Giòn tan câu chuyện từ bánh Tráng

'Chiếc bánh tráng tròn quay quay/ em bày ra ngoài nắng/ có ông mặt trời tròn tròn/ cho ánh vàng trước sân'... Giai điệu rộn ràng của ca khúc 'Chiếc bánh tráng tròn quay' (Huỳnh Ngọc Hải) gợi nỗi nhớ về hương vị thơm thơm của chiếc bánh tráng, kết tinh bao công sức của người dân xứ Quảng. Thật vậy, ngày Tết cổ truyền, bên cạnh đòn bánh tét ổ bánh tổ, đĩa dưa kiệu, còn có cái bánh tráng mang hình ông mặt trời làm cho mâm cỗ cúng ông bà trong lễ tất niên thêm phần xôm tụ.

Giữ lửa làng nghề.

Giữ lửa làng nghề.

Chiếc bánh tráng tròn quay được làm từ hạt gạo trắng trong, sản vật đồng quê thân thuộc kết đúc bao ngày dầm sương dãi nắng của người nông dân. Bằng đôi bàn tay cần mẫn và sự sáng tạo trong chế biến món ăn, người dân quê đã cho ra đời những chiếc bánh tròn xoay, mỏng dẻo trắng trong như lòng biết ơn dâng lên ông bà tổ tiên sau mùa thu hoạch. Bắt đầu từ hạt gạo được ngâm mềm xay thành bột, khúc củi nhóm lò nấu nước thật sôi và lợi dụng hơi nóng của nước để làm cho bánh chín; rồi trải từng chiếc ra mành, đem phơi ngoài nắng… Trong các công đoạn đó, người làm nghề đều chịu cảnh “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, nhưng đổi lại họ nhận được thành quả là những chiếc bánh trắng trong đẹp tươi màu nắng. Để có chiếc bánh tròn mỏng, người tráng phải chỉn chu từ khâu chọn gạo lúa mới đem ngâm rồi xay mịn, pha bột đúng lượng, đun nước sôi và nhanh tay xoay vá bột trên cung vải cho đều, canh thời gian bánh vừa chín vớt ra và trải nhanh trên mành một cách nhẹ nhàng khéo léo để bánh không bị nát hoặc dồn cục.

Nghề làm bánh tráng phổ biến ở vùng đất Đại Lộc, Quảng Nam; làng nghề tráng bánh truyền thống ở nơi đây đã đem lại thu nhập cho người dân nông thôn. Không chỉ vậy, đâu đâu trên các vùng quê xứ Quảng cũng đều có những hộ gia đình sinh sống bằng nghề này. Tuy vất vả nhưng người làm nghề cải thiện thu nhập đáng kể vì mỗi nhà lò bên cạnh việc tráng bánh nướng còn kết hợp làm bánh tráng lề hay tráng mì lá, bánh cuốn bán tại chỗ phục vụ điểm tâm sáng, làm mì xắt bán cho các tiệm mì Quảng… Ngày nắng, đi qua những lò mì là biết ngay bởi những mành bánh tráng xếp hàng ngay ngắn trước sân. Chiếc bánh tráng phơi được nắng khi nướng sẽ dậy lên mùi thơm của gạo, của mè, của hành, kích thích nỗi thèm thuồng được bẻ một miếng, nhai giòn tan trong miệng. Bữa giỗ chạp, trên bàn cúng ông bà không thể thiếu cái bánh tráng, ly rượu gạo trắng, tô mì Quảng tôm thịt... Tàn một kỳ nhang, bàn tròn được dọn ra, bà con dòng họ, xóm giềng quây quần, tiếng bẻ bánh tráng nghe giòn tan mở đầu cho mọi câu chuyện...

Bánh tráng Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể.

Bánh tráng Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể.

Tôi nhớ lắm tủ hàng xén của mẹ mấy chục năm về trước, không thể thiếu mấy xấp bánh tráng chưa nướng, bọc bánh lề được ủ trong lá chuối cho dịu. Những ngày 29, 30 tháng Chạp, khách trong xóm đến mua bánh tráng về cúng và để dành ăn Tết khá đông, nướng không kịp bán. Lát bánh tét, miếng bánh tổ trong buổi sum họp sẽ giảm hẳn vị bùi thơm nếu thiếu miếng bánh tráng kẹp ở ngoài. Và cho đến mãi bây giờ, tôi vẫn nhớ như in trong không khí se lạnh khi ngoài trời mưa bụi bay bay cái cảm giác ấm nồng bên nồi than đỏ, tay trở nhanh chiếc bánh tròn cho vàng đều, khứu giác hứng trọn mùi thơm gần gũi của gạo, của mè. Nướng bánh tráng cũng phải thật khéo, nếu không bánh chưa chín mà đã cháy đen thui, lại cong vểnh lên thì vừa xấu, vừa dễ bể. Khi nướng, phải một tay cầm bánh, tay kia, cầm đũa bếp, vừa lật vừa dùng đũa ép xuống thì bánh mới chín và thẳng đều. Nướng xong để nguội mới xếp vào bao ni-lông cột kín bảo quản để dùng được lâu. Bữa ăn ngày Tết quê tôi còn không thể thiếu món bánh tráng cuốn thịt heo đậm đà hương vị. Miếng bánh gạo dẻo được cuốn gọn gàng thành từng lọn trông thật đẹp mắt, nhìn kỹ bạn sẽ thấy có màu xanh của rau sống (cải con, xà lách, rau thơm), màu vàng nhẹ của lát thịt heo dầm mắm, màu trắng của lớp áo mỏng. Ngoài ra, xấp bánh tráng lề để dịu, gói ram tôm thịt, chiên cho vàng đều, cuốn với cải xanh, chấm muối ớt; hay bánh tráng sắn cuốn với cá nục kho và đôi cọng rau muống gợi bao yêu thích về ẩm thực đồng quê. Khi thưởng thức, khứu giác và vị giác của bạn sẽ căng ra để đón nhận mọi hương vị thơm ngon, gần gũi của đặc sản đồng đất Quảng Nam.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc, người làm nghề bánh tráng đỡ vất vả hơn, không còn cảnh xay bột bằng tay tốn sức. Nhiều nơi đã trang bị máy tráng bánh khổ vuông, máy sấy, lò nướng chân không... Bánh tráng cũng đa dạng hơn về chất liệu lẫn hình dáng, mẫu mã; bên cạnh bánh tráng gạo, sắn còn có bánh tráng đường, khoai, dừa, xoài, sữa... Song với những người con sinh ra và lớn lên ở thôn quê như lớp chúng tôi, chiếc bánh tráng thủ công, phơi được nắng, nướng trên nồi than hoa giòn tan thơm lựng vẫn luôn là niềm hoài nhớ rưng rưng về hương mùi Tết nhứt của một thời đã xa. Và dù có đến phương trời nào, hương mùi ấy mãi mãi theo chân người ra đi, “đi xa nhớ bánh tráng mè/ mùi quê phảng phất dặm hòe hương đưa”...

NGUYỄN THỊ THU THỦY

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/gion-tan-cau-chuyen-tu-banh-trang-post307871.html