Giọt nước mắt ân hận của người cha già

Cuộc sống, ai cũng có lúc mắc sai lầm nhưng lỗi lầm mà ông Đức gây ra thì không dễ gì tha thứ. Ông biết chắc chắn, đứa con trai vì ông mà trở nên tàn phế cũng khó có thể thứ tha cho cho mình. Càng nghĩ, ông càng thấy đau, một nỗi đau thấu tận tâm can.

Nghĩ đến những gì mình đã gây ra cho con trai, Nguyễn Văn Đức không kìm được nước mắt.

Nghĩ đến những gì mình đã gây ra cho con trai, Nguyễn Văn Đức không kìm được nước mắt.

Nguyễn Văn Tình- con trai ông Nguyễn Văn Đức (SN 1953, ở Đan Phượng, Hà Nội) không phải là đứa con trai thiện tính. Điều này không cần ông phải nói ra thì ai cũng biết, nhất là vợ con ông. Đến giờ này, mỗi lần nghĩ đến con trai, ánh mắt ông lại chất chứa niềm đau, sự cô đơn và phiền muộn. Sâu thẳm trong lòng ông chính là sự khắc khoải với những ý nghĩ đau khổ tột cùng.

Ông đã vô vàn lần nhịn con trai, đó không phải bất lực mà là ông hoàn toàn nhịn. Ông biết, người làm cha có thể có nhiều cách để “trị” con, có điều ông chọn cách bớt đi một lời nói, bớt đi một hạnh động chính là muốn hòa hảo trong gia đình. Tình lúc trẻ tuổi tính khí đã khó ưa, lớn lên đến tuổi lập thất vẫn không có gì thay đổi. Vợ chồng ông bà cũng đã từng hy vọng khi có vợ con, Tình sẽ thay đổi. Ít nhất khi có tình yêu của người phụ nữ, Tình sẽ được “cảm hóa”, sẽ biết thay đổi từ cách sống, cách đối nhân xử thế với nhưng người xung quanh. Trên thực tế, Tình không như vậy.

Cũng không biết phải dùng phương thức ngôn từ nào để diễn đạt tính tình của con trai, ông Đức chỉ biết nó ngông nghênh không để ai vào mắt. Đáp ứng mọi nhu cầu thì anh ta vui, trái ý thì anh ta sẵn sàng mắng nhiếc, không biết người ấy là ai. Già rồi, vợ chồng ông Đức cũng chỉ muốn có một cuộc sống bình yên nhưng Tình thì thường xuyên chửi bới chẳng tiếc lời. Nếu có thể sống thì không ai muốn chết, cũng như nếu có thể hạnh phúc, an yên thì không ai muốn cảnh xào xáo bất hòa, tất cả mọi người đều như thế. Nhiều khi nghĩ đến đứa con trai mình đứt ruột đẻ ra có dạy dỗ nhưng không nên người như con nhà người ta, ông Đức thấy mình vô cùng thất bại.

Nhiều lúc vợ chồng ông lại đưa ra suy nghĩ “dối mình gạt người” kiểu “chín bỏ làm mười”, vì con mắt nhắm mắt mở mà sống, con đã như vậy thì mình sẽ thay đổi vì con, chính là cam chịu, suốt một đời cam chịu... Như vậy thì đã sao, chỉ cần gia đình con cháu có thể yên ổn, vui vẻ là được. Ấy nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, Tình không gây vợ thì cũng gây ông bà, căn bản Tình luôn cảm thấy không vừa ý. Cho nên mới có chuyện, ông Đức không thể làm ngơ, cuối cùng sự việc mới dẫn đến cái kết đau lòng như ngày hôm nay.

Vào khoảng 17h ngày 14/6/2020, Tình đi chơi về, thấy vợ là chị Nguyễn Thị Thu (SN 1980), đang nấu cơm. Vừa đi vào bếp, mở nồi cơm, thấy ít, Tình đã đá nồi cơm và nói: “Mày nấu thế này thì mày ăn một mình đi”. Dứt lời, Tình rượt đuổi theo vợ ra ngoài, vợ Tình vừa chạy vừa kêu to: “Bố mẹ ơi, nó đánh con”. Nghe tiếng con dâu, biết ngay con trai tính làm chuyện gì nên ông Đức và vợ vội vàng chạy sang nhà Tình. Sang đến nơi, bà Ngọc Thị Thủy (SN 1953) hỏi: “Sao mày lại thế? Sao mày lại đánh nó?” Tình thản nhiên buông lời chửi bới, thách thức mẹ: “...thích chết thì vào hết đây”.

Mẹ vừa một câu, Tình đáp lại một câu, câu sau cay nghiệt hơn câu trước. Chứng kiến con trai hỗn láo, ông Đức nói: “Tao thích chết thì mày làm gì được tao”. Tình cầm ấm tích để trên bàn giơ lên định ném về phía bố. Ngay lúc đó, ông Đức đi ra gốc cây nhãn, lấy cây gậy đinh ba, chạy vào phòng khách, đứng sau con trai, dùng đinh ba đâm vào cổ, thắt lưng, khiến Tình ngã xuống nền nhà. Dưới những cú đâm đầy lực dồn nén bởi sự tức giận của ông Đức, Tình bị tổn hại 99% sức khỏe. Cuộc đời của Tình gắn với chiếc xe lăn từ đó. Ông Đức cũng biết mình đã hoàn toàn sai, không còn cơ hội để sửa.

Ở độ tuổi này, ông Đức hiểu rõ chuyện đúng sai đều không thể dựa vào trái tim để đánh giá. Sai chính là sai, cho dù nguyên nhân đáng thương đến thế nào đi chăng nữa nhưng những đau thương mà ông đã gây ra cho con trái là không thể xóa. Vậy là ông cũng không giỏi chịu đựng như ông nghĩ, khoảng thời gian trước đó ông kiềm chế cũng chỉ bởi Tình chưa động đến vảy ngược của ông, chưa chạm đến điểm tận cùng của sự dồn nén. Sự việc của ngày hôm đó cũng chính là giọt nước làm tràn ly. Ông Đức bà Thủy tưởng rằng sự chịu đựng, nhẫn nhịn đối với Tình trong những năm tháng qua là đúng nhưng thực ra nó lại là sai. Điều đó vô tình dựng lên ý nghĩ mặc định mọi người phải đối xử với Tình như thế. Cho nên, Tình luôn đặt bản thân ở thế thắng, không hòa càng không thể thua.

Ngày ra Tòa, hai cha con gần nhau trong gang tấc nhưng lại không thể chạm vào. Đối với ông mà nói, khoảng cách như vậy khiến mỗi phút trôi qua với ông đều là thống khổ. Chưa bao giờ ông thấy chiếc xe lăn lại “khó nhìn” đến thế. Thực ra, ông cảm thấy đau đớn, càng vô cùng đau đớn khi nhìn thấy người sở hữu nó, đó là con trai ông. Một thanh niên khỏe mạnh, bây giờ phải lệ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn kia. Ông muốn nói với con trai thật nhiều lời tận đáy lòng nhưng lời ra cửa miệng lại chỉ có nước mắt. Thế giới vốn không có nhiều sự công bằng, nhiều chuyện đều phải trả giá đắt mới có được. Bây giờ, với ông Đức cho dù bản thân có trả giá bằng năm bằng mười thì hẳn sự công bằng cho con trai ông dường như là không thể có.

Tàn phế, suốt đời tàn phế! Ông đã rùng mình khi nghĩ đến. Tàn phế xem ra còn đau đớn hơn cả khi chết đi, bởi ít ra, chết đi còn được giải thoát. Sự tồn tại “vật vờ”, khiến cả người gây ra hậu quả như ông lẫn nạn nhân đều trở nên bi thảm.

Ông Đức vốn là con người cứng rắn, khóc đối với ông cũng vô cùng hiếm. Vậy mà hôm nay, tại phiên tòa ông đã khóc to như một đứa trẻ, càng được dỗ, được động viên lại càng khóc. Cứ như kiểu được bao nhiêu nước mắt ông khóc hết cho một lần vậy.

Ông Đức muốn khẳng định với mọi người, bản thân không còn trẻ để nói rằng mọi hành động của mình chỉ là một phút không kiềm chế. Sai, chính là sai. 7 năm 6 tháng tù về tội “Giết người” mà TAND TP Hà Nội tuyên, ông thấy mình đáng nhận. Thế giới có ngũ vị, ông đều nếm qua, chỉ có điều trong số đó có những vị ông nhận lấy nhiều hơn người khác.

Trước khi rời phòng xét xử về lại trại tạm giam, ông Đức đã dừng lại rất lâu trước mặt con trai mình. Đôi môi ông mấy lần mấp máy vẫn không thể nói ra thành lời, chỉ có âm thanh kim loại phát ra từ đôi tay buông lửng trước mặt lại tăng thêm phần lạnh lẽo.

Cuối cùng, ông Đức cũng dứt khoát xoay lưng bước đi. Có điều, mặt ông méo xệch, nước mắt không kiềm được mà trào ra!.

(Tên bị hại và những người liên quan đã được thay đổi)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/giot-nuoc-mat-an-han-cua-nguoi-cha-gia-69021.html