Xem xét GDP dưới góc độ sử dụng

Nhiều khi GDP được nhận diện dưới góc độ sản xuất (lao động, ngành, địa bàn sản xuất...) mà chưa được quan tâm nhiều đến góc độ sử dụng (tổng cầu trong nước, xuất khẩu gắn với xuất siêu), thậm chí có thời kỳ có ý kiến còn coi nhẹ 'lối ra' xuất khẩu gắn với xuất siêu hàng hóa, dịch vụ...

Tổng cầu ở trong nước bao gồm tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng. Tốc độ tăng GDP (sản xuất), tốc độ tăng tích lũy tài sản, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng (tính theo giá so sánh) qua một số năm gần đây như sau (Hình 1).

TỔNG CẦU Ở TRONG NƯỚC

Tích lũy tài sản thể hiện kết quả tích cực là tốc độ tăng và tỷ trọng của tích lũy tài sản cố định cao hơn của thay đổi tồn kho, nhằm tập trung cho thiết bị, kỹ thuật-công nghệ. Có hai điểm đáng chú ý:

Một, tốc độ tăng của chỉ tiêu GDP, ngay cả khi đại dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020 và bùng phát năm 2021, chỉ thấp hơn năm 2022 và năm 2023. Điều đó chứng tỏ tích lũy là tiền đề của đầu tư và đầu tư là yếu tố vật chất quyết định tốc tăng trưởng GDP.

Hai, tỷ trọng đầu tư phát triển toàn xã hội trong GDP (theo giá thực tế) đều ở mức trên dưới 32% qua các năm gần đây. Tỷ lệ này của Việt Nam đứng thứ hạng cao so với tỷ lệ năm 2021 của các nước và vùng lãnh thổ: thứ 1/9 Đông Nam Á; thứ 4/30 châu Á; thứ 10/105 thế giới.

Tỷ trọng tích lũy trong GDP của Việt Nam chỉ thấp thua của Mozambique (49,8%), Tanzania (43,2%), Trung Quốc (42,8%), Uzbekistan (40,6%), Algeria (37,3%), Mông Cổ (36,7%), Nepal (35,8%), Senegal (35,5%), Nigeria (33,8%). Đó cũng là ưu thế và là sự cần thiết của Việt Nam, do Việt Nam là nước đang phát triển, cần ưu tiên cho tăng trưởng để khắc phục nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”...

Về tích lũy tài sản, tùy tỷ trọng tích lũy tài sản trong GDP của Việt Nam cao, nhưng trong đó có một phần bị “chôn” vào tiền ảo, vàng, bất động sản..., chưa được tập trung cho trực tiếp sản xuất kinh doanh. “Đầu tư” và “đầu cơ” đan xen làm phân tán nguồn lực, không tập trung vào mục tiêu chính; tính “phong trào”, “đám đông” của đầu cơ rất mạnh.

Về tiêu dùng cuối cùng, tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng trong GDP (tính theo giá thực tế) có xu hướng giảm. Nếu như năm 2019 và 2020 đều ở mức 66,45% thì đã giảm dần trong các năm sau: 2021 là 65,1%; 2022 là 63,5%; 2023 là 63,16%; và 2024 ước đạt 63,1%.

Trong điều kiện cần tăng cường tích lũy, đầu tư, thì việc tiết kiệm tiêu dùng cuối cùng, ưu tiên mục tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết, lâu dài và đúng đắn. Tỷ lệ tiêu dùng của Việt Nam vượt xa so với của Trung Quốc (chỉ trên dưới 55%) và nhiều nước khác.

Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng trong GDP (theo giá thực tế) của Việt Nam đứng thứ hạng thấp trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh: thứ 6/10 trong khu vực; thứ 22/35 ở châu Á; thứ 90/110 trên thế giới.

Trong tổng tiêu dùng cuối cùng (tính theo giá thực tế), tỷ trọng tiêu dùng của Nhà nước đều ở mức dưới 10% GDP và có xu hướng giảm. Có 2 vấn đề đáng quan tâm:

Một là, tổng tiêu dùng của khu vực Nhà nước vẫn thuộc mức cao, chủ yếu do bộ máy còn cồng kềnh, khi đất nước mấy chục năm nay đã chuyển sang cơ chế thị trường, Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào những việc mà thị trường có thể làm tốt hơn, trong khi những công việc chính của Nhà nước (pháp chế, kiểm tra, giám sát...) lại làm chưa thật tốt. Hiện đang thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cấp xã, huyện tỉnh, cấp bộ ngành và các đơn vị các cấp.

Hai là, thu nhập bình quân đầu người của công chức, viên chức Nhà nước còn thấp, không chỉ gây khó khăn cho mức sống của bộ phận này, mà còn là một trong yếu tố làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt.

Về tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, như tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân tăng, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công, thu phí nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản khá cao (chiếm 79,1%, trong đó thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,2%, thu phí nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,9%); thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 10,1%, thu khác chiếm 10,08%, cộng 20,9%. Tuy nhiên, tỷ trọng trong GDP có xu hướng giảm; phần tích lũy của dân cư ở mức thấp, khi chênh lệnh giữa thu nhập bình quân một người một tháng và chi tiêu còn rất nhỏ, tăng chậm.

Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người 1 tháng năm 2022 giữa nhóm thu nhập cao nhất so với thu nhập thấp nhất ở mức 7,6 lần, tuy đã thấp hơn một số năm trước nhưng vẫn còn là mức lớn, ở một số vùng, thành thị còn có mức chênh lệch cao hơn.

Ở khu vực nông thôn và ở một số vùng như Trung Du, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên,… chênh lệch trên còn thấp hơn nữa.

Tính chung, tổng cầu trong nước/GDP từ mấy năm nay đã thấp hơn tổng cung trong nước và có xu hướng giảm xuống (Hình 2).

Theo đó, tổng cầu trong nước mấy năm nay vẫn còn yếu hơn tổng cung trong nước. Điều này càng đòi hỏi phải nâng cao hơn vai trò của xuất siêu hàng hóa, dịch vụ (gắn với xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ).

XUẤT SIÊU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ

Mức xuất siêu hàng hóa, dịch vụ thực chất là tổng cầu ở nước ngoài. Mức xuất siêu này được tính bằng VND theo giá thực tế trong mấy năm gần đây như sau (Hình 3):

Mức xuất siêu hàng hóa, dịch vụ đạt được trong điều kiện tổng cầu trong nước còn yếu một mặt là cần thiết, phù hợp và còn góp phần quan trọng vào tăng trưởng tổng cung (sản xuất) trong nước.

Mức xuất siêu hàng hóa, dịch vụ chịu tác động ở hai khoản: xuất siêu hàng hóa và nhập siêu dịch vụ.

Xuất siêu hàng hóa tính bằng USD qua một số năm gần đây thể hiện ở (Hình 4).

Năm 2024, Việt Nam đã đạt xuất siêu hàng hóa năm thứ 9 liên tiếp, trong đó có 5 năm đạt trên 10 tỷ USD, đặc biệt có 2 năm đạt trên 20 tỷ USD. Khả năng năm 2025 sẽ là năm thứ 10 liên tiếp xuất siêu hàng hóa, tuy mức xuất siêu có thể thấp hơn 2 năm trước.

Hàng hóa xuất siêu do xuất khẩu hàng hóa đạt được nhiều vượt trội, cả về tổng quy mô, tốc độ tăng, tỷ lệ so với GDP, mặt hàng chủ yếu, địa bàn xuất khẩu, thị trường xuất khẩu... với sự đóng góp quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự nâng cấp quan hệ đối tác (toàn diện, chiến lược, chiến lược toàn diện)...

Nhập siêu dịch vụ đã có sự chuyển biến tích cực ban đầu. Quy mô nhập siêu dịch vụ đã có xu hướng giảm trong mấy năm gần đây, tuy năm 2024 tăng lên, nhưng vẫn có mức thấp hơn trong 3 năm (2020-2022) (Hình 5). Dịch vụ bưu chính viễn thông chuyển từ nhập siêu trước đây sang xuất siêu từ 2022...

Tuy nhiên, toàn bộ ngành dịch vụ vẫn bị nhập siêu lớn. Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ còn thấp. Tỷ trọng trong GDP nhóm ngành dịch vụ của xuất khẩu dịch vụ thấp khá xa so với của nhập khẩu dịch vụ (năm 2023 là 11,1% so với 15,9%, năm 2024 là 11,8% so với 17,9 %). Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu của dịch vụ còn khá cao (năm 2021 lên đến 298,9%, tuy năm 2022 giảm còn 96,8%, năm 2023 còn 43,6%), nhưng năm 2024 tăng (51,7%) và là tỷ lệ lớn.

Mức nhập siêu dịch vụ vận tải ở mức lớn, lớn nhất trong các ngành dịch vụ (năm 2020 là 5.495 triệu USD, năm 2021 là 8.141 triệu USD, năm 2022 là 7.376 triệu USD, năm 2023 là 6.390 triệu USD, năm 2024 là 8.080 triệu USD). Năm 2024 một số ngành dịch vụ vẫn còn nhập siêu, như dịch vụ tài chính (-98 triệu USD), dịch vụ bảo hiểm (-920 triệu USD), dịch vụ khác (-2.934 triệu USD); đặc biệt dịch vụ du lịch cũng bị nhập siêu (-380 triệu USD), mặc dù khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao.

Dịch vụ nhập siêu chủ yếu một phần do nhóm ngành dịch vụ mở cửa sau ngành sản xuất vật chất, mới được một vài thập kỷ. Nhưng có nguyên nhân quan trọng nữa là do nhiều ngành dịch vụ trong nước còn yếu, nhất là dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ khác có mức nhập siêu lớn.

DỰ BÁO NĂM 2025

Về tổng cung ở trong nước, năm 2025, GDP theo giá so sánh dự kiến tăng 8%; nếu tính cả chỉ số giảm phát GDP (ước khoảng 4,2%, cao hơn mức 4,12% của năm 2024), thì GDP giá thực tế năm 2025 sẽ đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024.

Nếu tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP đạt khoảng 32%, cao hơn một chút so với tỷ lệ tương ứng 31,7% của năm 2024, thì quy mô tích lũy tài sản năm 2025 sẽ đạt 4,13 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/tích lũy tài sản khoảng 96% (cao hơn một chút so với tỷ lệ tương ứng 95,5% của năm 2024), thì tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2025 sẽ đạt 4 triệu tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2024; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt khoảng 32,2%, cao hơn so với tỷ lệ tương ứng 32,07% của năm 2024.

Nếu tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP đạt khoảng 62,5%, thấp hơn một chút so với tỷ lệ tương ứng 63% của năm 2024, thì tiêu dùng cuối cùng năm 2025 sẽ tăng 6% so với năm 2024.

Tính chung, tổng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng (tổng cầu trong nước) năm 2025 sẽ đạt 12,1 triệu tỷ đồng, bằng 94% tổng GDP, thấp hơn tỷ lệ tương ứng 95,5% của năm 2024.

Dự báo năm 2025, do tỷ lệ tổng tiêu dùng trong nước (bao gồm tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng)/GDP thấp hơn năm trước, nên mức xuất siêu hàng hóa và dịch vụ sẽ cao hơn năm trước.

Xuất siêu hàng hóa năm 2025 sẽ tiếp tục (năm thứ 10 liên tiếp), ước đạt khoảng 25 tỷ USD, cao hơn mức 24,768 tỷ USD của năm 2024, chủ yếu do tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa thấp hơn năm trước (14% so với 14,3% và quy mô đạt khoảng 462,3 tỷ USD so với 405,5 tỷ USD).

Nhập siêu dịch vụ năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 (12,3 tỷ USD), dự báo sẽ vượt qua mốc 13 tỷ USD.

Do xuất siêu hàng hóa, dịch vụ năm 2025 được dự báo có thể thấp hơn năm 2024 nên tác động không lớn (như năm 2024) đến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 khi xét dưới góc độ sử dụng GDP. Do vậy, để đạt được tăng trưởng GDP theo mục tiêu, cần tiếp tục kích tổng cầu trong nước-tức là tăng tích lũy tài sản, chủ

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2024-2025: Việt Nam & Thế giới phát hành vào tháng 02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1262

Minh Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xem-xet-gdp-duoi-goc-do-su-dung.htm