Giữ con khỏi những thử thách quái đản trên mạng xã hội
Làm gì để giữ con mình an toàn trước những nguy cơ đến từ 'thế giới ảo' là điều mà các bậc cha mẹ ngày nay rất quan tâm.
Thông tin về một bé gái 5 tuổi ở TP.HCM đã tử vong sau khi làm theo video “thắt cổ nhưng vẫn thở được” mà bé xem được trên YouTube gây bàng hoàng trong dư luận.
Đây cũng là một trong những thử thách Momo. Momo là gì? Theo tìm hiểu của chúng tôi, Momo sử dụng hình ảnh một nhân vật với mái tóc dài, mắt lồi. Momo có thể xuất hiện bất chợt trong bất cứ một video clip nào trên internet, chèn vào giữa các bài hát và đưa ra các thử thách làm hại bản thân như cắt tay, cạo đầu, thậm chí là tự tử kèm lời đe dọa nếu không thực hiện sẽ chịu hậu quả đáng sợ. Nguy hiểm hơn nữa, Momo còn xuất hiện trên ứng dụng YouTube Kids, trong các video hoạt hình mà trẻ em thường xem. Ngoài ra, Momo cũng có thể liên lạc đến người dùng bằng các ứng dụng trò chuyện. Hiện vẫn chưa thể xác định “thử thách Momo” bắt nguồn từ đâu và những người dàn dựng nên nó có mục đích gì.
Chỉ biết chúng sao chép hình ảnh của một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, có tên “Chim mẹ”. Tác phẩm này được trưng bày lần đầu tiên tại Tokyo vào năm 2016.
Bà Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, mạng xã hội là tác nhân đẩy sự sợ hãi lên đỉnh điểm và lan tỏa toàn cầu, vô hình trung đã quảng bá và giúp cho trò thử thách quái đản này phát tán như một dịch bệnh khó kiểm soát. Bà Hương nhìn nhận: “Trẻ em là niềm yêu thương, nguồn vui sống của mỗi gia đình, là đối tượng bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật. Chính vì vậy, mọi hành động gây hại cho bọn trẻ luôn chạm đến “dây thần kinh yếu nhất” của người lớn và gây rúng động dư luận xã hội. Vừa qua, trong các bộ phim hoạt hình được trẻ em yêu thích như Elsa, Anna, Người dơi, siêu nhân... trên ứng dụng Youtube, Youtube Kids... đã bị lồng ghép các cảnh quay tình dục, bạo lực. Chẳng hạn như trong bộ phim hoạt hình lợn Peppa có những cảnh đâm chém hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.
Ông Trịnh Công Anh - chuyên gia về an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo: Trẻ em ngày nay hòa nhập vào thế giới trực tuyến cực nhanh bởi đã quá quen thuộc với internet. Chúng có xu hướng tìm kiếm những nội dung mới có tính độc, lạ, thử thách trên internet nên rất dễ bị thu hút vào các trò chơi quái đản. Vì vậy, cha mẹ cần giám sát hoạt động trực tuyến của con cái mình.
Nói chuyện cởi mở là cách tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và nội dung độc hại cũng như không truy cập bất kỳ nội dung nào từ các địa chỉ đáng ngờ. Hãy dạy trẻ những cách sử dụng internet an toàn để có thể tự tin đối phó khi xuất hiện các mối đe dọa. Chọn ra những trang web phù hợp và giải thích cho trẻ hiểu lý do lựa chọn chương trình đó. Khuyến cáo trẻ không nên kết bạn trên internet mà không biết ngoài đời họ là ai. Không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... với những người không quen biết. Đối với trẻ thơ ở lứa tuổi mẫu giáo, việc cha mẹ cùng xem với con hết các chương trình hoạt hình trên YouTube Kid là cần thiết để tránh tình trạng có những chương trình, hình ảnh độc hại được lồng ghép giữa các bộ phim hoạt hình hấp dẫn.
ThS.BS. Nguyễn Mai Hương - Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, với trẻ có ý tưởng tự sát, cần phải đưa trẻ đi khám ngay, càng sớm càng tốt. Tôi lưu ý với các bậc cha mẹ, nếu trẻ có bất cứ biểu hiện tâm sinh lý nào khác thường, trong đó có cả hành vi tự làm đau bản thân, đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh, cảm thông, tôn trọng, hỗ trợ, đồng hành với trẻ. Nhiều trường hợp cha mẹ chỉ trích trẻ gây ra những hậu quả xấu.
Nếu có những tổn thương gây ảnh hưởng sức khỏe, cần đưa trẻ xử lý vết thương, sau đó đưa trẻ đi khám chuyên khoa, phối hợp với bác sĩ can thiệp cho trẻ nếu cần. Có một số cha mẹ bỏ qua không đi khám và điều trị cho con, có bậc phụ huynh lại làm trầm trọng hóa vấn đề, tất cả đều không tốt cho trẻ. Cha mẹ cần giữ thái độ tôn trọng, quan tâm tới trẻ. Nếu chú ý quá mức hoặc không chú ý quan tâm trẻ đều là cách ứng xử không phù hợp với những trẻ có hành vi tự làm đau. Tốt nhất cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa.