Giọt nước làng tôi

Tôi dời nhà về phía ngoại ô, chỉ cách vài phút đi bộ là đến cánh đồng, chỗ tiếp giáp giữa đường và ruộng là những bụi tre già, cây bạch đàn vài chục tuổi cành lá sum suê và dưới nó là giọt nước róc rách chảy.

Lạ kỳ, ở ngoài kia, nhiều nơi người ta than nắng hạn quá, nước hết, cây héo rũ, nhưng phía mạch nguồn của giọt nước chưa thấy nó cạn bao giờ. Chiều về, người làng xách ô doa ra múc nước đọng lại ở mương, từ phía giọt chảy ra người ta be bờ, tạo thành rãnh nước sâu nhưng hẹp. Trên những thửa ruộng cao gần giọt nước, thay vì trồng lúa, người làng làm tơi đất trồng những vạt rau nhỏ xinh. Mặt trời tắt, mọi người gọi nhau í ới mang gùi ra đồng. Ở đó, phía bụi cỏ, họ cất giấu cuốc, liềm, ô doa tưới sau mỗi bận làm xong. Họ tranh thủ nhặt cỏ, xới đất và tưới rau.

Có lần, chị Kpuih Dui (làng Klah 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) kể với tôi: “Mình lớn lên đã thấy giọt nước này. Dù đã có giếng nhưng mình vẫn mang chai nhựa ra đây lấy nước về dùng. Mùa khô giếng cạn chớ giọt đâu có cạn. Con cháu mình uống nước giếng, nước bình, nhưng mình uống nước giọt quen rồi”. Chiều đến, chị ra giọt nước hứng đầy những chai nhựa, sắp vào gùi, rồi những người sau lưng chị cũng lần lượt xếp hàng để hứng nước chảy ra từ ống tre nhỏ.

Nhìn vũng nước đầy rong rêu dưới tán um tùm của bụi hoa mua, tôi thoáng giật mình vì nghĩ rằng nó đóng cặn bẩn. Nhưng khi cho tay vào, vốc ngụm nước từ đôi tay chụm lại, tôi bất ngờ vì nước trong veo, không lẫn thứ gì khác. Nước mát rượi như được ướp từ tủ lạnh.

Những đứa trẻ theo mẹ ra vườn rau đã cởi áo, mặc chiếc quần đùi nhảy ùm ùm xuống bờ mương đắp nước từ giọt chảy ra ở phía hạ lưu. Chúng thích thú reo đùa. Tôi cứ đứng thế nhìn chúng và khuấy tay xuống nước vẩy lên những luống rau bên cạnh.

Tôi lớn lên từ làng, ba mẹ tôi sống lẫn trong làng của những người Bahnar đôn hậu. Bạn tôi có rất nhiều người Bahnar, học cùng lớp, lớn cùng làng, phần đông lấy vợ lấy chồng sớm, sinh con đẻ cái và lớn lên ở làng. Tôi đứng ở giọt nước này mà nhớ chúng, nhớ làng cũ và nhớ cả cái giọt nước của làng Kon Brung thuở nào.

Giọt nước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Giọt nước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Giọt nước làng tôi ngày ấy nằm ở gần cánh đồng trồng đầy lúa cao. Lúa ấy hạt to, dài, ăn cơm màu nâu dẻo, mỗi năm trồng có một vụ. Người làng đợi lúa già trên cây rồi mang gùi ra đồng lấy tay tuốt từng bông. Gần giọt nước có nhà chòi nhỏ, dù ở tạm, nghỉ lại bữa trưa nhưng họ làm nhà rất chắc chắn. Khoảng 9 giờ sáng, những tốp thanh niên nam nữ đi làm ngang qua nhà, họ cuốc ruộng xuyên trưa, nắng chang chang. Chúng tôi hay thắc mắc: “Sao làm cả trưa cho mệt?”. Họ cười đáp: “Làm cả trưa cho Yàng thương!”.

Giọt nước ngày ấy lớn lắm, họ bắc hai ống nứa to chảy ồ ồ, xung quanh cũng là những bụi cây nhỏ lúp xúp, nước rịn ra ẩm ướt quanh năm. Chiều về, đàn bà con gái ngực trần quấn váy đen tắm táp, vui đùa dưới giọt nước. Họ tự nhiên, không ngại ngùng. Trên đường về nhà, nhiều phụ nữ cứ để ngực trần, chân váy và tóc tai ướt sũng, sau lưng chiếc gùi thưa là những trái bầu nặng lặc lè, có nút bằng lá chuối hoặc lá dầu...

Tôi đứng ở giọt nước buổi chiều mà miên man suy tưởng. Chúng ta đặt rất nhiều câu hỏi về du lịch, phát triển và bảo tồn. Tôi nghĩ, những giọt nước nguyên sơ có bụi cây um tùm, có bờ mương nhỏ để tụi trẻ ùm ùm tắm gội, có những gian nhà sàn chất đầy bầu nước đen trũi, đó có phải là điểm nhấn để du lịch cộng đồng cất cánh?

TẠ NGỌC ĐIỆP

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202203/giot-nuoc-lang-toi-5770975/