Giữ ấm cơ thể để khỏe trong thời tiết rét đậm kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ gần sáng 17/12, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng và kéo dài. Lúc này, nhiệt độ ở đồng bằng giảm sâu xuống mức 10 độ C, thấp hơn 4 độ C so với một ngày trước.
Trong các đêm 18-22/12, nhiệt độ ở miền núi xuống ngưỡng 3-5 độ C, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng... Trong khi đó, khu vực núi cao khả năng ghi nhận nhiệt độ xấp xỉ 0 độ C.
Theo các chuyên gia y tế, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng và kéo dài là điều kiện để các bệnh về đường hô hấp gia tăng, đặc biệt là với những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ, người già, người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Khoa Bệnh phổi mãn tính chuyên điều trị cho bệnh nhâp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân lên cơn hen cấp tính, đợt cấp của gián phế quản, viên phế quản mãn tính đo nhiễm trung, liên qua trực tiếp với viêc thay đổi thời tiết, môi trường.
Như mọi năm, vào thời điểm này, số bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp ở các bệnh viện, kể cả các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa, có khoa hô hấp đến khám tăng đột biến.
“Đối với trường hợp bệnh lý về hô hấp có đặc thù riêng. Hàng ngày, chúng ta phải hít thở không khí, vì vậy những thay đổi về môi trường đều trực tiếp ảnh hưởng tới tình trạng của phổi. Đối với những người bệnh có sức đề kháng kém như người già yếu, người cao tuổi, hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người đang mắc các bệnh lý nền như bệnh mãn tính về hô hấp, người có thể trạng suy giảm miễn dịch… rất dễ bị tổn thương khi thời tiết vào thời điểm giao mùa”, bác sĩ Thành thông tin.
Không khí trước khi vào cơ thể, được cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm, khi thời tiết thay đổi đột ngột, việc sưởi ấm ở các trường hợp có bệnh lý sẽ bị giảm sút, là nguyên nhân cho các yếu tố nguy cơ gây bệnh…
Theo bác sĩ Thành, đối với trường hợp có bệnh lý nền, cơ thể đã bị tổn thương thì nguy cơ mắc bệnh bao giờ cũng tăng hơn những người bình thường. Chẳng hạn những người khỏe mạnh vẫn có thể bị viêm phổi, bệnh lý về hô hấp nhưng sức đề kháng của họ tốt thì tình trạng bệnh có thể sẽ không trầm trọng bằng người có bệnh lý nền, sức đề kháng suy giảm. “Đặc biệt trong môi trường biến động như hiện nay, sức đề kháng của họ đã yếu, lại càng yếu hơn, cho nên khi mắc bệnh sẽ bị nặng. Vì thế đa số các trường hợp đến khám và nhập viện là bệnh nặng rồi”, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính cho biết.
Vì thế, vị chuyên gia y tế nhấn mạnh, phòng bệnh là quan trọng nhất. Cần giữ ấm cho cơ thể đi ra ngoài trời lạnh, hạn chế đi ra ngoài đối với người có bệnh lý nền; cần mặc ấm, đeo khẩu trang, vừa giữ ấm hơi thở, vừa phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Đối với trường đã được chẩn đoán bệnh lý nền, cần quản lý bệnh thật tốt theo bác sĩ chuyên khoa; phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt người già, cao tuổi, thời điểm giao mùa phải quan tâm hơn đến dinh dưỡng, ăn uống đủ.
Người cao tuổi hay thức dậy về đêm, vì vậy cần rất cẩn thận không để nhiễm lạnh vì bên cạnh gây bệnh lý về hô hấp có thể gây nên những cơn đột quỵ tim, não.
Với trẻ nhỏ cẩn cẩn trọng, giữ ấm để trẻ không bị nhiễm lạnh. Tuyệt đối không cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng thuốc, không đủ liều; đảm bảo dinh dưỡng, cho trẻ ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng...