Giữ cho ngàn sau

Một điện Thái Hòa (Đại Nội) uy nguy, tráng lệ đã được 'thay áo mới' khiến những ai chứng kiến không chỉ choáng ngợp, mà còn thán phục trước tài năng của đội ngũ nghệ nhân đã miệt mài với công tác trùng tu suốt 3 năm qua.

Lầu Kiến Trung. Ảnh: Lê Huy

Lầu Kiến Trung. Ảnh: Lê Huy

Bằng mắt thường có thể thấy được sự tỉ mỉ, tinh xảo và điêu luyện của những nét vẽ uyển chuyển, mềm mại, cùng đó là kỹ nghệ tuyệt đỉnh của sơn son, thếp vàng ở từng họa tiết trang trí trên các trụ gỗ, hay trên các bửu tán, bệ ngai vàng… bên trong ngôi điện. Thật xúc động khi đứng ở không gian này, mùi sơn son, thếp vàng vẫn còn thoang thoảng, những tiếng trầm trồ khen ngợi “xứng đáng biểu tượng tiêu biểu và là niềm tự hào cho di sản Huế nói riêng, cho Việt Nam nói chung”.

Chúng tôi đã quay trở lại đây nhiều lần kể từ khi điện Thái Hòa mở cửa đón khách tham quan. Nhiều du khách quốc tế và trong nước khi bước vào không gian này như “đứng hình” bởi công trình kiến trúc oai nghiêm, tuyệt đẹp này trải qua hơn 200 năm tồn tại và đối mặt với những biến động thời gian, thời tiết, chiến tranh đến hôm nay đã được hồi sinh một cách trọn vẹn.

Việc khép lại công tác trùng tu điện Thái Hòa một lần nữa thể hiện tâm huyết cũng như đẳng cấp của hậu thế với việc bảo tồn những giá trị di sản mà cha ông đã để lại. Hành trình bảo tồn những giá trị của ngàn xưa cho ngàn sau không dừng lại đó mà vẫn đang tiếp diễn, mở ra nhiều hy vọng hồi sinh khác cho các công trình quan trọng bên trong Hoàng cung Huế, mà điển hình là công trình điện Cần Chánh đang trong những ngày đầu động thổ trùng tu.

Ngày khánh thành điện Thái Hòa và nhận bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho Cửu Đỉnh, trước đông đảo quan khách quốc tế và trong nước, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xúc động khi kể về hành trình 3 năm (về đích trước 9 tháng) thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể ngôi điện quan trọng này.

Ông Trung dẫn lại ý của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) vào 20 năm trước. Thời điểm đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận xét về công cuộc bảo tồn di sản ở Huế bằng những hình ảnh rất ấn tượng với đại ý: “Hàng ngày chúng ta đã và đang chứng kiến những người thợ không quản mưa nắng, nhọc nhằn, vất vả để giành giật từ thần mưa, thần gió, thần sấm, thần chớp… từng centimet vuông di sản ở Cố đô”.

Nhắc lại điều này, để thấy rằng công cuộc bảo tồn di sản ở Huế hiện nay, những người thợ, những nghệ nhân trên công trường vẫn là người trực tiếp. Chính họ thay mặt hiện tại để "đối thoại cùng quá khứ", nhằm trả lại cho thời gian những giá trị chân xác mà chính thời gian, thời tiết, thiên tai đã bào mòn, hủy hoại.

Với rất nhiều nguồn lực, hàng chục năm qua, công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản Huế đã đạt rất nhiều thành tựu, vượt qua giai cứu nguy khẩn cấp, rồi phát triển bền vững. Từ đó, có chiến lược khai thác kinh tế văn hóa, khi giờ đây Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

Trước điện Thái Hòa, có rất nhiều công trình khác thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Điển hình như ngay trục thần đạo trong Đại Nội là lầu Ngũ Phụng, điện Kiến Trung. Và tiếp đây là điện Cần Chánh, không xa nữa là Đại Cung môn. Tất cả đã đem lại một diện mạo mới, khẳng định quyết tâm của chính quyền, người dân xứ Huế - vùng đất có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam - 8 di sản được UNESCO công nhận.

Trước đại diện lãnh đạo Chính phủ, UNESCO và đông đảo quan khách, chuyên gia trong và ngoài nước, ông Nguyễn Văn Phương - thời điểm đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đi kèm với đó là các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhắc lại thời khắc 30 năm trước, khi đó tổ chức này và cộng đồng thế giới đã nhìn thấy sự cấp thiết hợp tác với Việt Nam, với Huế trong việc bảo vệ các di sản quý giá này. Trải qua chừng ấy thời gian, công tác bảo tồn, hồi sinh di sản đã gặt hái được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Vị Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng không quên nhắc rằng, còn rất nhiều thách thức mà UNESCO và Việt Nam phải đối mặt trong công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, bảo vệ nguyên trạng di sản thế giới. Trong đó, vấn đề cần lưu tâm chính là tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giúp các di sản thế giới của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thảm họa do con người gây ra hoặc trước các thiên tai, đồng thời tối ưu hóa phúc lợi cho người dân. Để làm được những điều này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, bao gồm cả thanh, thiếu niên và phụ nữ sống quanh di sản này.

Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/giu-cho-ngan-sau-149954.html