Giới trẻ Trung Quốc hóa con nợ vì sống ham hư vinh

Lối sống xa hoa, không màng hậu quả của thanh niên xứ tỷ dân được 'tiếp tay' bởi các công ty tài chính công nghệ cho vay tín chấp trực tuyến.

Trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, một thế hệ mới gồm những bạn trẻ am hiểu về công nghệ hiện đại và có sở thích tiêu hoang đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường tiêu dùng ở xứ tỷ dân, theo Wall Street Journal đưa tin.

Nhiều người trong số đó đã sử dụng các khoản vay ngắn hạn để trả cho mỹ phẩm hàng hiệu, đồ dùng công nghệ đắt đỏ và bữa ăn tốn kém tại các nhà hàng sang trọng.

Họ được “tiếp tay” bởi Ant Group và các công ty fintech (tài chính công nghệ) khác - những bên cung cấp khoản vay tín chấp tới hàng triệu người dùng vốn không sở hữu thẻ tín dụng do ngân hàng phát hành.

 Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn vay ngắn hạn để mua sắm xả láng. Ảnh: Thomas Peter/Getty Images.

Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn vay ngắn hạn để mua sắm xả láng. Ảnh: Thomas Peter/Getty Images.

Nợ nần vì mua sắm quá tay

Năm 2019, các khoản vay trực tuyến chiếm tới 1/2 các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn ở Trung Quốc, theo ước tính từ Fitch Ratings.

Mona Wang (27 tuổi), làm việc trong lĩnh vực tài chính ở thành phố Tây An, cho biết vào cuối năm ngoái, cô nợ tổng số tiền tương đương 15.000 USD tại các ngân hàng khác nhau, bao gồm nền tảng Huabei và các công ty phát hành thẻ tín dụng.

Khoản nợ gấp 15 lần thu nhập hàng tháng của Wang. Chúng là hậu quả của việc cô chi tiền cho các đôi giày hãng Salvatore Ferragamo và những món hàng hiệu khác.

Ngoài ra, trong lễ hội mua sắm trực tuyến thường niên 11/11 của Alibaba diễn ra vài tháng trước, Wang sử dụng Huabei để vung tiền mua một số chai rượu Moutai, quần áo tập yoga của Lululemon, máy sấy tóc Dyson và máy hút bụi.

“Chúng giống như những món hời không thể bỏ lỡ”, cô thú nhận.

Sau đó, Wang mất nhiều đêm trằn trọc khi nhận ra mình đã tiêu tốn quá tay. May mắn thay, một khoản tiền thưởng cô nhận được hồi tháng 2 đã giúp Wang trả 1/2 khoản nợ. Hiện cô gái đang cố gắng quản lý chi tiêu cá nhân để trả nốt phần còn lại.

 Nhiều bạn trẻ Trung Quốc lâm vào cảnh nợ nần do bội chi. Ảnh: Reuters.

Nhiều bạn trẻ Trung Quốc lâm vào cảnh nợ nần do bội chi. Ảnh: Reuters.

Trong vài tuần vừa qua, chiến dịch có tên “sóng đánh vào bờ” - một phép ẩn dụ cho việc sống không nợ nần - trở nên bùng nổ trên mạng xã hội xứ tỷ dân. Nhiều người lên tiếng chia sẻ trải nghiệm cũng như niềm hối tiếc của họ về chuyện bội chi và vay nợ.

Họ đăng ảnh cắt thẻ tín dụng thành từng mảnh, đồng thời chụp màn hình cảnh khóa tài khoản tín dụng trực tuyến của mình. Một số mô tả rằng họ đang tìm cách thoát khỏi nợ nần bằng cách giảm chi tiêu hàng ngày và tránh mua sắm không cần thiết.

“Cuộc ‘đàn áp’ tình trạng bội chi từ bên trên đã thúc đẩy phong trào tự vấn lương tâm tầm cỡ quốc gia”, Daniel Zhi, đối tác tại hãng kiểm toán KPMG Trung Quốc, nói với Wall Street Journal.

Được cổ vũ để vay nợ

Nhiều phương tiện truyền thông ở xứ tỷ dân chỉ trích việc các nền tảng fintech khuyến khích giới trẻ chi tiêu quá mức. Trong đó, dịch vụ Huabei và Jiebei thuộc Ant Group đã cổ vũ khoảng nửa tỷ công dân Trung Quốc “cứ tiêu” và “cứ vay” chỉ trong 12 tháng.

"Bạn còn trẻ mà, cứ chi tiêu đi", câu nói trong quảng cáo của Huabei, dịch vụ giống thẻ tín dụng của Alipay, đã tạo động lực cho nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp tại Trung Quốc mua sắm.

Guo Wuping, người đứng đầu bộ phận bảo vệ người tiêu dùng tại cơ quan quản lý ngân hàng, cho biết các công ty fintech đã cho mọi người vay quá nhiều, khiến “một số thanh niên có thu nhập thấp rơi vào bẫy nợ”.

Quy định tài chính mới buộc các bên cho vay phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh của họ, đồng thời làm dấy lên suy tính về thói quen vay và chi tiêu kiểu Mỹ của giới trẻ Trung Quốc.

Tháng 12/2020, Ant Group cho biết họ đã giảm giới hạn tín dụng cho một số người vay trẻ tuổi để thúc đẩy thói quen chi tiêu hợp lý.

 Kích thích tiêu dùng là một trong những chiến lược của Trung Quốc để khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: AP.

Kích thích tiêu dùng là một trong những chiến lược của Trung Quốc để khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: AP.

Yuzhang Wang (26 tuổi), một trong những "con nợ", cho biết hạn mức tín dụng Huabei của anh gần đây đã bị cắt giảm từ hơn 4.600 USD xuống còn khoảng 2.500 USD.

Năm 2020, chàng trai này mất việc tại một học viện đào tạo nghề ở Bắc Kinh và phải gánh khoản nợ 30.000 USD. Anh chi phần lớn số tiền đi vay vào các món đồ xa xỉ như phụ kiện Gucci và Versace, iPhone cùng những bữa tối sang chảnh.

Do bị các chủ nợ gọi cho anh và gia đình liên tục để đe dọa kiện tụng, Wang chuyển về sống ở quê nhà. Tại đây, anh vừa làm việc cho một nhà máy, vừa trở thành tài xế công nghệ, vừa đứng ra tổ chức tiệc cưới.

Chàng trai trẻ cũng quyết định bán đi một số món đồ hàng hiệu của mình. Nhờ đó, anh trả được 2/3 khoản nợ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế hy vọng sự thoái trào của hình thức cho vay trực tuyến sẽ không làm giảm mức chi tiêu của người tiêu dùng.

“Tiêu dùng nội địa có thể bị ảnh hưởng nếu các kênh cho vay trực tuyến bị thắt chặt hoặc nếu Bắc Kinh ưu tiên kiềm chế rủi ro tài chính trong thời hạn ngắn”, Aidan Yao, nhà kinh tế châu Á mới nổi cấp cao tại AXA Investment Managers, chia sẻ với Wall Street Journal.

Katie Chen, giám đốc Fitch phụ trách các tổ chức tài chính phi ngân hàng ở Trung Quốc, cho biết các nhà quản lý sẽ không muốn loại bỏ toàn bộ ngành cho vay trực tuyến.

“Thay vào đó, họ muốn đảm bảo những người cho vay trực tuyến không chấp nhận rủi ro quá mức, tránh gây đe dọa tới sự ổn định của hệ thống tài chính”, bà nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-trung-quoc-hoa-con-no-vi-song-ham-hu-vinh-post1193046.html