'Giọt nước' UAV có làm 'tràn ly' căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ?
Vụ máy bay không người lái của Mỹ bị rơi trên Biển Đen nguy cơ trở thành ngòi nổ nguy hiểm với mối quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đang hết sức căng thẳng và ở mức thấp chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Lạnh.
Khẩu chiến quanh vụ MQ-9 Reaper rơi
Giới chức Nga và Mỹ đang tranh cãi về nguyên nhân chiếc máy bay do thám không người lái (UAV) hiện đại MQ-9 Reaper của Lầu Năm góc rơi ngày 14-3 vừa qua trên Biển Đen, ở khu vực gần bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập hồi năm 2014. Tranh cãi căng thẳng từ vụ đụng độ mới nhất giữa quân đội hai nước làm dấy lên lo ngại sâu sắc rằng nguy cơ từ tính toán sai lầm có thể dẫn tới sự bùng nổ nguy hiểm, vượt tầm kiểm soát của cả hai bên.
Mỹ cáo buộc khi chiếc MQ-9 Reaper đang “thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) thông thường” trên Biển Đen, hai chiếc máy bay chiến đấu Su-27 Nga đã tiếp cận và nhiều lần xả nhiên liệu và bay về phía chiếc UAV do thám này một cách “liều lĩnh và thiếu chuyên nghiệp”. Một trong số hai chiếc tiêm kích của Nga sau đó va vào cánh quạt UAV khiến chiếc máy bay do thám trị giá hơn 30 triệu USD của không quân Mỹ rơi xuống Biển Đen.
MQ-9 Reaper là loại máy bay không người lái đa nhiệm của Lầu Năm góc, có thể vừa làm nhiệm vụ trinh sát, vừa tấn công các mục tiêu một cách chính xác và bất ngờ. Chiếc UAV MQ-9 Reaper có thể được trang bị tên lửa Hellfire cũng như bom dẫn đường bằng laser và có thể bay hơn 1.770 km ở độ cao lên tới 15.000 m và rất khó bị phát hiện.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng Nga ngay sau đó đã lên tiếng phủ nhận việc xảy ra va chạm giữa máy bay chiến đấu Su-27 của không quân Nga với MQ-9 Reaper, cho rằng chiếc UAV của Mỹ rơi là “do phi công điều khiển xử lý sai”. Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper đã “ngoặt gấp, mất kiểm soát và rơi”, đồng thời cho biết thêm, “các chiến đấu cơ Nga không sử dụng vũ khí mang theo, không tiếp xúc với chiếc UAV của Mỹ và đã trở về sân bay an toàn”.
Chưa dừng lại, phía Nga còn “phản pháo” dữ dội hơn cáo buộc của Mỹ khi có ý cáo buộc máy bay do thám của Mỹ đã đi vào không phận do Nga kiểm soát gần bán đảo Crimea. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống kiểm soát không phận của Nga đã phát hiện một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bay qua Biển Đen. Khi tới gần không phận Crimea, máy bay do thám Mỹ đã tắt bộ tiếp sóng, vi phạm không phận tạm thời được phía Nga thiết lập cho hoạt động quân sự đặc biệt, vốn đã được thông báo với tất cả các bên sử dụng không phận quốc tế và và được công bố theo tiêu chuẩn quốc tế. Phía Mỹ, tất nhiên cũng lập tức bác bỏ điều này. Tướng James Hecker của Không quân Mỹ nói rằng, chiếc UAV của Mỹ “đang làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế thì bị chặn và đâm bởi một máy bay Nga, dẫn tới vụ tai nạn”. Vị trí chiếc UAV của Mỹ rơi ở Biển Đen không được cả hai phía Mỹ và Nga tiết lộ. Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, vị trí cuối cùng của chiếc MQ-9 Reaper là cách thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea khoảng 60 km.
Tranh cãi giữa Nga và Mỹ trong vụ chiếc UAV do thám rơi ở Biển Đen càng thêm leo thang khi đích thân quan chức quốc phòng cấp cao nhất của hai nước lên tiếng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, các chuyến bay của UAV của Mỹ ở bờ biển Crimea là hành động khiêu khích, tạo tiền đề cho leo thang tình hình ở khu vực biển Đen và cảnh báo, Nga “sẽ tiếp tục đáp trả tương xứng với tất cả các hành động khiêu khích”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng không e ngại đáp lại rằng, “Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Khó vượt tầm kiểm soát
Căng thẳng leo thang quanh vụ UAV do thám MQ-9 Reaper rơi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ xuống tới mức thấp nhất sau chiến tranh Lạnh do cuộc xung đột tại Ukraine. Mỹ đến nay chưa trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine nhưng đã dẫn đầu các quốc gia phương Tây và đồng minh mở các “mặt trận” ngoại giao và kinh tế, “tấn công” Nga một cách dữ dội bằng những đòn trừng phạt kinh tế liên tiếp cũng như tìm mọi cách cô lập Matxcơva trên thế giới. Cùng với đó, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu hậu thuẫn, viện trợ tối đa các trang thiết bị vũ khí, đạn dược cho Ukraine, điều mà giới phân tích quân sự cho rằng Washington còn cùng với các đồng minh thực chất đã tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraine.
Phía Nga cũng có những cú “phản đòn” mạnh mẽ. Một trong số đó là việc Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 28-2 vừa qua đã ký đạo luật về việc tạm đình chỉ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Hiệp ước ký giữa Nga và Mỹ năm 2010 này được xem là “chốt hãm” duy nhất giữa các cường quốc nhằm ngăn ngừa hiểm họa một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga và Mỹ đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Trong đó, Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng; còn Mỹ có 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu. Một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Nga và Mỹ, nếu xảy ra có thể hủy diệt nhiều lần sự sống trên Trái đất.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ xuống thấp chưa từng thấy như hiện nay, căng thẳng quanh vụ UAV do thám của Mỹ rơi ở Biển Đen tiềm ẩn những nguy cơ rất đáng lo ngại. Trước đó, hai bên từng có những vụ đụng độ, va chạm như vụ máy bay chiến đấu Nga bay cắt mặt máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trên bầu trời Biển Đen ở khoảng cách khoảng 30m gây nhiễu động với máy bay Mỹ; hay máy bay cường kích Nga bay sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ đang tham gia một cuộc diễn tập ở Biển Đen hồi năm 2021… Mỹ sau đó đều lên tiếng phản đối, nhưng không quá quyết liệt như vụ UAV do thám rơi ngày 14-3.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa lớn tiếng cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ UAV MQ-9 Reaper của Mỹ rơi ở Biển Đen. Thượng nghị sĩ theo quan điểm cứng rắn này thậm chí còn kêu gọi Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho bắn hạ máy bay chiến đấu Nga áp sát khí tài bay của Mỹ nhằm đáp trả vụ UAV rơi ở Biển Đen.
Phản ứng với tuyên bố của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, Matxcơva không muốn đối đầu với Washington. Tuy nhiên, ông cảnh báo, mọi cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào máy bay Nga trên vùng trời quốc tế sẽ là "lời tuyên chiến nhằm vào cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới".
Có thể thấy, Nga và Mỹ đang có những phản ứng và đáp trả cứng rắn nhằm vào nhau trong vụ UAV MQ-9 Reaper. Thế nhưng, xem ra cả hai phía đều không muốn đi quá xa và đặc biệt là mất kiểm soát trong vụ việc căng thẳng mới nhất giữa hai nước. Trong động thái rất đáng chú ý, hai Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ đã gần như ngay lập tức có cuộc điện đàm sau vụ chiếc UAV của Mỹ bị rơi ở Biển Đen, cuộc điện đàm hiếm hoi giữa quan chức đứng đầu Bộ Quốc phòng hai nước kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra cách đây hơn một năm. Nội dung cuộc điện đàm không được tiết lộ nhưng đó là động thái cho thấy hai bên cùng mong muốn không để sự việc bị đẩy vuột tầm kiểm soát.
Cũng đáng chú ý không kém là việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng “vụ UAV của Mỹ bị Nga đánh chặn có thể là một hành động không cố ý”. Vụ chiếc UAV MQ-9 Reaper rơi ở Biển Đen vì thế có thể kích hoạt một cuộc khẩu chiến, song khó có thể làm bùng phát các hành động quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này.