Giữ Ca Trù trên quê hương Đất Tổ

PTĐT - Đào nương Nguyễn Thị Hạnh được biết đến là một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân hát Ca Trù Phạm Thị Bang. Từ năm 2008 đến nay với niềm say mê âm nhạc dân gian, đặc biệt là Ca Trù, chị Hạnh đã không ngừng học hỏi, tự rèn luyện, tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện trong, ngoài tỉnh; đồng thời gặt hái được nhiều giải cao trong những hội thi và Cuộc thi hát Ca Trù toàn quốc.

Đào nương Nguyễn Thị Hạnh cùng các thành viên CLB Ca Trù Lạc Hồng trong một buổi biểu diễn Ca Trù.

Đào nương Nguyễn Thị Hạnh cùng các thành viên CLB Ca Trù Lạc Hồng trong một buổi biểu diễn Ca Trù.

Với niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ, chị Hạnh đã bén duyên với âm nhạc và là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh năm 1998, 1999. Cho đến năm 2000 chị chính thức đầu quân cho Trung tâm với vai trò tuyên truyền viên chuyên đi biểu diễn lưu động phục vụ bà con trong toàn tỉnh. Thời gian đó, chị cũng thường xuyên tham gia nhiều hoạt động phong trào, nhiều cuộc thi lớn trên toàn quốc và đạt được những giải thưởng cao. Chị lọt vào vòng Chung kết của cuộc thi Sao mai năm 2003; đó cũng là nguồn cổ vũ, động lực để chị tiếp tục cố gắng, phấn đấu, cống hiến cho nền âm nhạc tỉnh nhà.
Đến với Ca Trù tình cờ như cơ duyên định sẵn, đó là vào năm 2008 trong thời điểm theo Công ước UNESCO Ca Trù được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Phú Thọ vinh dự cùng 14 tỉnh thành trong cả nước được ghi danh có nghệ thuật Ca Trù nên chị được cử đi thi Cuộc thi hát Ca Trù toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên. Chị bộc bạch rằng, lúc ấy khi nhận được tin là đại diện của tỉnh để tham dự cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia trong khi đó chưa từng được làm quen, học môn nghệ thuật này nên chị vừa thấy vinh dự vừa thấy hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên với việc ham học hỏi và tư duy âm nhạc vốn có chị tìm đến nghệ nhân Phạm Thị Bang ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh để theo hát Ca trù. Chị tiếp thu và học khá nhanh, tuy nhiên do lúc đó, nghệ nhân Bang đã cao tuổi, không còn minh mẫn như trước nên quá trình học cũng gặp không ít khó khăn, nhiều khi cả ngày chỉ học đi học lại một vài câu trong bài. Theo học cụ Bang được quãng chục ngày, chị Hạnh “khăn gói quả mướp” lên đường đi thi; trên đường chị tranh thủ tự tập luyện và học thêm của những người bạn đi cùng. Bất ngờ, cuộc thi năm đó chị đạt giải B với ca khúc “Đào hồng, đào tuyết”. Những năm sau đó, chị đều tham dự Cuộc thi hát Ca Trù toàn quốc, năm nào cũng đạt giải cao… Hiện tại là phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Trù Lạc Hồng, chị Hạnh cũng chủ động tự tìm đến những nghệ nhân hát Ca Trù tại Hà Nội để hoàn thiện cách hát, gõ phách và mang nhiều tiết mục tham gia các cuộc thi, giao lưu trong cả nước. Chị Hạnh chia sẻ: “Ca Trù chưa bao giờ là văn hóa bình dân mà ca từ của nó rất uyên bác, giống như âm nhạc thính phòng của các nước phương tây, đòi hỏi người học phải thật sự nhập tâm và đầu tư cả về thời gian, công sức. Điểm khó nhất khi hát là người Đào nương (ca sĩ) ngồi giữa chiếu phải vừa hát vừa gõ phách lấy nhịp và trong giọng hát phải có âm ư ngân, vang thì mới ra được chất của Ca Trù…”.Bên cạnh việc gìn giữ góp phần làm lan tỏa làn điệu Ca Trù trong cộng đồng, chị Nguyễn Thị Hạnh còn tích cực tham gia hát, truyền dạy và thành lập các Câu lạc bộ hát Xoan trong toàn tỉnh. Chị cũng là người đầu tiên đưa làn điệu hát Xoan truyền thống đến với đảo Trường Sa trong chuyến đi năm 2012 và là gương mặt góp phần làm nên những thành tích cao của đoàn Phú Thọ trong những cuộc thi như: Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận tổ chức tại Khánh Hòa năm 2019; cuộc thi hát hay dân ca ba miền…Với đam mê và nhiệt huyết các đào nương, trong đó có Nguyễn Thị Hạnh vẫn tiếp tục cố gắng đưa nghệ thuật Ca Trù lên sân khấu trong các chương trình biểu diễn văn nghệ. Để gìn giữ, quảng bá hình ảnh “canh hát cửa đình” những đào nương như chị cũng mong muốn thời gian tới ngành Văn hóa cùng các sở, ngành liên quan cần quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, đạo cụ nhằm tổ chức các lớp truyền dạy Ca Trù cho nhiều đối tượng và bảo tồn, phát triển Ca Trù trở thành một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc sắc, góp phần đưa Đất Tổ trở thành miền đất 3 di sản.

Khánh Duy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/201906/giu-ca-tru-tren-que-huong-dat-to-165313