Giới trẻ và áp lực đồng trang lứa
Áp lực đồng trang lứa không còn là vấn đề mới nhưng cho đến nay câu chuyện này vẫn còn là 'nỗi ám ảnh' với nhiều người, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong những năm trở lại đây, cụm từ 'peer pressure' (áp lực đồng trang lứa) có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người.
Áp lực đồng trang lứa
Đây là một trong những vấn đề phổ biến ở giới trẻ hiện nay. Hiện nay, có không ít các bạn ở độ tuổi thanh thiếu cảm thấy áp lực khi so sánh với các bạn đồng trang lứa. Từ môi trường học đường đến công sở, từ chính trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ cuộc sống thực đến không gian ảo, “áp lực đồng trang lứa” đang thực sự trở thành một nỗi ám ảnh tâm lý nặng nề đối với người trẻ hiện đại.
Áp lực, buồn bã và hoài nghi về bản thân chính là những cảm xúc của bạn Ngân Hà khi thấy bạn bè xung quanh khoe đạt được những thành công. Hàng ngày, mỗi khi mở điện thoại lên, bạn Ngân Hà lại thấy “áp lực đồng trang lứa” gõ cửa khi người bạn bằng tuổi khoe tài khoản nhiều số, tậu xe sang, nhà đẹp.
Bạn Ngân Hà chia sẻ: "Khi mình học trường đại học, lúc ngây ngô lơ thơ đi theo các bạn tới trường rất vui vẻ thôi. Nhưng trong khi đó các bạn trong lớp khác đã đi làm rồi, đăng lên trên mạng xã hội để đánh dấu các kỷ niệm về cột mốc thành công trên mạng xã hội thôi. Nhưng lúc đấy mình có cảm giác trong bản thân mình là không biết do mình đang bị tụt hậu so với các bạn hay do mình chưa cố gắng mà chưa đạt được những cột mốc như các bạn. Lúc đó năm 2 mình mới đi làm thêm, lương lúc đó khoảng 1-2 triệu thôi. Làm part time, sáng đi học chiều đi làm đến tối. Trong khi đó thì các bạn đã được đi cộng tác, làm công việc như MC, bên TikTok.. lương có khi đã gấp 4, 5 lần mình rồi. Lúc đấy cảm giác hụt hẫng trong lòng, suy nghĩ xem bản thân có bị áp lực đồng trang lứa với các bạn không. Khi các bạn thành công rồi mà mình chưa có một cột mốc gì cho bản thân cả."
Sau khi ra trường, Ngân Hà vẫn phải tiếp tục đối mặt với những áp lực khác. Một trong số đó là việc bị hỏi về thu nhập tiền lương từ người thân trong dịp Tết.
"Đến bây giờ ra trường thì có áp lực khác là “Lương bây giờ được bao nhiêu, giờ đi làm bao tiền một tháng. Trên Hà Nội chắc lương phải vài chục triệu 1 tháng mới đủ sống đúng không. Nếu lương như vậy thì chắc phải dư dả lắm, ổn thỏa lắm nhỉ”. Họ phải đặt vào tình thế của mình thì mới biết mức lương như thế nào mới đủ. Vấn đề đó không quá ảnh hưởng đến mọi người đâu nhưng bị hỏi nhiều quá cũng khiến tinh thần bị giảm xuống nhiều. Mình cũng cố gắng không để trong đầu quá lâu".
Không chỉ Ngân Hà, anh Phan Đức Hiếu, 26 tuổi, là du học sinh Phần Lan, dù có Ielts 7.0 và thu nhập ở mức khá nhưng anh vẫn chạnh lòng vì phải đối mặt với áp lực khi “con nhà người ta” đã tậu nhà, có khoản tiết kiệm đáng nể hay mua được những món đồ xa xỉ. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là tới Tết Nguyên đán, các khoản tiền chi tiêu như lì xì, quà biếu cho gia đình, người thân cũng là một trong những vấn đề khiến anh Hiếu lo lắng.
"Năm hết tết đến các gia đình cần khoản tiền chi tiêu đặc biệt hơn so với ngày thường để mua bánh chưng, bánh tét, phong bao lì xì, giỏ quà tết hay tiền mừng tuổi cho cháu, các thành viên trong gia đình. Mình cảm thấy khá áp lực khi phải chuẩn bị cho các khoản tiền này. Vì nó phải cao hơn so với các khoản mình chi tiêu hàng tháng. Đôi khi mình nghĩ tới còn cảm thấy hơi sợ Tết. Từ hồi xưa đi học đã có khái niệm “con nhà người ta” khi mọi người so sánh. Bố mẹ mình cũng như vậy. Khi bắt đầu trưởng thành lớn lên thì so sánh đó được đối chiếu trên tiêu chí khác như thu nhập, công việc, thành quả họ đạt được trong cuộc sống." Đức Hiếu chia sẻ.
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Áp lực đồng trang lứa có thể ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng tập trung phần lớn ở các bạn trẻ từ 20-25 tuổi. Đây là độ tuổi khao khát thành công trong công việc, các mối quan hệ, luôn tự so sánh mình hoặc bị gia đình, xã hội so sánh với những hình mẫu thành công của những người xung quanh.
Ngoài so sánh mình với người khác thì có vài dấu hiệu dễ nhận ra của một người đang bị áp lực đồng trang lứa như hay nói về người khác, kể chi tiết về những điều người ta có mà bản thân cũng đang khao khát có như có nhà, có xe, có địa vị, trở nên nổi tiếng, hay tạo một vẻ ngoài hào nhoáng khiến cho mình giống như một người thành công.
Biểu hiện khác lại hoàn toàn ngược lại, có những người họ thu mình lại, tự ti, gần như không dám nói về bản thân như lương bao nhiêu, làm ở đâu, trạng thái tình cảm thế nào, tài chính ra sao?
Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) là sự tác động, ảnh hưởng từ những người cùng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội được cho là thành công hơn, hạnh phúc hơn đối với một cá nhân.
Nguyên nhân dẫn tới áp lực đồng trang lứa thứ nhất là do ảnh hưởng từ định kiến của xã hội. Trong xã hội những định kiến về sự thành công, vị thứ và năng lực rất quan trọng và diễn ra ở nhiều khía cạnh. Trong suy nghĩ ở mỗi người, sự so sánh giữa các cá thể với nhau dường như là không thể tránh khỏi, do đó mà dần dần làm hình thành nên áp lực cho người bị so sánh.
Thứ hai là do ảnh hưởng từ lối sống tập thể. Theo những nghiên cứu gần đầy, những người phương Đông thường có tư tưởng đề cao thứ hạng, năng lực trong một tập thể. Con người thường dễ bị ảnh hưởng và hành động, suy nghĩ theo số đông, họ luôn muốn mình phải thành công như những người khác.
Thứ ba là ảnh hưởng từ mạng xã hội. Hiện nay có không ít các bài báo chia sẻ về sự thành công của người khác, hoặc các bài đăng của bạn bè xung quanh về cuộc sống cùng những thành tựu mà họ đạt được. Điều này sẽ vô tình tạo áp lực và khiến bản thân người khác cảm thấy kém cỏi, không giỏi như người ta.
Thứ từ là ở tư tưởng và nhận thức chưa phù hợp. Những người có tính nhạy cảm, thích so sánh bản thân với người khác thường có xu hướng dễ bị áp lực đồng trang lứa hơn những người khác. Do đó mà khi cảm thấy người khác thành công, họ sẽ nảy sinh áp lực, cảm thấy ghen tị hay tủi thân.
Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa:
- Luôn cảm thấy mình thua kém bạn bè xung quanh.
- Thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, tinh thần uể oải về việc phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
- Hay xuất hiện cảm giác lo lắng, bồn chồn không rõ nguyên nhân.
- Suy nghĩ quá nhiều làm rối loạn giấc ngủ.
- Luôn có cảm giác tiêu cực, dễ dàng cáu gắt với mọi người xung quanh khi nhắc đến các vấn đề học tập, công việc hay tương lai.
- Ít gặp gỡ những người xung quanh vì sợ bản thân kém cỏi.
- Luôn so sánh bản thân với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người giỏi hơn mình.
Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa
Chính câu nói quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam “con nhà người ta” đã khiến cho nhiều bạn trẻ có suy nghĩ mình thua kém cũng như tự ti hơn so với các bạn đồng trang lứa. Những người làm cha làm mẹ khi nói câu đó chỉ với mong muốn rằng con mình sẽ nỗ lực và tiếp tục cố gắng không ngừng. Nhưng đôi khi cách diễn đạt lại khiến cho con mình hiểu nhầm và nghĩ rằng đó là áp lực.
Người lớn hay trẻ nhỏ, già hay trẻ chúng ta đều có những áp lực của riêng mình, vậy nên có lẽ chúng ta đừng nên so sánh một cá nhân này với một cá nhân khác. Bởi lẽ vài lần hiểu lầm có thể sẽ đẩy khoảng cách giữa bố mẹ và con cái lại càng xa cách hơn.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/gioi-tre-va-ap-luc-dong-trang-lua-215518.htm