'Giữ chân' học trò từ đầu năm học
Bước vào năm học, các địa phương nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để huy động học sinh ra lớp và 'giữ chân' học trò.
Giúp trò nghèo yên tâm tới lớp
Đầu năm học mới, sĩ số học sinh/lớp ổn định là niềm vui của thầy cô Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) bởi điều kiện chung nơi nơi đây còn khó khăn dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học. Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên nhà trường trao đổi: Nhờ công tác vận động học sinh ra lớp tích cực, đặc biệt có sự hỗ trợ với những em hoàn cảnh khó khăn nên sĩ số đầu năm học đảm bảo, không học sinh nào bỏ học. Nhiều em được trao học bổng, tặng xe đạp, dụng cụ học tập… nên có thêm động lực đến trường.
Nằm ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trường Tiểu học Đa Lộc A (huyện Châu Thành, Trà Vinh) bước vào năm học mới trong không khí sôi nổi, sĩ số lớp đầy đủ. Theo cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường, học sinh đa số có điều kiện khó khăn do đó địa phương, nhà trường luôn quan tâm, giúp đỡ về học bổng, quà tặng; đầu tư các trang thiết bị dạy học… Tỷ lệ học sinh bỏ học đến nay đã giảm đáng kể.
Để có thành quả này, trước khi bước vào năm học mới, ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ thì việc chăm lo học sinh đến trường được tỉnh Trà Vinh đặc biệt chú trọng. Các ngành, cấp, tổ chức, cá nhân có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh. Về phía Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học các cấp cũng chủ động nắm tình hình học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, giúp đỡ.
Bà Nguyễn Thị Khá, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trà Vinh cho biết: Hội đã vận động khoảng 1,5 tỷ đồng trao học bổng, tặng quà cho học sinh đầu năm học mới và triển khai phân bổ đến các địa phương để kịp thời cấp phát cho học sinh. Nhiều nơi còn tổ chức khui heo đất, tạo nguồn kinh phí tiếp bước học sinh đến trường, phối hợp các trường, hội, đoàn thể nắm danh sách học sinh nghèo, gia đình hoàn cảnh, gặp biến cố để hỗ trợ; không để bất kì học sinh nào vì khó khăn mà bỏ học.
Sở GD&ĐT Trà Vinh phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 1.600 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo trên địa bàn với tổng kinh phí 433 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, việc tặng sách giáo khoa mang ý nghĩa thiết thực. Ngành đã chỉ đạo các trường phối hợp, vận động chăm lo, không để học sinh thiếu sách, trang phục và các điều kiện cần thiết bước vào năm học mới.
Tại huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), nhiều học sinh khó khăn đã yên tâm bước vào năm học mới. Ông Phan Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện có 6 xã được công nhận xã đảo, điều kiện tự nhiên khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, thủy sản và đi làm thuê; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Đa số học sinh thuộc hộ nghèo nhưng luôn có tinh thần hiếu học, vươn lên. Trước thềm năm học mới, với sự quan tâm, chăm lo cho học sinh khó khăn của các cấp đã giúp duy trì được sĩ số, hạn chế tình trạng học trò bỏ học.
Không để tái diễn bỏ học
Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau tập trung giải quyết các vấn đề “nóng”, trong đó có hỗ trợ học sinh khó khăn và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Theo ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở đặc biệt quan tâm đến tình trạng học sinh vùng sâu, xa, biển đảo, hoàn cảnh khó khăn… bỏ học. Vì thế, Sở chủ động cùng địa phương rà soát, tìm các giải pháp vận động học sinh bỏ học trở lại trường, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Theo đó, Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Một trong những giải pháp căn cơ nhất là chính sách miễn, giảm học phí theo quy định; kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm; Tổ chức các hoạt động đưa trẻ đến trường năm học mới; giúp trẻ có nguy cơ bỏ học được trở lại trường tham gia học tập...
Ngành Giáo dục Cà Mau cũng đẩy mạnh phong trào tình nguyện vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vận động thanh thiếu nhi ở vùng thuận lợi thăm, tặng quà, quyên góp quần áo, sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập tặng bạn; Tổ chức các hoạt động vận động trao học bổng, sách… cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi, ưu tiên học sinh lớp 1, 2, 6, 7 và lớp 10; Chú trọng công tác chăm lo thiết thực học sinh vùng đồng bào dân tộc, không để các em vì gia đình khó khăn mà không được đến trường.
Đặc biệt, tỉnh Cà Mau còn hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn đi học bằng đò, nhằm huy động tối đa các em đến trường, hạn chế và tiến tới đẩy lùi tình trạng học sinh phổ thông bỏ học vì không có phương tiện đi học. Nhờ có chủ trương thiết thực, học sinh bỏ học vì xa trường, đi lại khó khăn đã giảm đáng kể.
Được nhận học bổng, dụng cụ học tập thông qua chương trình Tiếp sức tới trường, em Lê Trần Mỹ Trang, học sinh lớp 11, Trường THCS-THPT Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) chia sẻ: Trước thềm năm học mới em rất lo lắng vì chưa đủ sách vở, dụng cụ học tập. May mắn em được tặng sách và học bổng từ các mạnh thường quân. Em sẽ sử dụng số tiền này để duy trì học tập, giúp ba mẹ giảm gánh nặng chi phí cho em đi học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giu-chan-hoc-tro-tu-dau-nam-hoc-post653840.html