Giống lúa Nếp hạt cau sau khi được phục tráng cho năng suất, chất lượng vượt trội

Ngày 10/11, tại HTX Quỳnh Lưu (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) Chi cục Trồng trọt & BVTV tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình trình diễn giống lúa Nếp hạt cau vụ mùa 2021 thuộc Đề tài khoa học 'Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa 'Nếp hạt cau' cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình'.

Các đại biểu thăm quan, đánh giá kết quả mô hình trình diễn giống lúa Nếp hạt cau vụ mùa 2021 tại HTX Quỳnh Lưu, Nho Quan.

Các đại biểu thăm quan, đánh giá kết quả mô hình trình diễn giống lúa Nếp hạt cau vụ mùa 2021 tại HTX Quỳnh Lưu, Nho Quan.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND huyện Nho Quan, một số HTX trên địa bàn huyện Nho Quan, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang và các hộ dân tham gia mô hình.

Nếp hạt cau là giống lúa cổ truyền của Ninh Bình, được gieo cấy từ lâu ở các địa phương như Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn. Đây là giống lúa ngon nhưng xưa nay, hạt giống lại chủ yếu do người dân tự chọn lọc nên đã bị thoái hóa, xuất hiện nhiều tính trạng khác biệt như màu sắc, kích cỡ hạt không đồng nhất, nhiễm một số đối tượng sâu bệnh…

Do vậy, năm 2017, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã được giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài khoa học "Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa "Nếp hạt cau" cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình".

Sau nhiều năm khảo sát, thu thập vật liệu giống, nhân dòng, chọn dòng… năm 2019, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã có được một lô giống siêu nguyên chủng và năm 2020 tiến hành nhân giống nguyên chủng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật giống. Năm 2021, từ nguồn giống nguyên chủng, Chi cục tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn giống lúa Nếp hạt cau tại xã Quỳnh Lưu với quy mô diện tích là 5 ha.

Tại hội thảo, sau khi thăm mô hình trình diễn, các đại biểu đều đánh giá, lúa ở ruộng mô hình có độ đồng đều cao, còn lại các chỉ tiêu như góc lá đòng, màu sắc lá đòng, độ thoát cổ bông, độ cứng cây là như nhau. Tuy nhiên, riêng chỉ tiêu về các yếu tố cấu thành năng suất có sự khác biệt khá rõ.

Cụ thể: số bông/m2 ở ruộng mô hình là 207 bông, còn ở ruộng đối chứng chỉ có 180 bông; tỷ lệ hạt lép ở ruộng mô hình là 9, ruộng đối chứng là 11,9. Cuối cùng, năng suất thống kê của ruộng mô hình là 171,4 kg/sào còn ruộng đối chứng là 149,9 kg/sào.

Với độ thuần cao, chất lượng tốt, toàn bộ 5 ha lúa nếp cau tại mô hình đã được Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang thu mua tươi tại ruộng với giá 9 nghìn đồng/1 kg. Hạch toán kinh tế, bà con thu lãi khoảng 1 triệu đồng/sào.

Việc thực hiện đề tài "Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa Nếp hạt cau cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình" đã thu được kết quả tích cực, góp phần bảo tồn, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương, từ đó phát huy lợi thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa đặc sản của Ninh Bình.

Các đại biểu tham quan mô hình, đặc biệt là các hộ dân tham gia sản xuất đề nghị cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng sản xuất ở các vụ tiếp theo, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Hà Phương - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giong-lua-nep-cau-sau-khi-duoc-phuc-trang-cho-nang-suat-chat/d20211110144712510.htm