Giọt nước mắt muộn màng
Chúng tôi có dịp về thăm Trại tạm giam Công an tỉnh khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, ánh nắng le lói chiếu qua làn mây cũng không thể xua tan cái lạnh mùa đông. Trong cái lạnh se sắt ấy, những người lầm lỗi đang cặm cụi quét dọn khuôn viên của Trại để chuẩn bị đón xuân mới. Còn ở một nơi khác trong Trại, có những ánh mắt mòn mỏi nhìn qua khe song sắt lạnh lẽo với hy vọng mong manh sẽ được rời khỏi nơi biệt giam này để về bên gia đình yên ấm - Họ là những tử tù.
Tử tù Triệu Thị Hồng, nhà ở tận bản vùng cao của một huyện nghèo trong tỉnh, sinh năm 1995, đang ở độ tuổi đẹp như đóa hoa rừng. Gia đình Hồng có hoàn cảnh rất khó khăn, là con thứ 3 trong 4 chị em, do bố mẹ không nuôi được, Hồng được cho đi làm con nuôi từ khi mới lọt lòng. Đến khi lớn lên, Hồng lấy chồng rồi sinh hạ 2 đứa con xinh xắn, do thiếu đất, thiếu vốn nên hằng ngày tất bật làm thuê cũng không đủ ăn. Biết được điểm yếu này, những kẻ buôn bán ma túy đã gạ gẫm, lôi kéo Hồng vào đường dây gieo rắc cái “chết trắng”. Chỉ học hết lớp 5, không ý thức được hành vi phạm tội, trong khi đang cần tiền để mua thuốc chăm con qua đợt ốm, Hồng tặc lưỡi nhận mang hàng cho kẻ xấu, dấn chân vào con đường tội lỗi. Năm 2020, Hồng bị bắt khi đang vận chuyển, tàng trữ 36 bánh hêrôin, lúc đầu bị tạm giam, cô không nghĩ mình sẽ phải nhận án tử hình. Cho đến khi tòa tuyên án, lúc này Hồng hoảng loạn, trời đất như sụp đổ. Chỉ vài hôm, tóc bạc đi phân nửa, người phụ nữ lẽ ra ở độ xuân nhất, giờ nhìn như ngoài năm mươi...
Tôi hỏi Hồng về gia đình và 2 đứa con còn nhỏ tuổi, như chạm đúng mạch, những giọt nước mắt lăn dài trên má, tay run run, phải mất một lúc, Hồng mới nói nên lời: “Em hối hận lắm, giờ này không biết hai đứa con bé bỏng ra sao nữa. Nghe bảo một đứa phải về ở với bà ngoại, chồng em nuôi một đứa, vài tháng vào thăm em một lần. Trước đây, mỗi lần quây quần bên chồng con, ngắm con cái vui đùa, dù nghèo khó, nhưng sao mà vui vẻ, hạnh phúc đến thế, bây giờ thì... Gần Tết rồi, em nhớ con..., ước gì... quá muộn rồi nhà báo ơi...”.
Cuộc sống phía sau song sắt, ngày ngày Hồng cùng người bạn tù chăm sóc một khóm hành củ được trồng cẩn thận trong một vỏ chai nước khoáng. Khi được hỏi tại sao lại trồng khóm hành đó, Hồng bảo: “Mỗi ngày, em ngắt một lá để ăn, rồi chứng kiến chúng mọc thêm một lá mới, nó như niềm hy vọng mong manh của chúng em vậy...”. Kết thúc cuộc nói chuyện, Hồng nhờ tôi nhắn với gia đình rằng trong này vẫn khỏe, rất mong bố mẹ, chồng con tha lỗi...
Cũng nhận án tử hình vì vận chuyển 10 bánh hêrôin, Trần Thị Hà có những ngày dài chờ thi hành án sau song sắt. Hoàn cảnh của Hà cũng khá giống với Hồng, cuộc sống nghèo khó, học hành không đến nơi, đến chốn, không chịu được nghèo khó, người chồng đã bỏ mẹ con Hà để đi tìm hạnh phúc mới; trong lúc túng thiếu, lại bị phụ bạc nên Hà đã sa chân vào đường dây buôn bán ma túy. Năm 2015, Hà bị bắt khi đang vận chuyển ma túy chuyến thứ 2.
Giọng Hà nghẹn ngào khi nói chuyện với chúng tôi: “Lúc bị bắt, tôi sợ lắm, không biết còn cơ hội làm lại cuộc đời nữa hay không, vào trại, ngày nào tôi cũng thấy cắn rứt lương tâm vì tội tày trời của mình. Mẹ tôi mất từ năm 1996, vào trại được 3 năm thì bố tôi mất vì đau buồn về tội lỗi của tôi. Cô con gái cũng bỏ học để lấy chồng khi chưa hết lớp 12, giờ nó đã có hai con. Do không có việc làm, cuộc sống khó khăn nên từ lúc bị bắt, con gái mới lên thăm tôi được một lần.”. Đã 5 cái Tết trôi qua, một cái Tết nữa sắp đến, năm nào Trại tạm giam cũng tổ chức cho phạm nhân ăn Tết, cũng có bánh chưng, kẹo mứt, ăn uống đầy đủ, nhưng mỗi lần nhìn thấy bánh chưng, Hà đều khóc nhớ gia đình, con cái.
Một cán bộ Trại tạm giam, có gần 20 năm làm quản giáo, từng chứng kiến những ngày cuối cùng của phạm nhân nhận án tử hình. Anh tâm sự: Trại tạm giam quản lý một số tử tù, chủ yếu là án ma túy và giết người. Gần 20 năm là quãng thời gian tôi suy nghĩ về con người; có những câu chuyện, đặc biệt là chuyện về những tử tù khiến tôi không bao giờ có thể quên được. Mong rằng đừng ai vi phạm pháp luật để rồi phải vào đây khi mọi chuyện đã muộn màng...
Rời Trại tạm giam, ánh nắng nhạt chợt tắt, trời bỗng đổ cơn mưa, nỗi lòng của hai nữ tử tù khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh. Những giọt nước mắt hối lỗi quá muộn màng về tội ác họ đã gây ra do theo đuổi những ham muốn cá nhân, những mục đích sống không lành mạnh. Nỗi khát khao được sống trong giây phút cuối cùng ấy khiến tôi cảm nhận được sự thức dậy của bản năng của người mẹ trong họ. Biết rằng, họ sẽ phải đền tội, nhưng những đứa trẻ sẽ sống ra sao khi cuộc đời chúng sẽ không có mẹ bên cạnh nữa, nhất là những ngày Tết đang đến và không có mẹ sửa soạn bữa cơm tất niên!
(Tên nhân vật đã được thay đổi).
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giot-nuoc-mat-muon-mang-37446