thông tin cá nhân trên mạng xã hội, đồng thời giúp nạn nhân dễ dàng hơn khi yêu cầu bảo vệ.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy độc giả Singapore rất lo ngại về những hình ảnh độc hại trên mạng xã hội. Gần một nửa (48%) số người được hỏi chọn hình ảnh về lạm dụng tình dục là một trong ba mối lo ngại trực tuyến hàng đầu của họ. Trong số phụ nữ, 57% cũng đồng tình với lựa chọn này. Còn với nam giới, 47% chọn công bố trái phép thông tin cá nhân là mối lo ngại hàng đầu của họ.
Các hành động đáng lo ngại khác là mạo danh hoặc đánh cắp danh tính, phỉ báng, lừa dối, lời nói kích động hận thù và quấy rối tình dục.