Giới trẻ Trung Quốc nợ ngập đầu vì vay tiền qua app lãi suất 'cắt cổ'

Sau thời kỳ đỉnh cao của các dịch vụ cho vay trực tuyến và tiêu xài 'vô độ', giờ đây, nhiều người trẻ tuổi tại Trung Quốc đang phải chật vật học cách sống tiết kiệm và góp tiền trả nợ khi Bắc Kinh có những biện pháp cứng rắn đối với hệ thống này.

Nhóm đối tượng “đông đảo”

Hàng chục triệu sinh viên Trung Quốc gặp khó khăn sau khi chính quyền siết chặt các hoạt động của các nền tảng cho vay trực tuyến. Ảnh: Getty.

Theo Bloomberg, hiện 36 triệu sinh viên đại học tại Trung Quốc đang phải dần thích nghi với cuộc sống khi không có các app cho vay tín dụng dễ dàng như trước kia.

Tháng trước, giới chức Trung Quốc đã siết chặt hoạt động của các nền tảng cho vay trực tuyến, vốn phát triển rầm rộ tại quốc gia tỷ dân một thời với hàng loạt các ứng dụng cho vay trực tuyến, các công ty fintech, và những bên cho vay không bị chính quyền kiểm soát. Các nền tảng trên internet được yêu cầu ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên, đồng thời rút bớt tín dụng hiện có. Các ngân hàng cũng phải được phê duyệt trước khi cho các sinh viên đại học vay tiền.

Động thái này của Trung Quốc là vừa một phần của nỗ lực pháp lý quy mô lớn nhằm siết chặt kiểm soát đối với toàn ngành fintech, cũng vừa để ngăn chặn các hành vi lạm dụng vay nợ nhắm tới các đối tượng là sinh viên đại học hay người trẻ tuổi.

Cụ thể, những khoản vay trực tuyến ngắn hạn với thủ tục dễ dàng này có lãi suất hàng năm lên tới 15-24%, khiến cho nhiều sinh viên không có đủ khả năng chi trả. Vài năm qua, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về hàng loạt các vụ thu hồi nợ gây sốc, khi nhiều sinh viên bị đe dọa hay thậm chí bị ép phải “đổi tình” để trả nợ.

Không kịp xoay xở

Tuy nhiên, việc chính phủ đột ngột ra quyết định siết chặt kiểm soát đối với những hệ thống cho vay trực tuyến đã khiến cho giới trẻ Trung Quốc – những người đang gánh những khoản nợ chồng chất cảm thấy hoang mang.

Dù đã đi làm thêm tới hai công việc bán thời gian, cô sinh viên 21 tuổi Rachel Chen ở tỉnh Tứ Xuyên, vẫn chưa tìm ra cách để xoay xở để trả món nợ gần 50.000 NDT (7.630 USD) mà cô vay trên mạng trước kia.

“Tôi từng vay tiền tại một nền tảng để ‘đắp’ vào trả nợ tại một nền tảng khác để tránh bị vỡ nợ. Còn hiện tại, tôi không thể vay như vậy được nữa. Tôi đã buộc phải nói với bố mẹ mình, nhưng họ sẽ chỉ giúp tôi trả một nửa số nợ, phần còn lại tôi sẽ phải tự lo”, Chen còn chia sẻ thêm rằng bản thân chỉ kiếm được 2.000 NDT mỗi tháng, nhưng số tiền cô cần trả lên tới 5.000 NDT.

Việc các nền tảng cho vay trực tuyến vốn từng rất phát triển tại Trung Quốc đột ngột bị chính quyền nước này đưa vào tầm hạn chế khiến cho nhiều sinh viên, thậm chí những người đã tốt nghiệp và có thu nhập ổn định cảm thấy áp lực vì những khoản nợ trong quá khứ.

Zhang Chunzi, 25 tuổi, nhân viên tại một công ty thương mại ở Hàng Châu, vẫn còn đang nợ hơn 150.000 NDT (khoảng 23.000 USD) từ hàng chục nền tảng cho vay trực tuyến khác nhau. Tuy nhiên, Zhang khốn khổ khi mất việc vì dịch Covid-19 vào tháng 2 năm ngoái và khi đi làm trở lại hồi tháng 6 cùng năm, cô cũng chỉ kiếm được 6.000 NDT/ tháng sau khi trừ thuế.

“Gần như ngày nào tôi cũng bị các chủ nợ nhắn tin và gọi điện đòi nợ. Thật đáng sợ”, Zhang chia sẻ. Hầu hết mọi nỗ lực nhằm thương lượng với chủ nợ để giảm lãi suất của cô đều bị từ chối, thậm chí các nhân viên thu nợ đã gọi điện đến công ty mới của cô để gây áp lực.

Vòng xoáy nợ nần

Giới trẻ Trung Quốc ngập trong nợ nần do dễ dàng tiếp cận các khoản vay khiến họ chi tiêu vô độ. Ảnh: SCMP.

Tuy vậy, Zhang cũng không phải người duy nhất rơi vào hoàn cảnh này. Theo nghiên cứu của công ty McKinsey & Co., thế hệ Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2010), lớn lên trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc bùng nổ và tăng trưởng vũ bão, đã được kỳ vọng sẽ có mức lương cao khi ra trường. Được so sánh xứng tầm, có khi hơn cả những thế hệ đồng trang lứa tại một số nước phát triển khác trên thế giới và những thế hệ đi trước, giới trẻ ở Trung Quốc trở nên lạc quan hơn nhưng cũng đầy bốc đồng và sẵn sàng tiêu sài hoang phí hơn.

Thế hệ Z được xem là mục tiêu của giới tiếp thị và được coi là động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa thế hệ kế tiếp.

Các khoản vay tín dụng dễ dàng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội tới các nền tảng thương mại điện tử đã giúp cho giới trẻ Trung Quốc “hoang tưởng” rằng họ có thể thu hẹp khoảng cách giữa phong cách sống mà họ mong muốn với khả năng chi trả thực tế của họ. Với cô sinh viên trẻ Chen, những khoản vay hầu hết được chi để làm đẹp, ví dụ như mua mỹ phẩm, tiêm botox hay quần áo hàng hiệu.

Do các nền tảng cho vay hoạt động tràn lan, không nằm trong tầm kiểm soát, nên giới chức Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thống kê chính sách số lượng nền tảng cho vay này. Ước tính có khoảng 7.000 ứng dụng, nền tảng cho vay ở Trung Quốc, cao gần gấp đôi số lượng ngân hàng truyền thống.

Đối với những người đang mắc nợ như Zhang và Chen, hiện vẫn chưa có con đường nào để thoát ra được. Mức lãi suất cao “cắt cổ” đồng nghĩa với việc họ phải trả liên tục nhưng không thể hết nợ. Họ cũng không thể tiếp cận với các nguồn cho vay chính thống như các ngân hàng khi họ chỉ được giải ngân nếu có điểm tín dụng cao và chứng minh được rằng có mức thu nhập tốt và ổn định.

Tuyên bố phá sản để hủy nợ cũng không phải một giải pháp hữu dụng bởi ở Trung Quốc chưa có quy trình chính thức.Vì vậy, những con nợ như Zhang và Chen sẽ phải tự tìm cách đối phó hoặc thương lượng với các chủ nợ, dù họ chưa biết sẽ giải quyết vấn đề như thế nào.

“Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại”, ông Shen Meng – giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson có trụ sở tại Bắc Kinh – nhận định.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc người trẻ Trung Quốc sẽ chuyển sang các kênh “tín dụng đen” để vay tiền trả nợ một cách bất hợp pháp và cuối cùng càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần hơn bao giờ hết. “Rất nhiều người sẽ gặp khó khăn khi muốn thoát khỏi mớ rắc rối từ việc đi vay trực tuyến này”, Meng nhấn mạnh.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-tre-trung-quoc-no-ngap-dau-vi-vay-tien-qua-app-lai-suat-cat-co-post127439.html