Giới trẻ sống chung: 'Không phải phép thử trước khi cưới'
Sau khi ở chung, cái nhìn của Thanh Hằng (23 tuổi, Hà Nội) về tình yêu đã thay đổi. Với cô, hành động ga lăng nhất của bạn trai là khi anh chủ động dọn nhà vệ sinh, vào bếp nấu ăn.
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 48% cặp tình nhân cho rằng sống chung trước khi kết hôn sẽ giúp hôn nhân của họ bền chặt hơn.
38% cho rằng điều đó không thực sự ảnh hưởng tới mối quan hệ sau này, và 13% không đồng tình với ý tưởng đó.
Trong cuộc trò chuyện với Zing, 3 cặp tình nhân chia sẻ về trải nghiệm sống chung dưới một mái nhà với "nửa kia". Họ đều thấy hạnh phúc hơn khi được kề cận nhau mọi lúc, rút ra nhiều bài học để cùng trưởng thành.
Lãng mạn nhất khi người yêu làm việc nhà
Thanh Hằng (24 tuổi) và Tiến Đạt (24 tuổi), quận Thanh Xuân, Hà Nội
“Nếu một ngày, hai đứa chia tay thì sao?” - đó là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ người thân và bạn bè khi họ nghe tin tôi sống chung với bạn trai.
Thế nhưng, tôi không quá lo lắng. Tôi tự tin về tài chính cá nhân và khả năng tự chăm sóc bản thân của mình. Hơn nữa, quyết định sống chung của chúng tôi dựa trên trách nhiệm và tình cảm sau hơn 5 năm bên nhau.
Cuối tháng 4, tôi và bạn trai bắt đầu cuộc sống mới tại một căn hộ 2 phòng ngủ ở quận Thanh Xuân. Địa điểm này vừa không quá xa nhà mẹ, vừa gần với nơi làm việc của cả hai.
Đặc biệt, không gian sống rộng rãi cho phép chúng tôi thoải mái chăm sóc 2 chú cún cưng.
Gia đình bạn trai tôi ủng hộ quyết định của cả hai. Trái lại, mẹ tôi kịch liệt phản đối. Mẹ sợ hàng xóm lời ra tiếng vào và lo con gái chịu thiệt thòi khi ở chung với người yêu trước khi kết hôn.
Tuy nhiên, tôi nhận được cái gật đầu của mẹ sau vài lần thuyết phục, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình từ phía anh trai.
Sau 7 tháng sống chung, chúng tôi đều cảm thấy càng gắn bó và tình cảm hơn. Chúng tôi cũng tiết kiệm được cả thời gian lẫn khoản lớn về chi phí hẹn hò.
Thay vì gặp gỡ tại quán cà phê hay nhà hàng, chúng tôi có thể tự chuẩn bị bữa tối cùng nhau và tận hưởng không gian lãng mạn ngay tại nhà sau giờ làm việc căng thẳng.
Đặc biệt, cái nhìn của tôi về mối quan hệ tình cảm đã thay đổi. Trước đây, tôi cho rằng hành động lãng mạn nhất của người yêu là nhớ tặng quà vào dịp lễ, ngày kỷ niệm.
Song giờ đây, không có gì làm tôi cảm động hơn việc bạn trai chủ động đeo găng tay để cọ nhà vệ sinh. Tôi vốn không phải người quá đảm đang nên cảm thấy rất vui khi có bạn trai ưa thích nội trợ.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa tôi và mẹ được cải thiện rõ rệt từ ngày tôi ra ngoài sống. Trước đó, do lối sống khác biệt giữa hai thế hệ và không có không gian riêng cho mỗi người, hai mẹ con thường xuyên cãi nhau.
Hiện tôi và mẹ trở nên gần gũi, tâm sự nhiều hơn. Mẹ cũng hướng dẫn tôi một số mẹo nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa - việc mà tôi ít khi quan tâm khi còn sống cùng mẹ.
Chia sẻ cùng nhau
Thoa Vũ (24 tuổi) và Brady Jones (27 tuổi), thành phố Melbourne (bang Victoria, Australia)
Mối quan hệ tình cảm của chúng tôi trở nên bền chặt, gần gũi hơn nhiều sau một năm ở cùng bạn trai người Anh. Mục đích sống chung ban đầu của chúng tôi là để tiết kiệm tiền thuê nhà giữa thành phố Melbourne đắt đỏ này.
Từ ngày dọn về cùng một nhà, chúng tôi có trách nhiệm với đối phương hơn, chẳng hạn thay phiên nhau nấu nướng, dọn dẹp hay chủ động thông báo trước nếu về muộn. Những hành động tuy nhỏ bé ấy khiến đôi bên thêm gần gũi, thấu hiểu.
Vốn là một người quảng giao và say mê bóng đá, bạn trai tôi thường kín lịch hẹn với bạn bè.
Nhưng kể từ ngày sống chung, anh biết cân đối thời gian hơn, cân nhắc lúc nào nên đi chơi, lúc nào không.
Về phần mình, tôi học cách chia sẻ và nhường nhịn bạn trai nhiều hơn.
Trước đây, do công việc bận rộn, chỉ gặp nhau một lần/tuần, tôi đòi hỏi sự quan tâm của anh dành cho mình càng nhiều càng tốt, dẫn đến một số cuộc cãi vã không đáng có.
Ngoài ra, một người thường xuyên ăn uống qua loa như tôi lại trở nên chăm chỉ nấu nướng tại nhà hơn nhờ có người chờ cơm.
Đương nhiên, giữa chúng tôi vẫn xảy ra mâu thuẫn nhỏ, nhất là khi mỗi người đến từ một nền văn hóa và sử dụng ngôn ngữ khác nhau.
Đôi khi, chúng tôi cãi nhau chỉ vì anh nói chuyện thẳng thắn quá, khác với kiểu giao tiếp câu nệ của người Việt như tôi. Thế nhưng, sau khi “hạ hỏa”, chúng tôi bình tĩnh trò chuyện với nhau để giải quyết vấn đề.
Đối với tôi, sống chung là bước tiến cần thiết trước khi gắn bó với nhau cả quãng đời còn lại. Hơn nữa, tôi luôn gọi đây là “sống chung” thay vì “sống thử”, bởi chẳng có phép thử nào ở đây. Mọi vấn đề chúng tôi đối diện đều là thật.
Không thể thiếu nhau
Thu Thảo (26 tuổi) và Bảo Vi (30 tuổi), ngụ quận 7, TP.HCM
Năm 2016, tôi và Bảo Vi bắt đầu sống chung. Khi đó, cả hai muốn dành nhiều thời gian bên nhau hơn, tôi cũng mong phụ giúp người yêu quản lý tiệm xăm nên quyết định dọn về ở cùng chị ấy.
Những ngày đầu, cả hai thống nhất sẽ tân trang lại phòng ở để "thế giới hai người" ấm cúng hơn.
Đáng nói, tôi và bạn gái lại có gu thẩm mỹ hoàn toàn đối lập: tôi luôn thích những thứ dễ thương, chị Vi lại theo đuổi phong cách cá tính.
Song, chị vẫn chịu cho tôi sơn lại tường thành màu trắng, treo dây đèn khắp nhà.
Là những cá thể khác biệt, chúng tôi có nhiều lần mâu thuẫn. Theo thời gian, hai đứa đều học được cách nhường nhịn, bao bọc lẫn nhau để chung sống dưới một mái nhà.
Người này "nóng" thì người kia phải "lạnh", lỡ làm đối phương giận thì phải xin lỗi chân thành. Tôi và chị ấy cũng thay phiên làm việc nhà theo tính cách, rõ ràng về tài chính để tránh cãi vã về tiền bạc.
Sau này, chúng tôi dọn ra nhà riêng, thuê một phòng rộng rãi hơn để làm studio. Chị Vi vẫn làm xăm hình, tôi học và hành nghề xỏ khuyên, kiêm thêm chức quản lý tiệm.
Chúng tôi thích làm mọi thứ cùng nhau, cả trong cuộc sống và công việc.
Khi ổn định chỗ ở, hai đứa cũng nuôi thêm 3 con vẹt, 2 chú mèo, 2 bé hamster và một đàn cá cho "vui cửa, vui nhà".
Vài năm trôi qua, chúng tôi không hối hận về quyết định sống chung. Nếu thiếu đối phương, cả hai sẽ thấy trống trải, cô đơn lắm.