Giữ cây đa là cứu hồn làng

Làng Chè có cây đa to, cành lá xanh tốt, tỏa bóng mát một vùng. Người đi làm đồng về qua đây dừng lại nghỉ chân, trâu bò nằm dưới tán cây dưỡng sức, trẻ con ríu rít nô đùa...

Kẻ đi xa cách độ vài cây số nhìn thấy ngọn đa là biết sắp về tới làng mình. Cây đa già trở nên gần gũi thân thuộc như một phần máu thịt của làng. Chẳng thế mà khách lạ hỏi thăm cứ nói làng có cây đa to nhất vùng sẽ được chỉ đường đúng đến nơi.

Một hôm, dân làng bỗng xôn xao lên khi nghe được tin một doanh nghiệp lớn về làng mở khu công nghiệp. Dự án đã ký kết, chắc chỉ nay mai thôi sẽ triển khai. Ngày họp toàn thể nhân dân, ông phó giám đốc đứng lên thuyết trình: “Khu nhà máy sẽ xây dựng trên khoảng đất gần xóm bãi, do vậy phải chặt bỏ cây đa”. Mới nghe có vậy, ông chi hội trưởng người cao tuổi nói: “Thưa các vị, cả làng tôi ăn đời truyền kiếp bao thế hệ đều nương nhờ bóng đa. Nay các vị chặt béng nó đi chẳng phải là cắt đứt nguồn cội của chúng tôi à?”. Tiếp sau, một vị lão thành cách mạng phát biểu: “Những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt, để cắm được lá cờ Tổ quốc trên ngọn đa, đã có đồng chí cán bộ phải hy sinh. Nơi đây, còn làm lễ xuất quân đưa tiễn bao người con của làng ra chiến trận. Ngọn đa là đài quan sát của đơn vị bộ đội địa phương, là vị trí du kích bắn máy bay tầm thấp. Giờ chặt đi thì còn đâu "chứng nhân" lịch sử? Chúng tôi biết kể chuyện gì cho con cháu mai sau?”. Chẳng chịu ngồi yên, các bà, các chị bàn tán xôn xao. Một chị hăng hái đứng lên: “Em xin có ý kiến ạ! Các bác mà bỏ cây đa đi thì cánh làm đồng chúng em chết nắng hết à? Người già con trẻ lên bờ đê phơi nắng ngồi nói chuyện chắc?”.

 Ảnh minh họa/thainguyen.tintuc.vn/

Ảnh minh họa/thainguyen.tintuc.vn/

Một loạt câu hỏi sắc như dao cắt. Chao ôi! Cứ tưởng việc chặt một cái cây là chuyện nhỏ nhưng lại không phải như vậy. Tình hình có vẻ căng thẳng, đại diện doanh nghiệp nọ xin phép sẽ xem xét lại dự án. Nói là xem xét nhưng các cụ trong làng biết tỏng là họ sẽ không để yên cho cây đa ở giữa vùng “bờ xôi ruộng mật” đó. Một thời gian sau, chẳng cần họp hành nữa, đơn vị thi công ngấm ngầm thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Họ đưa cả máy cưa, máy ủi, dây chão, đòn càn về phía đồng bãi. Một tốp người tiến lại sát cây đa chỉ trỏ bàn cách chặt hạ.

Người làng Chè thảng thốt. Chết thật! Không khéo cây đa nguy mất. Già trẻ lớn bé cùng nhau kéo ra khu xóm bãi. Họ đòi gặp đại diện công ty và ra sức can ngăn không cho đụng vào cây đa. Cánh thợ làm thuê thì cứ lầm lũi nói rằng chỉ thực hiện theo lệnh ông chủ, phải chặt hạ cây đa nhanh gọn trong ngày. Kẻ quyết làm, người quyết can ngăn, lời qua tiếng lại hết sức ầm ĩ. Đang trong lúc căng thẳng thì một chiếc xe ô tô con tiến lại gần. Ông chủ tịch xã xuống xe hô lớn: “Bà con hết sức bình tĩnh. Tôi đã xin ý kiến điều chỉnh dự án của trên, tất cả tạm thời giữ nguyên hiện trạng”. Lúc đó vị giám đốc đi cùng chủ tịch xã mới chắp tay đứng trước toàn thể dân làng nói lời xin lỗi và thông báo dự án đã được điều chỉnh lùi về phía cuối đồng, diện tích đất gần khu dân cư được huyện đầu tư xây dựng đường nông thôn mới.

Chỉ nghe có vậy thôi, nhân dân làng Chè vỗ tay reo mừng, sung sướng. Ít lâu sau, con đường mới phẳng lỳ đẹp như dải lụa mềm vắt ngang qua cội đa già. Bộ mặt làng quê như được thay da đổi thịt, đời sống thêm phần khấm khá. Duy chỉ có nếp sống nghĩa tình thì vẫn được giữ gìn. Hằng ngày người dân làng Chè vẫn ngồi dưới bóng đa kể chuyện tâm tình.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giu-cay-da-la-cuu-hon-lang-617146