Giới trẻ và cơ hội phát triển từ du lịch địa phương (Bài 3): Bước tạo đà

Từ những cá nhân dám nghĩ, dám làm đến những người trẻ sáng tạo nội dung số để quảng bá du lịch, các bạn trẻ đã và đang phát triển cùng du lịch địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch Thanh Hóa phát triển mạnh, mở ra cơ hội việc làm, những chính sách đào tạo, kết nối, hỗ trợ đang trở thành bàn đạp để thế hệ trẻ phát triển bền vững, ngay chính nơi mình sinh ra.

Một buổi tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thành công cho sinh viên tại Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Một buổi tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thành công cho sinh viên tại Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Cơ hội rộng mở

Không phải đến hôm nay Thanh Hóa mới được nhắc đến như một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Từ biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... đến núi rừng Pù Luông, Bến En hay hệ thống di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, Thanh Hóa có đầy đủ các yếu tố để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và từng bước trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, cứ mỗi dịp nghỉ lễ, Thanh Hóa luôn có mặt trong top 3 địa phương thu hút lượng khách du lịch cao nhất cả nước.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch không chỉ góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế liên quan, mà còn mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm và khởi nghiệp cho giới trẻ, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm và vùng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Theo anh Lê Sỹ Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Thanh Hóa: “Du lịch Thanh Hóa đang có nhiều tiềm năng để phát triển, đi cùng là cơ hội việc làm và khởi nghiệp cho giới trẻ. Trong đó, nghề hướng dẫn viên du lịch là lĩnh vực phát triển nhanh, cần nhiều nhân lực trong thời gian tới, bởi các khu, điểm du lịch đang tiếp tục mở rộng, trong khi nhu cầu trải nghiệm và mức sống của người dân ngày càng tăng. Việc người trẻ tham gia phát triển du lịch địa phương mang lại nhiều lợi thế bởi, họ là những người có tình yêu, trách nhiệm với quê hương, họ hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng du lịch cũng như bản sắc văn hóa dân tộc mình, đặc biệt họ có khả năng kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc”.

Thực tế, giới trẻ Thanh Hóa đã và đang trở thành lực lượng nòng cốt trong đổi mới ngành du lịch địa phương. Họ là người khởi xướng các mô hình trải nghiệm sáng tạo như camping, glamping, homestay, tổ chức giải chạy địa hình, các tour du lịch cộng đồng tại đồi Hích, làng du lịch Yên Trung, Pù Luông, hay bãi biển Nghi Sơn. Đồng thời, họ đã và đang trở thành “đại sứ du lịch” bằng việc tận dụng tối đa lợi thế từ nền tảng số để đăng tải video, ảnh, bài giới thiệu... góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch xứ Thanh tới cộng đồng rộng lớn.

Đánh giá ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Long Hải, cho rằng: “Giới trẻ không chỉ là đối tượng thụ hưởng từ ngành du lịch, mà họ đang trở thành lực lượng tạo động lực tăng trưởng mới. Thanh Hóa cần có chiến lược dài hơi để hỗ trợ các bạn trẻ tiếp cận nghề một cách bài bản, từ đào tạo, định hướng, đến kết nối doanh nghiệp. Không chỉ riêng nghề hướng dẫn viên, mà các lĩnh vực như thiết kế tour, vận hành sản phẩm, truyền thông số, quản trị du lịch... đều đang thiếu những nhân lực trẻ có trình độ và đam mê. Đó là khoảng trống “vàng” mà nếu được lấp đầy, sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành du lịch tỉnh nhà”.

“Đào tạo thực chiến”

Trong bối cảnh ngành du lịch Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ thì nhu cầu nhân lực chất lượng cao cũng trở thành đòi hỏi cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa đã và đang triển khai đào tạo nguồn nhân lực theo hướng “đào tạo thực chiến”, bám sát thị trường lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu công việc của đơn vị, doanh nghiệp.

Anh Lê Sỹ Tâm (giữa) thuyết minh điểm đến cho du khách.

Anh Lê Sỹ Tâm (giữa) thuyết minh điểm đến cho du khách.

Hiện nhà trường đào tạo 3 chuyên ngành thuộc lĩnh vực du lịch, gồm: Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn. Đây đều là những ngành nghề mang tính đặc thù, gắn liền với dịch vụ và trải nghiệm thực tiễn, bởi vậy việc thực hành chiếm trên 50% nội dung chương trình học. Theo đó, ngay từ năm thứ hai, sinh viên đã được đưa đi thực tập tại các doanh nghiệp, khu du lịch, khách sạn có uy tín trong tỉnh, những đơn vị mà nhà trường đã thiết lập quan hệ liên kết bền vững.

Điểm nổi bật trong mô hình đào tạo này là sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng đường và doanh nghiệp. Trong suốt quá trình thực hành, sinh viên vừa học vừa làm, được cơ sở đánh giá năng lực qua hiệu quả công việc thực tế. Hiện tại, nhà trường đã liên kết đào tạo với khoảng 20 doanh nghiệp, đơn vị du lịch trong tỉnh. Đây không chỉ là nơi truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn là nguồn tạo việc làm bền vững cho sinh viên sau tốt nghiệp. Nhiều cựu sinh viên từ chính mái trường này hiện đã trở thành giám đốc, quản lý các công ty du lịch, tiếp tục giữ mối liên hệ hợp tác, quay trở lại hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng thế hệ kế tiếp.

Để tăng tính thực tiễn và bám sát xu hướng thị trường, nhà trường thường xuyên mời chuyên gia trong ngành về tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp; tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến từ các doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo mới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng mối liên kết giữa đào tạo trong nhà trường và thực tiễn doanh nghiệp. Sinh viên không chỉ được học từ sách vở mà còn trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, được doanh nghiệp đánh giá và tiếp cận cơ hội việc làm ngay từ khi còn học. Tỷ lệ sinh viên ngành du lịch có việc làm sau tốt nghiệp hiện đạt trên 90%, nhiều em còn khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này”.

Du lịch Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mở ra không chỉ cơ hội việc làm, mà còn là không gian rộng mở để người trẻ sáng tạo, khẳng định bản thân và tạo dựng giá trị mới. Từ hành trình dấn thân khởi nghiệp, đến những ý tưởng truyền thông số hay hoạt động học tập, đào tạo thực tế, giới trẻ Thanh Hóa đang thực sự trở thành một phần quan trọng của dòng chảy phát triển du lịch quê hương. Họ không chỉ là thế hệ tiếp nối, mà còn là những người dẫn đường, mang đến sức sống, tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển bền vững cho ngành du lịch địa phương trong hiện tại và tương lai.

Bài và ảnh: Phan Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gioi-tre-va-co-hoi-phat-trien-tu-du-lich-dia-phuong-bai-3-nbsp-buoc-tao-da-nbsp-38005.htm