Giọt nước mắt hạnh phúc khi mẹ tròn 100 tuổi

Những ngày lễ, tết, căn nhà nhỏ nơi mẹ sinh sống trở nên ấm cúng, rộn ràng tiếng cười nói. Lúc vui, mẹ ca hát, đọc thơ cho các cấp lãnh đạo, đoàn viên thanh niên đến thăm hỏi cùng nghe. Cũng có lúc, nước mắt mẹ rơi - đó là giọt nước mắt của sự hạnh phúc khi nhìn thấy con cháu quây quần, trên bàn có nhiều phần quà tặng và cũng một phần nhớ chồng, nhớ con đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ân cần thăm hỏi sức khỏe của mẹ nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nay. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Gánh gạo nuôi chồng...

Đó là mẹ Việt Nam anh hùng (MVNAH) Nguyễn Thị Rực (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một). Năm nay mẹ đã tròn 100 tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn rất tốt; việc đi lại, ăn uống không cần con cháu phải kề cận chăm nom. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi ngày mẹ vẫn còn lấy điện thoại xem những chương trình cải lương yêu thích, làm thơ. Mẹ Nguyễn Thị Rực cũng là MVNAH duy nhất trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một còn sống.

Ngồi bên mẹ, được nghe lại những câu chuyện vượt khó, hy sinh, truyền thống gia đình cách mạng; chuyện gánh gạo nuôi chồng ở căn cứ, một mình nuôi 4 người con khi tuổi đời còn trẻ, chúng tôi càng tự hào trước sự hy sinh to lớn của mẹ. Mẹ cùng chồng là liệt sĩ Lê Văn Đực lớn lên trên quê hương Thủ Dầu Một. Yêu đất nước, ra sức bảo vệ Tổ quốc, ông Đực cùng anh em trong gia đình tham gia kháng chiến, chống giặc ngoại xâm. Ông Lê Văn Đực chính thức hoạt động cách mạng từ năm 1962, đến năm 1966 hy sinh ở trận đánh vào đồn Phú Chánh (địa phận phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên hiện nay) khi tròn 30 tuổi. Trong trận đánh ấy, ông Đực và 8 đồng đội hy sinh, nhưng quân địch thiệt hại lớn.

Nhớ lại ngày ấy, nước mắt mẹ Nguyễn Thị Rực lại rơi, mẹ nói: Ông hy sinh vào buổi tối. Đến 5 giờ chiều hôm sau thì mẹ được báo tin, lúc đó tay chân mẹ rụng rời. Một mình ôm 4 đứa con nhỏ, thằng út mới 4 tháng tuổi, nên mẹ không đi đón ông được. Mẹ chỉ nhờ các chú “Vo tròn, gói chặt” để lo cho ông ấy.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh động viên mẹ khi đoàn chia tay gia đình, đi thăm các cô, chú khác trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Mẹ đau đến thấu tim, khóc muốn khô nước mắt nhưng phải gượng dậy, phải sống vì trách nhiệm phía trước còn rất nặng nề. Những năm tháng chồng tham gia hoạt động kháng chiến, cũng như sau ngày ông mất, mẹ phải vượt qua những gian khổ không kể xiết.

“Địch nó thường xuyên rình rập, tra hỏi những câu như: Chồng đi đâu, làm gì? Mẹ cứ lẩn tránh, đi làm miết không dám về nhà. Lúc giáp mặt không thoát được chúng, mẹ cứ nói đại: Ông đi xẻ gỗ trên rừng, xa lắm, lâu lâu mới về. Thương con, ông thường lén về nhà ban đêm, hôn hết đứa này đến đứa khác, được một hồi lại trốn đi trong suốt nhiều năm như vậy. Mẹ thương chồng, thương các chú thì lâu lâu tiếp tế gạo, thực phẩm vào trong đó. Những bài hát mà mẹ thuộc cũng học từ các chú trong chiến khu”, mẹ Nguyễn Thị Rực nhớ lại.

Khoảng thời gian sau khi ông Lê Văn Đực hy sinh, mẹ một thân một mình nuôi 4 người con. Suốt ngày mẹ quần quật đi kiếm cái ăn. Lúc thì mẹ đi chẻ củi mang ra chợ Thủ bán mua gạo, lúc thì gói bánh tét, bánh chưng, ra các công trình ở đường Yersin làm phụ hồ... Việc gì có tiền nuôi con là mẹ làm. Vậy đó, nhưng quân địch đâu có để yên cho mẹ, chúng vẫn rình rập, tra hỏi về người chồng!

Sống lạc quan, yêu con cháu

Chỉ vài dòng khó nói hết nỗi vất vả, sự hy sinh to lớn của mẹ. Nỗi đau lại nối tiếp nỗi đau, nhiều năm sau người con trai thứ 2 của mẹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bà Lê Thị Tư, người con gái kế út của mẹ, cũng là người tận tình chăm lo cho mẹ từ miếng ăn, giấc ngủ hàng chục năm qua, chia sẻ: “Khoảng thời gian sau ngày anh Lê Văn Rạng hy sinh, mẹ rất buồn, tưởng chừng không gượng qua được. Bà hay ngồi thẫn thờ, ít nói. Mãi đến sau này, mẹ mới quên dần, sức khỏe ổn định trở lại, sống lạc quan hơn”.

Thương cho người mẹ tần tảo sau nhiều năm khổ cực, năm 16 tuổi, chị Lê Thị Tư phải khai gian thêm một tuổi cho tròn 17 (đủ tuổi đi làm), rời gia đình lên huyện Đồng Phú (Bình Phước) xin làm ở cơ sở buôn bán lương thực. Chị vừa làm thủ kho, kiêm luôn bốc vác.

“Đồng lương lúc ấy rất thấp, không đủ sống. Mỗi ngày tôi phải nhịn ăn sáng, số gạo ấy để lại gửi về cho mẹ. Có ngày một mình tôi bốc mấy tấn hàng để kiếm thêm thu nhập. Cứ cuối tuần là mẹ ra cổng ngồi ghế chờ, xem con có về không. Về đến nhà mà thấy trong túi có mấy kg gạo, vài con khô và ít mì gói là mẹ mừng lắm, thấy thương gì đâu...”, chị Tư nhớ lại.

Thói quen của mẹ là ngồi trên chiếc bàn nhỏ bên hiên nhà tay tiêm trầu, nghe những bài cải lương yêu thích trên chiếc điện thoại thông minh

Khi được hỏi về “bí kiếp” sống lâu của mẹ, chị Tư cười tươi, rồi nói: “Chắc do trời thương. Khổ cực bao năm là vậy, nhưng mẹ không bệnh đau gì, một mình đi đứng khắp nhà, tự ăn uống chứ không cần chăm sóc. Món ăn yêu thích của mẹ là khoai lang, bánh tráng, cá mòi hộp. Mỗi bữa ép lắm mới ăn hết nửa chén cơm, chứ không ăn khoai lang cả ngày cũng được. Và một thứ không thể thiếu là trầu cau, mẹ không còn răng nhưng ăn trầu rất giỏi, nhai cả ngày vậy đó, nhai liên tục hết miếng này đến miếng khác. Mỗi tháng chắc hết 6kg cau khô. Chỉ riêng tiền trầu, cau cho mẹ cũng hơn 4 triệu đồng/tháng. Theo lịch trình, cứ 7 giờ tối là mẹ đi ngủ, 12 giờ khuya mẹ thức dậy nhai trầu khoảng 2 tiếng, sau đó ngủ tiếp đến sáng”.

Nói về khả năng đọc thơ, ca hát, chị Tư kể tiếp: “Mẹ không rành chữ, nhưng thuộc lòng nhiều bài hát truyền thống cách mạng từ thời trẻ. Mẹ yêu con, yêu cháu lắm; đứa nào đi đâu chưa về là hỏi liên tục. Hơn nữa, mẹ rất mê cải lương. Ngày nào mẹ cũng bắt mở chương trình cải lương trên điện thoại, lướt hết bài này qua bài khác. Mẹ không rành chữ cho lắm nhưng có khả năng làm thơ. Suy nghĩ về việc gì là nói một mạch, có vần có điệu hay lắm. Con cháu trong nhà không đứa nào học được “tuyệt chiêu” của mẹ. Lúc nào mẹ cũng căn dặn con cháu trong nhà sống phải tốt, phải học tập, làm người tử tế...

Mẹ sống thọ một phần nhờ lạc quan, có khiếu hài hước. Có hôm ngồi cạnh, mẹ bảo với tôi: Sao mấy người còn nhỏ tuổi mà chết hết rồi vậy bây, còn tao già vậy lại không chết? Tôi nói đùa: Mẹ không chết vì nhai trầu nhiều quá, ăn ít sẽ mau chết thôi. Mẹ lại nói: Vậy tao sống lâu vài năm nữa, chứ bỏ trầu cau là tao không chịu được, chết thiệt đó mày... Hai mẹ con nhìn nhau mà cười đau cả bụng”.

Câu chuyện với chị Tư, MVNAH Nguyễn Thị Rực khép lại khi chúng tôi phải theo đoàn công tác lãnh đạo tỉnh đi thăm nhiều gia đình khác nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023) trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Chia tay đoàn, nước mắt mẹ một lần nữa lại rơi sau bài hát tặng cả đoàn. Chị Tư tâm tình, mẹ rất ít khi khóc. Mẹ chỉ khóc khi thấy hạnh phúc và cũng một phần ôn lại kỷ niệm xưa, nhớ các thành viên trong gia đình, những người con anh hùng đất Việt.

QUANG TÁM

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/giot-nuoc-mat-hanh-phuc-khi-me-tron-100-tuoi-a301625.html