Giữ cho 'bút sắc, lòng trong'

Mắt sáng, lòng trong, bút sắc là tên cuốn sách về nghề báo của nhà báo Hữu Thọ, đó là ba yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút, theo quan điểm của cố nhà báo Hữu Thọ. Muốn có được điều đó, người làm báo phải luôn tự học, tự rèn luyện trong suốt cuộc đời tác nghiệp.

Đạo đức - Nền tảng của nghề báo

Bác Hồ là nhà báo vĩ đại với hàng chục bút danh. Phong cách làm báo của Người là viết ngắn gọn, giản dị, sinh động, lôi cuốn, thẳng thắn, có tính chiến đấu. Bác đã kết hợp hài hòa giữa “lòng trong và bút sắc” khi Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác căn dặn những người làm báo, mỗi khi đặt bút viết một bài báo đều phải tự đặt câu hỏi “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Lời căn dặn của Người cho thấy, Người luôn coi trọng thiên chức, đạo đức, tư tưởng của người làm báo.

Đội ngũ những người làm báo phải rèn luyện để giữ vững “bút sắc, lòng trong” (Trong ảnh: phóng viên, nhà báo tác nghiệp)

Đội ngũ những người làm báo phải rèn luyện để giữ vững “bút sắc, lòng trong” (Trong ảnh: phóng viên, nhà báo tác nghiệp)

Nghề báo là một trong những nghề mà 3 chữ “tâm, tài, tầm” là kim chỉ nam. Người làm báo hiện nay được nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ tác nghiệp nhưng điều quan trọng nhất vẫn là trái tim và khối óc của chính họ. Đây cũng chính là điều mà nhà báo lão thành Lê Vân (nguyên Tổng Biên tập Báo Long An) nhắn nhủ đến đội ngũ làm báo trong giai đoạn hiện nay, nhất là những người trẻ làm báo và những nhà báo chuyên viết về vấn đề tiêu cực.

“Nói đến bút sắc, lòng trong chính là nói đến đạo đức của người làm báo. Tôi cho rằng, bất cứ người làm báo dù ở thời kỳ nào đi nữa thì đạo đức luôn rất quan trọng. Chúng ta làm nghề phải phản ánh đúng sự thật một cách khách quan, không nên tô hồng hoặc bôi đen bài viết. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà báo cũng phải luôn dặn lòng không được “bẻ cong” ngòi bút của mình” - nhà báo Lê Vân chia sẻ.

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - Châu Hồng Khá thăm, chúc tết nhà báo Lê Vân

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - Châu Hồng Khá thăm, chúc tết nhà báo Lê Vân

Theo nhà báo Lê Vân, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Bất kỳ một tờ báo nào cũng đều làm nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển KT - XH, ổn định quốc phòng - an ninh. Nhà báo là “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” nên trên hết, nhà báo cần có ‘‘trái tim nóng, cái đầu lạnh, bàn tay sạch’’. Ông bảo, bất cứ công việc nào cũng phải đòi hỏi trình độ, năng lực chuyên môn chứ không riêng gì nghề báo.

Như Bác Hồ từng nói: “Trời có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông,... người có 4 đức tính cần, kiệm, liêm, chính”. Và người làm báo cần có đạo đức. Bởi suy cho cùng, đạo đức mới là điều cốt lõi, làm nên nhân cách, phẩm chất của một con người. Là một nhà báo phải có đạo đức, học tập theo gương Bác Hồ. “Mỗi nhà báo phải nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ. Đặc biệt, người viết phải trung thực trong mọi sự việc, đưa thông tin một cách chính xác. Bài viết phải bảo đảm yếu tố khách quan làm lợi cho Đảng và Nhà nước; bám sát đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh sinh động những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, nhất là nhà báo phải tôn trọng pháp luật,...” - nhà báo Lê Vân nói.

Cần rèn luyện “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”

Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022) vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trải qua 97 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Bác Hồ, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt. Ông đề nghị báo chí phát huy tinh thần “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng triển khai quyết liệt.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An - Lê Hồng Phước cho biết, báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn định hướng, dẫn dắt đúng đắn nhận thức về văn hóa, thẩm mỹ,... cho người đọc. “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên, nhà báo dự họp mặt báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022)

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên, nhà báo dự họp mặt báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022)

Hiện nay, các cơ quan báo chí Long An không ngừng phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ báo chí được cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng đầu tư theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh, đông đủ về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, tích cực rèn luyện đạo đức nghề báo. Hầu hết nhà báo đều phát huy được vai trò nghề báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực đấu tranh với cái cũ, cái sai trái, cái xấu, xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ cái tốt, nhân tố tích cực trong cuộc sống,...

Hàng năm, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, định hướng báo chí và Hội Nhà báo tỉnh định kỳ tổ chức Giải Báo chí tỉnh. Đây là “sân chơi” ý nghĩa cho những người làm báo. Mỗi năm, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh sẽ chăm chút những “đứa con tinh thần” của mình, mang lại hiệu ứng xã hội. Đây còn là dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm làm báo, góp phần nâng cao tay nghề, hướng báo chí đến mục tiêu phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn, đa dạng hơn nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin của người đọc, người xem.

Cuộc thi giới thiệu đến người đọc, người xem, người nghe những tác phẩm báo chí xuất sắc phản ánh sinh động, trung thực, đa dạng các mặt của đời sống xã hội, những vấn đề, sự kiện nổi bật, bức xúc, những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh trên các lĩnh vực KT - XH, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... những mô hình hay, cách làm sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh trên các mặt đời sống xã hội, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, cơ chế thị trường và dưới tác động của thời đại 4.0 như hiện nay,... đội ngũ những người làm báo cần giữ vững đạo đức, nâng cao trình độ hiểu biết về từng lĩnh vực và kỹ năng nghề nghiệp để đồng hành với Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ lợi ích địa phương, xã hội, cộng đồng” - nhà báo Lê Hồng Phước nhận định.

Và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là những chuẩn mực rất quan trọng, đã được Hội Nhà báo Việt Nam cụ thể hóa 10 điều quy định đạo đức của người làm báo. Có thể xem đây là bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, mang tính dẫn dắt, hướng dẫn, đòi hỏi mỗi người làm báo phải luôn tuân thủ bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình.

Nhà báo Lê Hồng Phước cho rằng, đối với người làm báo, việc tự học, tự rèn luyện là quá trình không bao giờ được ngừng lại. Vì vậy, đội ngũ nhà báo, phóng viên phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ,... phải làm cho báo chí thật sự trở thành “cầu nối” của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và là kênh phản biện xã hội quan trọng, đóng góp cho công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp; tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và nhất là không gian mạng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí càng phải nỗ lực gấp nhiều lần để bắt kịp xu thế và phản ánh đúng đắn xã hội. Điều này cũng đưa đến những thời cơ và thách thức, đặt ra yêu cầu ngày càng cao với nhà báo, phải không ngừng trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ, phải luôn giữ mình trong sạch, công tâm. “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là những điều kiện tiên quyết trong hoạt động báo chí, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm mà mỗi nhà báo chân chính phải “khắc cốt ghi tâm” vì một nền báo chí trong sạch, vững mạnh./.

“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là những điều kiện tiên quyết trong hoạt động báo chí, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm mà mỗi nhà báo chân chính phải “khắc cốt ghi tâm” vì một nền báo chí trong sạch, vững mạnh”.

Song Nhi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-cho-but-sac-long-trong-a137429.html